Ngày 26-4, tại Phú Yên, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam và nơi sinh Phú Yên” nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú -Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người cộng sản kiên cường; nhà lý luận xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tham dự và chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh xúc động chia sẻ Tổng Bí thư Trần Phú đã anh dũng hy sinh khi mới 27 tuổi đời. Tuy gần 1 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, nhưng đồng chí đã để lại cho Đảng và nhân dân ta một tấm gương sáng chói về trí tuệ, đạo đức, khí phách hiên ngang của người cộng sản. Đó là tấm gương hy sinh, phấn đấu trọng đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực của người đảng viên cộng sản, một nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú đã trở thành biểu tượng cao đẹp, mãi mãi được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin yêu và kính phục.
Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng khẳng định: tưởng nhớ Tổng Bí thư Trần Phú, chúng ta tự hào về một người cộng sản chân chính, nhà lý luận xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam; bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với đất nước, đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tưởng nhớ đồng chí, chúng ta nguyện bước tiếp ý chí kiên cường, tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh phấn đấu trọn đời vì lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân; học tập nhân cách đạo đức sáng ngời của người cộng sản kiên cường; quyết tâm phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng giàu, đẹp. Tấm gương sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú sống mãi trong trái tim cán bộ, đảng viên và các thế hệ người Việt Nam!
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung phân tích làm sâu sắc thêm những nội dung: Những cống hiến của đồng chí Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; Những đóng góp của đồng chí Trần Phú đối với việc xây dựng các tổ chức cách mạng của quần chúng; Các phẩm chất cao đẹp của đồng chí Trần Phú mà chúng ta cần học tập; về nơi sinh, quê quán và dòng tộc của Trần Phú.
Về những cống hiến của đồng chí Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng, các đại biểu đều cho rằng, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất 10-1930 đã đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng ta. Cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức (thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lâm thời), Bộ Chỉ huy cao cấp của Đảng lần đầu tiên được kiện toàn về mặt tổ chức, có đủ đại diện của cả ba miền Bắc-Trung-Nam, vai trò của Đảng ngày càng lớn mạnh và rộng khắp, uy tín của Đảng không những được nhân lên trong phạm vi cả nước, mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trong toàn cõi Đông Dương.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận của Đảng, tháng 12 - 1930, đồng chí Trần Phú và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xuất bản báo Cờ đỏ và Tạp chí Cộng sản, đồng thời thành lập Ban tuyên truyền do một Uỷ viên Thường vụ Trung ương phụ trách. Qua thực tiễn đấu tranh, số lượng đảng viên nhanh chóng tăng lên, từ hơn 300 đảng viên trong cả nước (ngày Đảng mới thành lập 03-02-1930) đã lên tới 2.400 người vào đầu năm 1931. Nhiều quần chúng yêu nước được giác ngộ, kết nạp vào Đảng qua đấu tranh thời kỳ cao trào 1930-1931; ảnh hưởng của Đảng trong phong trào quần chúng không ngừng được nâng cao. Đây là một cơ sở quan trọng để ngày 11-4-1931, trong phiên họp thứ 25 Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ XI quyết định: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”.
Về những đóng góp của đồng chí Trần Phú đối với việc xây dựng các tổ chức cách mạng của quần chúng, sau khi về Sài Gòn, ngày 20-01-1931, Trần Phú đã chủ trì Hội nghị Trung ương bàn triển khai công tác vận động công nhân. Hội nghị đã quyết định thành lập Ban Công vận Trung ương do đồng chí trực tiếp làm Trưởng ban. Đây là một bước tiến mới trong công tác vận động công nhân và xây dựng tổ chức Công hội. Hội nghị Trung ương lần này cũng đã thông qua Nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động, nhưng do phong trào thanh niên chưa tiến kịp với những bước phát triển chung của phong trào cách mạng, nên tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản vẫn chưa được thành lập. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai (3-1931), Trần Phú và Trung ương Đảng nhận định: “Tổ chức ra Cộng sản Thanh niên Đoàn là một nhiệm vụ thâu phục một bộ phận quan trọng của vô sản giai cấp, là một vấn đề cần kíp mà Đảng phải giải quyết”. Từ nhận định ấy, Hội nghị đã quyết định: “Lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức những ủy viên tổ chức ra Đoàn, đốc xuất cho chi bộ tổ chức; tổ chức cơ quan báo chương về việc vận động của Đoàn và phải chỉ đạo cho các chi bộ mới thành lập của Đoàn bắt đầu hoạt động trong quần chúng thanh niên được những khẩu hiệu của thanh niên mà hiệu triệu quần chúng”. Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức Thanh niên Cộng sản thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Cũng từ đó, ngày 26-3, ngày Hội nghị kết thúc và thông qua Nghị quyết, được lấy làm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Đông Dương (nay là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).
Cùng với việc ra các nghị quyết nói trên, trong khoảng từ tháng 10-1930 đến tháng 3-1931, nhiều nghị quyết và văn kiện về xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng như: Nông hội, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ... đã được Trần Phú và Trung ương Đảng soạn thảo, thông qua, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng trong những năm đầu Đảng ta vừa mới thành lập.
Các nhà khoa học cũng đã làm rõ thêm sự phát triển về đường lối của Đảng ta dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú trong công tác vận động quần chúng, không chỉ tập trung vào giai cấp vô sản mà đã mở ra hướng vận động tập hợp nông dân, thanh niên, phụ nữ và các tầng lớp khác. Từ đó, có thể nhận rõ thêm sự sáng tạo của Đảng ta và Tổng Bí thư Trần Phú trong điều kiện làm cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như ở nước ta.
Về các phẩm chất cao đẹp của đồng chí Trần Phú mà chúng ta cần học tập, có thể nhận thấy do cha mẹ mất sớm từ thuở ấu thơ, Trần Phú sớm hình thành nhân cách tự lập, có nghị lực trong cuộc sống và học tập, vượt qua mọi khó khăn để trưởng thành và cống hiến. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước được chứng kiến sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và phong trào nổi dậy của các tầng lớp nhân dân vào thế kỷ XX, Trần Phú đã chọn con đường hiến thân cho lý tưởng cao đẹp là chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngay từ khi còn là thầy giáo, bằng nhiệt huyết của mình, Trần Phú đã truyền cho các lớp học sinh tinh thần yêu nước và lôi cuốn họ vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, với mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, không áp bức, bất công. Sau khi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, từ chủ nghĩa yêu nước, Trần Phú đến với lý tưởng cộng sản và quyết tâm hiến dâng đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn.
Đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Suốt gần 5 tháng bị giam cầm, từ bót Pôlô, bót Catina rồi Khám Lớn Sài Gòn, mọi đòn roi và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù đều không khuất phục được người cộng sản kiên cường. Lời nhắn gửi cuối cùng của đồng chí trước lúc hy sinh: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã truyền thêm sức mạnh cho đồng đội và sẽ còn vang vọng mãi, cổ vũ chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường cách mạng hôm nay. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”. Quốc tế Cộng sản cũng đã đánh giá cao đồng chí Trần Phú: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Cộng sản Đông Dương”.
Về nơi sinh, quê quán và dòng tộc của Trần Phú, các đại biểu đã làm rõ thêm về tác động của các yếu tố truyền thống lịch sử văn hóa, xã hội, thiên nhiên của vùng đất nơi sinh ra và của quê hương dòng tộc đối với Trần Phú, cũng như tác động từ sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân của hai địa phương Phú Yên, Hà Tĩnh.
Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú được tổ chức trọng thể vào lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực thi đua học tập, lao động sản xuất, thi đua lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước: Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4, Ngày Quốc tế lao động 1-5 và lễ kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Hội thảo hôm nay đã góp phần làm tăng thêm động lực tinh thần, động viên các cấp, các ngành, các địa phương, cổ vũ cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sỹ cả nước, hăng hái thi đua lao động sáng tạo, công tác và học tập, lập nhiều thành tích, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Hội thảo cũng là dịp để tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những tấm gương của những người chiến sỹ cộng sản tiền bối, những người học trò xuất sắc của Người; là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.
Bảo Châu