Dù là bên thua cuộc, các sĩ quan và nhà nghiên cứu Pháp đều xem chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam là không tránh khỏi.
Câu hỏi “Vì sao quân Pháp đã thua tại Điện Biên Phủ?” ám ảnh rất
nhiều cựu chiến binh Pháp suốt 60 năm qua. Mỗi người, từ anh lính dù nhỏ
chỉ biết tuân mệnh lệnh cho tới những thượng úy, đại tá lãnh đạo quân
đội, đã cố gắng tìm ra một câu trả lời. Và họ cũng như các nhà nghiên
cứu đã gặp nhau ở kết luận chung rằng trận đánh của những người con
quyết tâm giành lại độc lập dân tộc chiến thắng là tất yếu.
|
Lính Pháp tại Điện Biên Phủ (ảnh: authentichistory) |
“Ngọn gió tất yếu của lịch sử” là cụm từ mà nhà sử học Alain Rouscio sử
dụng để nói ngắn gọn về chiến thắng Điện Biên Phủ cho quân dân Việt Nam.
Dĩ nhiên, “tất yếu” ở đây bao hàm nhiều yếu tố, gồm cả những nỗ lực
không mệt mỏi của cả một dân tộc để đạt được một kết quả tưởng chừng
giản đơn mà vô cùng gian nan là hòa bình, độc lập; tất yếu vì chủ nghĩa
thực dân muốn đè nén một dân tộc khác thì phải bị tiêu diệt.
Bên phi nghĩa bất khả chiến thắng
Nhận thức được điều này, một số người Pháp khi ấy đã dám đánh cược cả
mạng sống để phản đối chiến tranh tại Việt Nam, một đất nước ở rất xa
mà họ không hề biết đến. Với bà Raymond Dien, người phụ nữ đã nằm trên
đường ray ngày 23/2/1950 để chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam, thì
việc ngăn chặn tội ác của chính quyền thực dân là một điều “tất yếu”
phải làm.
Trả lời phóng viên Đài TNVN, bà Raymond Dien lý giải rất giản đơn thế
này: “Tôi chỉ nghĩ rằng có những người đàn ông, phụ nữ, trẻ em bị giết
mỗi ngày bởi cuộc chiến. Trường học, bệnh viện, những ngôi chùa, cầu
đường bị tàn phá mỗi ngày. Và cần phải ngăn chặn tội ác đó”.
Với một số người dân Pháp còn chưa hiểu, còn hận thù sau trận Điện
Biên Phủ, nhà sử học Alain Rouscio, tác giả cuốn “Võ Nguyên Giáp – một
cuộc đời” đã nhắc đến chính “ngọn gió lịch sử của sự phi thực dân hóa”
để giải thích: “Tôi luôn giải thích rằng ở Điện Biên Phủ, không phải
nước Pháp mà là chủ nghĩa thực dân Pháp đã thua. Chính Chủ tịch Hồ Chí
Minh cũng luôn nói rằng kẻ thù của Việt Nam là hệ thống thực dân Pháp
muốn đè nén dân tộc Việt Nam và vì thế người Việt phải chiến đấu chống
lại”.
Sự tất yếu về một dân tộc đoàn kết một lòng dùng hết sức lực để chống
lại chủ nghĩa thực dân, ở vào thời điểm ấy, chính quyền và quân đội
Pháp đã không nhìn nhận được. Minh chứng là sau thất bại tại Điện Biên
Phủ, phải rút khỏi Đông Dương, Pháp vẫn tiếp tục chiến tranh tại Algeria
mà không thể tưởng tượng được rằng thông điệp về hòa bình, độc lập dân
tộc từ Điện Biên Phủ lại có sức lan tỏa toàn cầu và tác động lớn đến như
thế. Tất yếu, nước Pháp cũng đã thua tại Algeria.
|
Bà Raymond Dien |
Với nhà làm phim lịch sử Daniel Roussel, người từng nhiều lần được gặp,
trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì chính câu nói của Đại tướng
đã lý giải tất cả sự tất yếu đó: “Có lần Đại tướng đã nói với tôi là
tại sao lại hỏi nhiều về chiến tranh thế, vì ông là “một vị tướng của
hòa bình”. Ông nói mình buộc phải tiến hành chiến tranh là vì hòa bình.
Có những cuộc chiến tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc và Điện Biên
Phủ là một cuộc chiến như thế.
Chiến thắng của cả dân tộc
“Bộ đội Việt minh đã thắng vì họ xứng đáng như thế” - đó là suy nghĩ
của hạ sỹ nhất trong tiểu đội lính dù số 4 Pierre Bonny, ngay vào thời
khắc đau buồn nhất là biết quân Pháp thua trận và bản thân bị bắt làm tù
binh.
“Tôi dành sự đánh giá cao đối với bộ đội Việt Nam. Khi tôi bị bắt làm
tù binh, tôi tận mắt chứng kiến những đoàn xe thồ kéo dài gần như bất
tận, không ngưng nghỉ, chở mọi thứ lên Điện Biên Phủ, từ gạo, ngô cho
đến vũ khí hạng nhẹ,” Bonny nói. “Những người chở hàng này không ngồi xe
đạp mà chất mọi thứ lên đó và đẩy xe lên. Đó là chưa kể những người
gánh đồ tiếp viện bằng quang gánh trên đôi vai. Nhờ thế mà Đại tướng Võ
Nguyên Giáp đã nuôi được hơn 30.000 bộ đội ở Điện Biên Phủ và giành
chiến thắng. Điện Biên Phủ là chiến thắng của toàn bộ dân tộc Việt Nam,
tất cả người dân đều góp phần chứ không chỉ riêng quân đội”.
|
Ba Raymond Dien (trái) và con gái Catherine |
Cũng theo ông Bonny, trong khi quân và dân Việt Nam đoàn kết và quyết tâm, thì phía bộ chỉ huy của Pháp liên tục mắc sai lầm.
Ông Bonny nói tiếp: “Về phía Pháp, các tư lệnh chỉ huy đã phạm một
sai lầm nghiêm trọng, đó là đánh giá sai khả năng tiếp viện của các máy
bay. Các máy bay Pháp đã buộc phải hạ cánh rất sớm vì bị pháo phòng
không Việt Minh vây ráp nên việc tiếp viện không thể kéo dài, quân Pháp
trong các cứ điểm gặp quá nhiều khó khăn. Một bên là sự dũng cảm của bộ
đội Việt Nam, một bên là sai lầm trong chỉ huy của các tướng lĩnh, thế
nên các bạn chiến thắng là xứng đáng và tất yếu”.
Đánh giá thấp đối phương - Sai lầm của Bộ chỉ huy Pháp
Theo Đại tá Jacques Allaire, khi ấy là thượng úy chiến đấu trong binh
đoàn lính dù số 6 dưới sự chỉ huy của tướng Marcel Bigeard, thì “quân
Pháp không có một lý do chính đáng nào để chiến thắng” và hạ thấp đối
thủ là sai lầm lớn nhất của bộ chỉ huy Pháp.
Ông phân tích : “Tôi còn nhớ lần cuối cùng tướng Navarre và Cogny đến
Điện Biên Phủ thị sát, đã hỏi tướng DeCastre là các anh có đủ quân
không? Các anh có cần thêm một vài binh đoàn tiếp viện không? Tướng
DeCastre đã nói rằng các ông cứ yên tâm, chúng ta có đủ người để đẩy lùi
bộ đội Việt. - Chính sự khinh địch ở tầm chỉ huy cao ấy đã khiến quân
Pháp phải thua. Chúng tôi không có một lý do chính đáng nào để chiến
thắng. Chính quyền Pháp thì thay đổi đến 19 lần trong 9 năm khiến trắng
đen lẫn lộn. Trong khi đó quân và dân Việt Nam đồng lòng dưới sự lãnh
đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau trận Nà
Sản, bộ chỉ huy Pháp tưởng rằng có thể chiến thắng và quyết định tấn
công vào Điện Biên Phủ nhưng họ đã nhầm. Những người bộ đội mới là những
người chiếm ngự các ngọn đồi – vì đó là đất nước của họ”.
Ông Allaire cũng đã có sự so sánh về quân đội Bảo Đại – những người
tự xưng là theo "chủ nghĩa dân tộc” với bộ đội Việt Minh khi ấy: “Tôi
biết nhiều người trong quân đội Bảo Đại, họ không có động lực và quyết
tâm nào, họ không đại diện cho ước nguyện của người dân Việt và không
dám hy sinh mạng sống vì Tổ Quốc. Trong khi đó, bộ đội Việt Minh là
những người lính thực thụ với quyết tâm, lòng dũng cảm và đạo đức”.
|
Alain Rouscio |
|
Daniel Roussel, mhà làm phim Cuộc chiến Hổ và Voi
|
Theo đánh giá của đại tá Allaire cùng một số nhà nghiên cứu lịch sử
Pháp, quân đội nhân dân Việt Nam có sự trưởng thành mạnh mẽ qua thời
gian, đặc biệt là rút kinh nghiệm từ thất bại ở trận Nà Sản để tìm hiểu
cách đánh của quân Pháp, và dần tích lũy vũ khí.
Với quyết tâm và lòng dũng cảm, cả dân tộc đồng lòng chiến đấu, quân
và dân Việt Nam đã tạo nên một chiến thắng mà Pháp không thể đảo ngược,
chấm dứt sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như tạo động lực
cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới tiếp tục cuộc đấu
tranh phi thực dân hóa, giành độc lập dân tộc./.
Theo VOV