Thứ Ba, 24/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 12/10/2011 6:26'(GMT+7)

Tổng kết Điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe – nhìn toàn quốc năm 2010

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tổng kết hội nghị

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tổng kết hội nghị

Cuộc điều tra được tiến hành từ 1/6/2010 với tổng số 11.111 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 15.434 trường Tiểu học, 10.421 trường Trung học cơ sở, 2.309 trường Trung học phổ thông và 7.901 điểm bưu điện văn hóa xã đang hoạt động. Điều tra thống kế cũng đã tới tận 132.932 thôn, tổ dân phố với 20.104.583 hộ gia đình, 14 doanh nghiệp viễn thông, internet và 67 đài phát thanh truyền hình trên cả nước.

Theo số liệu thu được từ cuộc điều tra lần này, Việt Nam đang có 15.483.292 thuê bao điện thoại cố định; 99,7% số xã được điều tra có điện thoại di động; số thuê bao Internet băng rộng đạt 3.298.976 thuê bao và 87,2% số xã được điều tra có thuê bao Internet băng thông rộng; 94,9% số xã được điều tra có điểm truy nhập viễn thông công cộng. Cũng theo số liệu thống kê năm 2010, nước ta có 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xã đã có máy tính cá nhân; có tới 99,5% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tổ chức chính trị, xã hội cùng cấp có máy tính cá nhân… Với số lượng máy tính được trang bị tại các công sở, cùng nhiều hoạt động đào tạo bài bản công thức về ứng dụng CNTT, phần mềm phục vụ cải cách hành chính tăng theo cấp số nhân qua từng năm. Đây là những tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từng bước áp dụng CNTT cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân và đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy còn có sự chênh lệch quá lớn giữa thành thị và nông thôn trong việc khai thác, sử dụng mạng Internet băng thông rộng cũng như các dịch vụ nghe-nhìn.

Hiện cả nước mới có trên 1,6 triệu hộ gia đình nối mạng Internet, đạt 8,2% (trong khi trung bình cả nước có 12,6% hộ có máy tính cá nhân). Cũng theo thống kê ở nhiều tỉnh, con số gia đình nối mạng Internet chỉ đạt 2-4%. Đặc biệt, việc phân bổ nối mạng Internet quá không đồng đều. Nếu như ở khu vực thành thị, tỷ lệ hộ gia đình nối mạng Internet chiếm khoảng 22% thì ở khu vực nông thôn tỷ lệ này chỉ đạt 2,6%.

Cả nước có khoảng 12,5 triệu người trong hộ gia đình thường xuyên sử dụng Internet, đạt 14,6%. Tuy nhiên, ở thành thị có 33% số người người sử dụng Internet thường xuyên, còn ở nông thôn, con số này mới chỉ là 7,2%.

Đây quả thật là một sự chênh lệch về khoảng cách quá lớn, và nhiều người nghèo ở nông thôn đã không thể tiếp cận với nguồn tri thức phong phú từ Internet. Cho dù thời gian qua, nhiều đơn vị đã thực hiện các dịch vụ viễn thông công ích như thành lập các Điểm Internet thanh niên, đưa Internet về thôn bản…

Ở “hạng mục” điều tra về tỷ lệ hộ gia đình có máy thu hình (Tivi), con số đưa ra cũng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Tuy bình quân cả nước có 90,4% hộ gia đình có Tivi, song cũng có những nơi, gần 40% hộ gia đình đã không sắm nổi cho mình một chiếc Tivi như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang…

Về tỷ lệ người trong hộ gia đình sử dụng điện thoại di động, Bình Dương vươn lên dẫn đầu với 57%, Thành phố Hồ Chí Minh 54% và Đà Nẵng 47%...

Trong khi tỷ lệ hộ gia đình có máy thu thanh phân bố không đồng đều, cao nhất là Tiền Giang với 24% và thấp nhất là Kon Tum, Quảng Trị, Hà Giang... với 3%. Về mật độ thuê bao cố định, Hà Nội dẫn đầu với 32,3% và thấp nhất là An Giang với 8,4%.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đánh giá cao sự đóng góp công sức, sự phối hợp hành động giữa các tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện theo đúng quy định, trình tự để cuộc điều tra thống kê đạt kết quả tốt nhất. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên ngành TT&TT tiến hành một cuộc điều tra thống kê quy mô lớn toàn quốc. Số liệu kết qủa điều tra thống kê đã góp phần thiết thực, kịp thời giúp Bộ có thêm những tư liệu cần thiết phục vụ cho việc xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án, đề án lớn của ngành TT&TT sẽ được triển khai trong giai đoạn 2011 – 2015. Đây cũng là số liệu quan trọng để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển TT&TT ở địa phương, cuộc điều tra cũng giúp hình thành cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống từ trung ương đến cấp xã, góp phần xây dựng và vận hành hệ thống chính phủ điện tử…. Bộ trưởng cũng chỉ đạo bên cạnh việc ghi nhận các kết quả, thành tích trong việc tổ chức thực hiện điều tra thống kê toàn quốc, Hội nghị cũng cần rút ra các bài học kinh nghiệm cho hoạt động điều tra thống kê, cũng như cho các hoạt động tổ chức phối hợp giữa Bộ TT&TT với các Bộ/Ngành ở Trung ương và với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

PV (Tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất