Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 13/5/2011 22:21'(GMT+7)

Chăm chút "Trồng người"

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Sau một thời gian có phần tạm lắng, những vấn đề nhức nhối xung quanh câu chuyện “văn hóa học đường” của một bộ phận học sinh phổ thông lại trở thành tâm điểm dư luận nóng bỏng trong những ngày qua. Chỉ trong vòng một tuần gần đây, có tới 4 “clip sex” của học sinh, sinh viên được tung lên mạng. Cũng cách đây chưa lâu, một học sinh ở thành phố Hải Phòng đã tự tử do uất ức vì bị thầy giáo mắng; còn một học sinh ở tỉnh Sóc Trăng vào phòng vệ sinh cắt tay với ý định... quyên sinh, bởi cảm thấy áp lực thi cử quá nặng nề.

Những biểu hiện và hành vi lệch lạc trên của học sinh có thể do bị ảnh hưởng từ luồng văn hóa xấu độc từ bên ngoài, sự băng hoại đạo đức của một bộ phận người lớn và “ô nhiễm” môi trường xã hội. Nhưng có một căn nguyên khác là: Bên cạnh một số học sinh đang tự cho mình “cái quyền” muốn “vùng vẫy” trong một môi trường thiếu lành mạnh, thì cũng không ít học sinh luôn cảm thấy hoang mang, lo lắng, thậm chí có tâm lý bất an do công việc học hành, thi cử quá căng thẳng và sự kỳ vọng, yêu cầu thái quá của chính cha mẹ các em. Nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra, văn hóa học đường có nguy cơ ngày càng bị biến dạng méo mó và gây tổn hại nghiêm trọng đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách của học sinh.

Do vậy, việc triển khai chương trình “Văn hóa ứng xử học đường” vào thời điểm này là rất kịp thời, cần thiết. Thông qua chương trình này sẽ góp phần định hướng và tạo cơ hội cho học sinh phổ thông học tập và làm theo những giá trị, lẽ sống cao cả trong văn hóa ứng xử với thầy cô, bạn bè, gia đình và mọi người; có nhận thức đúng đắn về tâm, sinh lý lứa tuổi của mình; tự chủ và biết cách kiềm chế, điều tiết cảm xúc cá nhân; tránh mọi cử chỉ, việc làm nông nổi để hướng tới những hành vi đẹp. Chương trình cũng như một “bà đỡ” nâng niu, dìu dắt học sinh vững vàng trước ngưỡng cửa cuộc đời và trang bị những kỹ năng sống cần thiết giúp các em tự tin hội nhập với cuộc sống và xã hội hiện đại. 

Thiết nghĩ, để chương trình không mang nặng tính phong trào, cần tập trung đầu tư trí tuệ, công sức để thiết kế, xây dựng các bài học bổ ích, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học đường từng vùng miền, từng địa phương. Bên cạnh đó, cần hiện thực hóa chương trình thông qua những tình huống thực tiễn cụ thể, sinh động để học sinh dễ tiếp thu, dễ áp dụng trong cuộc sống, sinh hoạt và ứng xử hằng ngày. Mọi bài học ứng xử văn hóa sẽ không thiết thực nếu chỉ “dạy chay”, nói lý thuyết dài dòng mà không lôi cuốn được các em học sinh vào cùng tham gia giải quyết, ứng xử các tình huống thường gặp.

Thêm nữa, không nên quan niệm “Văn hóa ứng xử học đường” chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường, mà đây là một nội dung rất quan trọng trong sự nghiệp “trồng người”. Do đó, ngoài việc chỉ bảo của các thầy cô giáo, mỗi bậc phụ huynh, mỗi cán bộ phụ trách Đoàn, Đội và mỗi người lớn chúng ta cũng phải có trách nhiệm tham gia giáo dục và tự giác nêu gương văn hóa ứng xử mẫu mực. Môi trường sinh nhân cách. Nếu các mối quan hệ xã hội không trong sáng lành mạnh, môi trường sống của các em bị "ô nhiễm" thì khó có thể giáo dục các em trong sáng được. Vì vậy, các bậc làm cha làm mẹ, những người có trách nhiệm với xã hội hơn ai hết, trước hết phải nêu gương văn hóa và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp, đó mới là cái gốc cần vun đắp lâu dài.

(Theo: Thiện Văn/QĐND)  

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất