Thứ Ba, 17/9/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Sáu, 18/3/2022 15:30'(GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long liên kết hợp tác phát triển du lịch

Du khách cùng những người dân bản địa đi thuyền ba lá thưởng ngoạn sen và đánh bắt thủy sản trong Đồng Sen Gò Tháp bằng phương pháp truyền thống. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Du khách cùng những người dân bản địa đi thuyền ba lá thưởng ngoạn sen và đánh bắt thủy sản trong Đồng Sen Gò Tháp bằng phương pháp truyền thống. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Hơn 2 năm qua, tình hình thế giới và Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; nhất là lĩnh vực du lịch chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng, có những giai đoạn ngành du lịch gần như “đóng băng".

Song với những chủ trương, giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước đang trên đà phục hồi phát triển, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19; trong đó, du lịch có những tín hiệu lạc quan, từng bước mở cửa lại thị trường đón khách quốc tế.

Các lãnh đạo, chuyên gia Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa ra đánh giá chung trên tại Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và phát động "Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” diễn ra ngày tại 18/3 tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả; chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.

Các địa phương phải đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo…

Các công ty lữ hành phát huy vai trò trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.

Các địa phương cần nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch; đẩy mạnh liên kết truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách; thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến...

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa - Tổ trưởng Tổ giúp việc Chương trình, cho biết giai đoạn 2019-2022, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả bước đầu như hình thành 3 trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện  tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa” (Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Vĩnh Long-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau); tuyến du lịch “Non nước hữu tỉnh” (Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh); tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên” (Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Đồng Tháp-An Giang-Kiên Giang).

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là Tổ trưởng Tổ giúp việc đã vận động các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu, điểm tham quan du lịch xây dựng các chính sách kích cầu kép (vừa giảm chi phí ăn uống vừa miễn phí vé tham quan)... Các tỉnh, thành đã gửi danh sách các điểm vận động tham gia kích cầu về Thành phố Hồ Chí Minh với mức kích cầu phổ biến là từ 10-20%.

Các doanh nghiệp lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch (tour) kích cầu từ Thành phố Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ các chương trình này đều được giới thiệu trên website kích cầu du lịch của thành phố.

TP. HCM va 13 tinh, thanh DBSCL lien ket hop tac phat trien du lich hinh anh 2Du khách tham quan vườn quốc gia Tràm Chim bằng xuồng máy. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục liên kết hợp tác trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Cũng tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long như ưu tiên quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch, công tác quảng bá xúc tiến đầu tư và trong phát triển nguồn nhân lực du lịch...

Tỉnh Bạc Liêu đề xuất lãnh đạo Bộ sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch vùng; tiếp tục hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch. Trong quá trình lập Đề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển.

Nhân dịp này, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết hợp tác phát triển du lịch và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”./.

Nhật Bình - Chanh Đa (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất