(TG)- “Chuyên nghiệp, tinh thông, năng động, sáng tạo trên cơ sở tiêu chuẩn nghề nghiệp, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và hành xử theo văn hoá doanh nghiệp” là định hướng phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC).
Đào đạo nguồn nhân lực kỹ thuật số
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, Tổng công ty Điện lực TPHCM đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ số, phát triển ngang tầm các công ty Điện lực của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, Tổng công ty xác định chuyển đổi số phải mang tinh thần sáng tạo, tiên phong, dẫn đầu trong một số lĩnh vực và luôn hướng tới mục tiêu cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một Thành phố năng động, hiện đại, đồng thời các dịch vụ về điện phải được cung cấp cho khách hàng với phương châm 3M - Mọi việc, Mọi lúc – Mọi nơi, cụ thể là mọi việc khách hàng yêu cầu phải được ngành điện Thành phố giải quyết 24/7 (Mọi lúc) và tại bất cứ nơi nào khách hàng cần (Mọi nơi).
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Trưởng Ban Tổ chức nhân sự cho biết: “Tổng công ty xác định, để làm được điều đó thì chìa khóa then chốt chính là công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, Tổng công ty chú trọng vào công tác đào tạo, bồi huấn nguồn nhân lực, ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật số với các tiêu chí chuyên nghiệp, tinh thông, năng động, sáng tạo trên cơ sở tiêu chuẩn nghề nghiệp, công nghệ và văn hoá doanh nghiệp EVN”.
Cụ thể, công tác đào tạo, bồi huấn của EVNHCMC hướng đến xây dựng được đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực chuyên môn - kỹ thuật có trình độ quốc tế và khu vực, đủ năng lực nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số doanh nghiệp. Tổng công ty đang tập trung vào các lĩnh vực lưới điện thông minh, doanh nghiệp số, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, không gian lưới điện ngầm.
Đến nay, EVNHCMC đã xây dựng được đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao gồm 66 chuyên gia với những chuyên môn về lưới điện thông minh (Smart Grid/AMR/AMI), ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành hệ thống điện, thị trường điện và quản trị doanh nghiệp. EVNHCMC cũng đào tạo được đội ngũ 260 công nhân lành nghề về thi công cáp trung thế, công nghệ thông tin, vận hành lưới điện & SCADA, quản lý hệ thống điều độ, quản lý vận hành lưới điện trung áp, vận hành và xử lý sự cố cáp quang, cáp ngầm 110kV. Đặc biệt, EVNHCMC có 148 kỹ sư đăng bạ kỹ sư ASEAN, chiếm gần 46% trong tổng số 322 kỹ sư ASEAN của cả nước.
Một trong các giải pháp được EVNHCMC triển khai hiệu quả trong thời gian qua là hợp tác với các trường Đại học trên địa bàn. Tổng công ty đã cùng các trường thực hiện nhiều hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, học thuật nhằm tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng, trong đó chú trọng hợp tác trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào tất cả các hoạt động của Tổng công ty.
Các chương trình đào tạo nổi bật trong chiến lược phát triển nguồn nhận lực
Trong những năm qua, EVNHCMC đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi huấn cho CBCNV. Một số chương trình nổi bật, mang đến hiệu quả thiết thực đã được nhân rọng, ứng dụng rộng rãi trong ngành. Nổi bật nhất là chương trình đào tạo công nhân sửa chữa đường dây đang mang điện trung thế (live-line). Việc làm chủ công nghệ và tổ chức tự đào tạo đã giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng so với việc mời giảng viên là chuyên gia nước ngoài. Đến nay, Tổng công ty đã có 16 tổ thi công live-line trung thế, gồm 96 công nhân đều do Tổng công ty tự đào tạo. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã hỗ trợ đào tạo, phát triển lực lượng live-line cho các Tổng công ty phân phối khác trong cả nước, qua đó đã góp phần rất lớn vào việc giảm số lần cắt điện khi sửa chữa, bảo trì lưới điện, giảm thời gian mất điện cho khách hàng.
Tổng công ty đã hoàn thành việc đào tạo lực lượng công nhân chuyên nghiệp bảo trì, bảo dưỡng đường dây đang mang điện cao thế 110kV (live-line 110kV) để thành lập 01 tổ thi công live-line 110kV, chính thức đi vào hoạt động trong tháng 12/2020. Đây cũng là đội sửa chữa điện live-line 110kV đầu tiên tại Việt Nam
Tổng công ty cũng đã hoàn thành dự án hợp tác đào tạo – chuyển giao công nghệ với Công ty Điện lực Malaysia về ứng dụng công nghệ sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến theo điều kiện vận hành của thiết bị (CBM). Công nghệ CBM đã giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo dưỡng hệ thống điện của Tổng công ty.
Song song đó, Tổng công ty đã triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning của Tập đoàn đến toàn thể người lao động trong Tổng công ty, đồng thời đã xây dựng 56 bài giảng điện tử cho các lĩnh vực liên quan. Trong các năm 2020 và 2021, hình thức đào tạo trực tuyến đã hỗ trợ rất đắc lực cho công tác đào tạo nội bộ của Tổng công ty trong điều kiện bị ảnh hưởng của đại dịch Covid. Số liệu báo cáo năm 2021 cho thấy, 100% người lao động (6.545/6.545 người) đều đạt số giờ đào tạo trên 40 giờ/năm. Bên cạnh đó, có 12 ứng viên đăng ký xét công nhận chuyên gia, 14 người đăng ký xét công nhận công nhân lành nghề và 39 người gửi hồ sơ đăng bạ xét công nhận kỹ sư ASEAN.
Ông Nguyễn Thanh Nhã chia sẻ: Thời gian tới, EVNHCMC tiếp tục tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế và khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng thành phố thông minh, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo các chuyên đề về chuyển đổi số, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, dịch vụ khách hàng, đào tạo nâng cao công tác quản lý - vận hành, bảo trì- sửa chữa lưới điện và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Tổng công ty sẽ mở rộng hình thức đào tạo trực tuyến cho các chương trình đào tạo hợp tác với đối tác nước ngoài.
TRANG NHUNG