Trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư công dân là chủ đề cuộc Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) - Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức ngày 1/11, tại Hà Nội.
Tham dự hội thảo có đại diện cơ quan thanh tra báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), giới luật sư cùng đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông.
Tại Hội thảo, các nhà báo đã nêu ra những vụ việc điển hình cho việc xâm phạm đời tư công dân của báo chí trong thời gian gần đây và những lý giải xung quanh vấn đề ngày càng xảy ra nhiều vụ xâm phạm đời tư công dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về bí mật đời tư của công dân và phạm vi của bí mật đời tư như thế nào. Chính vì vậy, đã xuất hiện những quan điểm khác nhau trong việc xác định bí mật đời tư của công dân và phạm vi của nó. Khi quy định chưa thật sự rõ ràng, việc xử lý của cơ quan chức năng đối với các vụ việc liên quan tương tự rất khó khăn.
Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, báo chí có xu hướng khai thác những vấn đề đời tư trong khuôn khổ pháp luật để phục vụ lợi ích xã hội nhưng việc phân định ranh giới cũng như cách hiểu đang còn khác biệt.
Báo chí có vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận, các nhà báo cần đềcao trách nhiệm trước xã hội, tuân thủ nghiêm túc quy tắc đạo đức nghề nghiệp và thể hiện được sự bao dung của mình, từ đó xác định được giới hạn cần có khi thông tin về đời tư cá nhân và khi đó tác phẩm báo chí sẽ thấm đượm tính nhân văn./.
(TTXVN)