Tết không chỉ là dịp để sum họp, vui chơi, mà quan trọng hơn, trong sâu
thẳm tâm hồn người Việt, dù là ai, dù ở đâu, vẫn đau đáu trái tim hướng
về cội nguồn, trân quý những giá trị thuộc về bản sắc văn hóa.
Sự vận động, phát triển toàn diện và nhanh chóng của xã hội hiện đại khiến cách thức đón Tết cổ truyền của người dân ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng đã và đang có những thay đổi. Nhu cầu “vui Tết”, “chơi Tết” của đại bộ phận nhân dân cũng có nhiều thay đổi. Người dân, nhất là người trẻ, đang có xu hướng chuyển từ mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm online, giảm thói quen dự trữ hàng hóa trong nhà...
Hiện nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy xu hướng chuyển từ phong tục “ăn
Tết” sang “vui Tết”, “chơi Tết” là sự vận động, phát triển tích cực.
Thực tế ấy chứng minh đời sống của nhân dân đã được cải thiện, phát
triển vượt bậc so với vài ba thập kỷ trước. Cái ăn, cái mặc không còn là
nỗi lo thường trực của đời sống gia đình. Kinh tế-xã hội phát triển,
người dân hướng đến những nhu cầu cao hơn, sang hơn, mới hơn. Thế hệ
"7X", "6X" trở về trước, lớn lên trong thời kinh tế bao cấp khó khăn, ai
cũng tự hào với đời sống hiện tại. Thời kỳ ấy, khi cuộc sống của cán
bộ, công nhân viên chức và đại bộ phận nhân dân ăn chưa đủ no, mặc chưa
đủ ấm thì việc lo sắm Tết để “ăn Tết” là nhu cầu tối thượng. Ngày nay,
những thứ để phục vụ cho nhu cầu “ăn Tết” đã có mặt khắp các đường thôn,
ngõ phố. Hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm... dồi dào khắp các
chợ, siêu thị. Chỉ cần vài thao tác miết màn hình điện thoại thông minh,
dịch vụ sẽ cung ứng đến tận nhà. Cái “ăn” không còn phải lo thì việc
chuyển dịch nhu cầu sang “vui Tết”, “chơi Tết” là sự vận động phát triển
hợp quy luật. Đó chỉ là hình thức, là cái vỏ của phong tục. Nhìn vào sự
biến thể ấy để nói Tết cổ truyền phai nhạt bản sắc, quả có phần cực
đoan.
Bản sắc là những giá trị văn hóa đọng mãi theo thời gian, bất chấp mọi
sự biến đổi. Những ngày này, quê hương đất nước đang mở rộng vòng tay
yêu thương chào đón kiều bào từ khắp bốn biển năm châu về quê đón Tết.
Cộng đồng Việt kiều ở các quốc gia, vùng lãnh thổ, có những gia đình,
dòng họ đã phát triển đến thế hệ thứ tư, thứ năm, nhưng con cháu về quê
vẫn nói tiếng Việt như người bản xứ. Mặc dù sống ở nước ngoài lâu năm
nhưng khi trở về Việt Nam, quây quần bên tình thân họ mạc, dưới mái ấm
quê hương, vẫn không quên những nghi lễ đón Tết cổ truyền của dân tộc
theo phong tục truyền thống ngàn đời. Từ những nghi lễ như: Cúng tiễn
ông Táo 23 tháng Chạp, tảo mộ, cúng Tất niên, đón Giao thừa, xông đất,
cúng tiễn tổ tiên ngày Mồng Ba... cho đến các lễ hội văn hóa, tập tục
chúc Tết, chúc thọ, lì xì... vẫn hiện hữu trong đời sống văn hóa người
Việt, cho dù ở bất cứ đâu.
Tết không chỉ là dịp để sum họp, vui chơi, mà quan trọng hơn, trong sâu
thẳm tâm hồn người Việt, dù là ai, dù ở đâu, vẫn đau đáu trái tim hướng
về cội nguồn, trân quý những giá trị thuộc về bản sắc văn hóa. Điều này
đã trở thành hồn cốt của dân tộc. Hình thức đón Tết, vui Xuân đã giảm
đi những thứ rình rang, thay bằng sự tiện lợi. Thành tựu của xã hội văn
minh, sự ảnh hưởng sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã
tác động đến mọi hành vi con người trong đời sống xã hội, nhưng bản chất
của Tết cổ truyền với những nghi thức, phong tục đã trở thành hồn cốt
của dân tộc thì không bao giờ phai nhạt. Nó ăn sâu vào dòng máu của
người dân Việt qua bao thế hệ. Chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng, Nhà nước ta chính là nhằm
giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tinh thần vô giá ấy, mà Tết cổ
truyền là một di sản văn hóa tiêu biểu./.
Phan Tùng Sơn (QĐND)