Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu
gọi các bên ngay lập tức cho phép các đoàn xe chở hàng cứu trợ tiếp cận
các khu vực bị bao vây. Nhưng ngay sau đó, trong các bài phát biểu của
các phái đoàn Syria cũng như các đồng minh của họ, đã xuất hiện những
tranh cãi gay gắt và chỉ trích lẫn nhau chung quanh vấn đề không thể
tháo gỡ: số phận của Tổng thống Bashar Assad.
Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry
khẳng định: “Sẽ không có cách nào, dù là trong tưởng tượng, để một người
đã có những phản ứng tàn bạo đối với chính người dân của mình có thể
duy trì quyền cai trị hợp pháp. Ông ta và những người ủng hộ ông ta
không thể tiếp tục bắt toàn bộ đất nước và khu vực làm con tin”.
Còn người đứng đầu phái đoàn của Liên minh Dân tộc đối lập, ông Ahmad
Jarba, nói rằng chính phủ Syria nên ký kết một thỏa thuận chuyển giao
quyền lực. Ông Jarba khẳng định thông cáo Geneva nên trở thành “sự khởi
đầu cho sự từ chức của ông Assad và phiên tòa xét xử ông cùng các tội
phạm trong chế độ của ông”.
Bình luận của ông này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Syria Walid
Muallem nói rằng một số quốc gia tham gia hội nghị với “bàn tay dính máu
của người Syria” và rằng phe đối lập là “những kẻ phản bội”.
Ngoại trưởng Syria Moualem.
Ông Moualem kêu gọi các cường quốc nên ngừng “ủng hộ chủ nghĩa khủng
bố” và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Damascus. Ông cũng khẳng định
không cần đặt câu hỏi về tương lai của ông Assad và nói rằng: “Không ai
trên thế giới, ngoại trừ bản thân người dân Syria, có quyền rút bỏ tính
hợp pháp của một tổng thống hay một chính phủ”. Về vấn đề này, trước đó
Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi cũng đã phát biểu rằng: “Sẽ
không có chuyện chuyển giao quyền lực và Tổng thống Bashar Assad sẽ vẫn
tại vị”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phải tìm cách giảm nhẹ những bất
đồng giữa các bên. Ông nói: “Như đã dự kiến, các bên đã có những bài
phát biểu mang nặng tính cảm xúc, chỉ trích lẫn nhau”. Tuy nhiên, ông
nói thêm: “Sau gần ba năm diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu, đây là lần đầu
tiên các bên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán”.
Một vấn đề gây bất đồng khác cũng đã xuất hiện trong ngày đầu hội
nghị là vấn đề thông cáo Geneva I. Thông cáo được đưa ra sau hội nghị
được tổ chức tháng 6-2012 tại Geneva này kêu gọi thành lập một chính phủ
chuyển tiếp ở Syria với đầy đủ quyền hạn và hiện đang được lấy làm cơ
sở cho vòng đàm phán mới nhất này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và phe đối lập Syria cho rằng theo nội
dung thông cáo Geneva 2012 thì ông Assad không thể giữ chức vụ của mình.
Nhưng ông Lavrov bác bỏ yêu cầu này và nói rằng tất cả các bên đều có
vai trò của mình và chỉ trích “những giải thích mang tính một chiều”
thông cáo này.
Khách sạn Palace ở Montreux. nơi diễn ra hội nghị.
Còn Đại sứ của Syria tại LHQ Bashar Jaafari thì khẳng định chính phủ
Syria sẵn sàng thảo luận mọi khía cạnh của thông cáo Geneva về một kế
hoạch chuyển tiếp chính trị ở Syria. Ông này cũng chất vấn một số phái
đoàn về “sự ám ảnh của họ rằng nếu họ loại bỏ được ông Bashar al-Assad
thì mọi thứ ở Syria sẽ trở nên tốt đẹp hơn”.
Ông Jaafari cũng dẫn ra những diễn biến ở Libya và Iraq sau khi các
ông Muammar Gaddafi và Saddam Hussein bị lật đổ, đồng thời chỉ trích
những bài phát biểu của nhiều nước phương Tây là “những phát biểu khiêu
khích và lặp đi lặp lại dựa trên sự căm ghét chính phủ Syria”.
Cùng đồng tình với quan điểm trên, Ngoại trưởng Nga Lavrov kêu gọi
phe đối lập Syria và những nước ủng hộ họ không nên chỉ tập trung vào
tìm cách thay đổi lãnh đạo Syria. Ông Lavrov tái khẳng định lập trường
kiên định của Nga là phản đối việc “những thế lực bên ngoài” can thiệp
vào công việc nội bộ của Syria, và Nga không chấp nhận việc lấy sự ra đi
của ông Assad làm điều kiện cho hòa bình.
Tại buổi họp báo được tổ chức sau ngày họp, trong lúc liên tục kêu
gọi các bên giữ bình tĩnh, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhắc tới những
đau khổ của người dân Syria và nhấn mạnh: “Đã đến thời điểm để đàm
phán”. LHQ cũng hy vọng khi các cuộc đàm phán chuyển tới Geneva vào ngày
24-1, các bên sẽ đạt được một số tiến bộ về việc các lệnh ngừng bắn cục
bộ và tạo hành lang để vận chuyển hàng cứu trợ.
Phái viên của LHQ Lakhdar Brahimi cho biết ông đã có các nói chuyện
riêng rẽ với các phái đoàn của chính phủ Syria và phe đối lập vào hôm
22-1 và hy vọng hai đoàn này sẽ gặp nhau trong phòng hội nghị vào ngày
thứ 6 tới. Ông nói: “Chúng tôi đã có những dấu hiệu hết sức rõ ràng rằng
các đoàn đang sẵn sàng đàm phán các vấn đề về việc tiếp cận những người
dân cần viện trợ, trao đổi tù nhân và các lệnh ngừng bắn cục bộ”.
Ông Ban nhận định “phần việc thực sự khó khăn sẽ bắt đầu vào ngày
24-1” và nói thêm rằng: “Chúng ta có một con đường khó khăn ở phía
trước, nhưng chúng ta có thể vượt qua và chúng ta sẽ vượt qua”. Ông cũng
bày tỏ sự thận trọng khi tuyên bố: “Chúng ta không trông đợi đạt được
những đột phá ngay lập tức. Không ai đánh giá thấp những khó khăn”.