Ngày 20/1, cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đã bắt đầu nới lỏng một
phần các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran sau khi nước Cộng
hòa Hồi giáo này đã có những hành động cụ thể nhằm kiềm chế chương trình
hạt nhân gây tranh cãi.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông qua việc dừng các lệnh trừng phạt áp
đặt lên xuất khẩu dầu mỏ, các giao dịch tài chính, giao dịch vàng và
các kim loại quý khác của Iran trong 6 tháng thực hiện thỏa thuận tạm
thời về chương trình hạt nhân của nước này.
Theo đó, Mỹ sẽ cho phép 6 khách hàng của Iran tiếp tục mua dầu của nước
này với một lượng đã được giảm như hiện nay. Mỹ cũng sẽ cùng với các đối
tác và Iran thảo luận về các phương thức thanh toán Iran có thể sử dụng
khi thực hiện một số giao dịch với bên ngoài.
Mỹ đồng thời sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những ai
không phải là người Mỹ có các giao dịch liên quan đến xuất khẩu các sản
phẩm hóa dầu của Iran, giao dịch vàng và các kim loại quý với Iran, và
cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho ngành công nghiệp ô tô của nước này.
Thêm vào đó, Mỹ sẽ cho phép các giao dịch về linh kiện thay thế, dịch vụ
kiểm tra và các dịch vụ khác cần cho sự an toàn các chuyến bay của các
hãng hàng không của Iran.
Trong khi đó, EU trong cùng ngày cũng đã quyết định dừng một số biện
pháp trừng phạt đối với Iran trong 6 tháng. Theo đó, EU sẽ dỡ bỏ lệnh
cấm đối với việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm và vận tải liên quan đến
hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.
Bên cạnh đó, lệnh cấm đối với việc nhập khẩu, mua hay vận tải các sản
phẩm hóa dầu và các dịch vụ liên quan của Iran sẽ không được áp dụng.
Một quyết định tương tự đối với việc cung cấp các tàu lớn cũng sẽ được
thực hiện. Lệnh cấm các giao dịch vàng và các kim loại quý khác với
chính phủ, các cơ quan nhà nước và Ngân hàng Trung ương Iran sẽ được tạm
dừng.
Ngoài ra, hạn mức của các giao dịch tài chính tới và từ Iran sẽ được
tăng 10 lần nhằm gia tăng các giao dịch hợp pháp với nước này.
Đổi lại, Iran đã có những hành động cụ thể trong việc thực thi thỏa
thuận tạm thời đã đạt được vào tháng 11 giữa Iran và nhóm P5+1, gồm Mỹ,
Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.
Iran đã dừng làm giàu urani ở cấp độ 20%, tháo dỡ hai hai lò hạt nhân
tại Natanz và 4 lò tại Fordow chuyên để làm giàu urani ở cấp độ này. Đó
là những bước đi quan trọng của Iran tiến đến việc dừng chương trình hạt
nhân./.
(TTXVN)