Anh bạn từ TP Hồ Chí Minh ra cười hưng hức khoe với tôi một tập tranh in. Tưởng gì quý hóa té ra là bộ sưu tập tranh cổ động thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tôi bình phẩm: “Có gì hay, tranh cổ động đầy”. Ông bạn giọng kẻ cả: “Tầm nhìn chú “lùn” quá, của hiếm đấy!”.
Tranh cổ động kháng chiến quả là “có giá”. Bằng chứng là một tập in 25 bản, mỗi bản to chừng nửa trang giấy A4 mà giá hơn trăm ngàn đồng. Tranh in đơn giản. Nhiều thì 5 màu, ít thì đen trắng, trên giấy dó bồi... Anh bạn nhận xét: “Tranh này in lưới, nhìn “giáp lai” giữa các màu là biết. Giấy dó dày, loại rẻ tiền, mua theo cân được. Tranh gốc vẽ tay, chữ loạn mẫu, màu loang nhiều, nhưng chẳng hề gì, vi tính giờ mô phỏng được hết”. Anh bạn tính toán thêm một hồi rồi kết luận “Làm rất lãi”. Tôi hỏi có cần liên hệ với tác giả để mua bản quyền không. Anh bạn cười ré: “Cần gì, mỗi cửa hàng rải một vài bộ, chẳng ai hỏi đâu mà sợ”. Nhìn gương mặt lọc lõi của bạn đang giãn nở từng thớ cơ, tôi cảm phục cái sự liều cũng như sự nhạy bén của hắn...
Mấy bức tranh cổ động con con té ra cũng có thị trường lớn. Chủ yếu bán cho tây. Hỏi tranh cổ động ở mấy cửa hàng lưu niệm và gallery trong phố cổ Hà Nội đâu cũng có. Khách tây mua thay bưu thiếp, giá khoảng 10 đến 15 USD một bộ. Hầu hết là tranh thời kì kháng chiến chống Mỹ, có nhiều bức lần đầu tiên tôi trông thấy, lại chẳng đề tên tác giả. Tôi đoán là của các chiến sĩ giải phóng, sáng tác ngay tại mặt trận. Vì thấy có cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam, hình ảnh lính Mỹ... Nhiều bức có nét bút rất sơ, cứng, như thể vẽ bằng thanh tre đập giập. Chữ kẻ tay khá vụng. Thô sơ thế nhưng lại rất hút khách, ấy là người bán nói vậy.
Tôi chợt “à” một tiếng nhớ lại. Cách đây chưa lâu, ngài Đại sứ Hy Lạp, Ha-di-mi-cha-lít, trước khi hết nhiệm kỳ về nước cũng tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam một bộ sưu tập tranh cổ động gồm 27 bức. Đợt đó, tôi nghe ông ca ngợi tranh cổ động của Việt Nam rất độc đáo, rồi ông gợi ý bảo tàng chép các bức tranh cổ động bán cho du khách.
Tôi tìm đến người họa sĩ đã từng phóng tranh cho ngài Ha-di-mi-cha-lít. Đó là họa sĩ Hồng Lĩnh. Ông vui vẻ kể: “Ông Đại sứ Hy Lạp là người mê nghệ thuật. Ông bảo tranh cổ động của Việt Nam đẹp mà giản dị, khái quát tâm hồn thời đại của người Việt Nam trong thời chống Mỹ. Ông nhờ tôi phóng tranh bằng chất liệu sơn dầu”. Ít người làm theo cách của ông Ha-di-mi-cha-lít. Thường thì họ tìm mua tranh cổ động gốc. Càng cũ càng quý. Tranh cổ động gốc thường được in lưới trên giấy đen (giấy xi-măng). Tôi nhớ có lần ông Ha-di-mi-cha-lít nói, ông chưa phải là nhà sưu tập nhiều nhất về tranh cổ động của Việt Nam, “giới” chơi tranh cổ động của Việt Nam phải nhắc tới ông Đa-vít Hi-thơ (David Heather). Ông này đã sưu tập được hàng nghìn bức tranh cổ động của Việt Nam qua nhiều cách: mua, chụp, xin, đổi... đủ cả. Đa-vít Hi-thơ đã in một tập sách về tranh cổ động Việt Nam, cuốn này được giới thiệu trên nhiều trang web nghệ thuật quốc tế.
Tranh cổ động Việt Nam có gì thu hút các nhà sưu tập nước ngoài đến vậy, đặc biệt tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?
Sự hấp dẫn có lẽ bắt nguồn từ tên thể loại. Dịch nguyên nghĩa tiếng Anh là tranh tuyên truyền trên tường (propaganda poster). Tranh cổ động của ta thường dùng để tuyên truyền đường lối, chủ chương, chính sách, hay một phong trào lớn, một sự kiện trọng đại của đất nước. Tranh cổ động thể hiện tính thời sự rõ nét. Xem tranh cổ động, dễ cảm nhận được không khí của cả dân tộc qua một giai đoạn lịch sử nhất định. Tranh cổ động còn hấp dẫn người xem bởi ngôn ngữ hình ảnh nghệ thuật súc tích. Rất nhiều chủ đề lớn được gói gọn trong tranh với vài chữ hoặc số đơn giản. Giờ nhắc tới bức Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của hai họa sĩ Huy Oánh, Nguyễn Thụ hẳn nhiều người vẫn có thể hình dung ra.
Tôi hỏi: “Dường như các họa sĩ giờ không hào hứng với tranh cổ động nữa?”. Chị Đoàn Hương, cán bộ Cục Mỹ thuật-Điện ảnh, nói: “Không phải thế, hằng năm đều có 3, 4 cuộc thi vẽ tranh cổ động, lần nào cũng thu hút nhiều tác giả quan tâm. Chất lượng tranh cổ động rất tốt”. Té ra, tranh cổ động giờ phát triển nhiều hơn xưa. Nhờ kinh tế nước nhà phát triển, tranh cổ động đã “thâm nhập thị trường” quảng cáo các loại hàng hóa.
Họa sĩ Trần Lê An, giảng viên khoa Mỹ thuật Trường Đại học Mở nhận xét: “Đáng tiếc nhất là ta chưa chú ý sưu tập tranh cổ động thời kháng chiến. Thời đó chúng ta có rất nhiều tranh cổ động, có giá trị mỹ thuật cao. Chính tôi đã sử dụng kỹ thuật in li-tô để in nhiều tranh cổ động trong chiến trường Quảng Trị. Thời chiến tranh, chỉ có cách đó, hoặc chép tay. Rồi đây các nhà sưu tập phương Tây sẽ không dừng ở việc mua các bức tranh cổ động nữa mà họ sẽ sưu tập cả những bản rập, khung in. Chúng ta sẽ mất cả những hiện vật lịch sử”.
Tôi được biết rằng, có nhiều câu hát, khúc nhạc, bức tranh, bức tượng có sức cổ động lòng người rất lớn. Những hình ảnh đó giúp người ta có thêm niềm tin vượt qua gian lao thử thách. Câu chuyện bố tôi kể: Giữa rừng Trường Sơn, trên một đỉnh đèo dốc đứng, một chiến sĩ đã tạc tượng Bác Hồ lên một gốc cây cụt. Nhiều chiến sĩ leo dốc rất mệt nhưng nhìn bức tượng đó là có thêm nghị lực. Chuyện chẳng bàn mấy thực mấy hư. Nhưng tôi tin chắc rằng, đã có nhiều bức tranh cổ động khơi dậy lòng yêu nước, thôi thúc thanh niên lên đường ra sa trường giết giặc. Những bức tranh đó, những khung in, bản rập đáng được trân trọng lưu giữ. Vì đó là những hiện vật về tâm hồn Việt Nam, khí phách Việt Nam, trong một thời kỳ gian khó./.
(Theo: Nguyên Phong/QĐND)