(TCTG) - Giải Cánh diều vàng dành cho phim truyện xuất sắc nhất được trao cho phim Đừng đốt- do NSND Đặng Nhật Minh làm đạo diễn (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất) tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2009 diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội tối 14/3. Bộ phim được đánh giá là mang tính nhân văn sâu sắc, gây nhiều xúc động cho khán giả khi tôn vinh những người anh hùng dân tộc đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc qua hình tượng người bác sỹ, liệt sỹ, anh hùng Đặng Thùy Trâm. TCTG đã có cuộc phỏng vấn NSND Đặng Nhật Minh- tác giả biên kịch và đạo diễn của bộ phim Đừng đốt.
PV: Trước hết xin được chúc mừng NSND- Đạo diễn Đặng Nhật Minh và đoàn làm phim Đừng đốt đã dành được nhiều giải thưởng cao trong lễ trao giải Cánh diều vàng 2009. Cùng với giải dành cho phim truyện xuất sắc nhất, tại giải lễ trao giải Cánh diều Vàng tối qua, ông cũng đã vinh dự được lên bục nhận giải thưởng dành cho đạo diễn phim truyện nhựa xuất sắc nhất. Bộ phim Đừng đốt cũng được trao nhiều giải thưởng khác như: giải họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất, giải Âm thanh xuất sắc nhất, giải phim được nhiều khán giả bình chọn nhất. Nữ diễn viên Minh Hương với vai diễn nữ anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trong phim được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Trước đó, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, bộ phim Ðừng đốt của đạo diễn Ðặng Nhật Minh đã giành ba giải thưởng: Giải "Bông sen vàng", giải Biên kịch xuất sắc nhất và giải do báo chí bình chọn.
Dường như Đừng đốt đã có sự bứt rất là phá ngoạn mục. Điều này phải chăng là thành quả xứng đáng cho sự lao động nghiêm túc và hết mình của tất cả các thành viên trong đoàn làm phim?
Đạo diễn ĐNM: Xin cảm ơn lời chúc mừng của các bạn đối với bộ phim Đừng đốt. Quả là trong thời gian 3 tháng, kể từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 tổ chức tháng 12 năm ngoái đến nay. Bộ phim của chúng tôi đã trải qua 2 lần sát hạch: lần thứ nhất là tại Liên hoan phim quốc gia và lần này là tại giải Cánh Diều vàng. Tôi rất vui khi thấy những cố gắng của anh em trong đoàn làm phim đã được Ban Giám khảo của hai cuộc thi đánh giá cao. Và dĩ nhiên là thành quả có được nhờ công sức của tất cả anh em trong đoàn vì một bộ phim là kết quả lao động của cả một tập thể, không ai một mình làm được một bộ phim.
PV- Thưa đạo diễn Đặng Nhật Minh, được biết khi đọc cuốn nhật ký của liệt sĩ- nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm và các tin liên quan, ông đã rất xúc động và viết kịch bản và khi có điều kiện đã dồn hết tâm huyết để tái hiện cuộc đời liệt sĩ Đặng Thùy Trâm bằng hình ảnh trên bộ phim Đừng đốt?
Đạo diễn ĐNM: Vâng như các bạn biết, khi cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất hiện cuối năm 2005 thì đã được độc giả đón nhận thiện cảm và xúc động. Bản thân tôi cũng vậy, khi đọc cuốn nhật ký này thì tôi rất xúc động. Đặc biệt là khi tôi biết những câu chuyện xoay quanh cuốn nhật ký này thì tôi bắt đầu có ý nghĩ làm thành kịch bản bộ phim truyện. Đây là bộ phim dựa trên những chất liệu thật, nhưng muốn làm một bộ phim truyện thì cần có yếu tố của một bộ phim truyện và xây dựng một cấu trúc. Công việc đó chiếm nhiều sức lực và công sức của chúng tôi. Mặc dù bộ phim dựa trên chất liệu có thật, nhưng nó phải có một phần hư cấu. Phần hư cấu đó thuộc về phần tâm linh, phần bên trong nội tâm của nhân vật thì chúng tôi đã thêm yếu tố đó vào trong bộ phim. Nhưng hư cấu gì thì hư cấu, điều quan trọng nhất là chúng tôi tôn trọng sự thật.
PV- Vâng, rõ ràng bộ phim có một điểm khó như đạo diễn vừa nêu đó là một bộ phim làm trên chất liệu thật, nhưng nó vẫn phải là một bộ phim truyện. Bên cạnh khó khăn đó, thì việc dựng bối cảnh, chọn nhân vật cho phim, nhất là diễn viên chính chắc hẳn cũng là điều mà đạo diễn phải suy nghĩ rất nhiều?
Đạo diễn ĐNM: Đúng như vậy, ngoài khó khăn như tôi nói là cách để kể chuyện thì còn một khó khăn khác là tìm diễn viên. Diễn viên trong phim có 7 diễn viên người Mỹ đóng, trong nước có hàng chục diễn viên phụ, nhưng điều quan trọng nhất là tìm ra diễn viên đóng vai nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vì nếu không tìm ra được diễn viên này một cách chính xác thì bao nhiêu công sức của bộ phim cũng không thành. Thứ hai là việc tìm bối cảnh. Bộ phim này không có bối cảnh nào có sẵn để quay cả, tất cả phải dựng lại từ đầu. Từ căn hộ tập thể tại khu Trung cư Kim Liên, cho đến Khu căn cứ quân sự Mỹ, cho đến Bệnh xá, làng bị càn quét, rồi những bối cảnh phải huy động trực thăng.v.v... thì đều phải huy động sự giúp đỡ, hỗ trợ của quân đội rất nhiều. Chúng tôi cũng dựng lại cái làng đó trên Đồng Mô. Cảnh máy bay trực thăng thì chúng tôi phải nhờ bộ Tổng tư lệnh không quân giúp đỡ.
PV- Nhưng vượt qua khó khăn như thế, thì từ lần trình chiếu bộ phim Đừng đốt lần đầu tiên đến nay thì nhiều lần ông nói rằng đây là bộ phim mà ông cảm thấy hài lòng nhất từ trước đến nay?
Đạo diễn ĐNM: Dĩ nhiên thì phim nào làm cũng là con đẻ của mình. Nhưng nói thực là phim này thì là bộ phim tôi được tạo điều kiện nhiều nhất để làm những gì mình mong muốn. Tôi cám ơn sự tài trợ, giúp đỡ của Nhà nước, nếu không được Nhà nước đầu tư kinh phí thì không làm được.
Thứ hai tôi hài lòng là vì có một êkíp đồng tâm, hiệp lực, không ai quản ngại khó khăn gì vì tất cả mọi người đều muốn làm phim như một nén hương tưởng niệm những người đã mất và thành tâm làm. May mắn lớn nhất là chúng tôi đã mời được diễn viên Minh Hương vào vai Đặng Thuỳ Trâm, vì nếu vai này không thành thì cả bộ phim cũng không thành. Việc lựa chọn này tôi cho là chính xác.
PV- Không chỉ được đón nhận ở trong nước, bộ phim Đừng đốt khi ra bạn bè quốc tế cũng được đánh giá cao. Chúng tôi được biết bộ phim được trình chiếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều trường Đại học ở Mỹ và được khán giả đón nhận nhiệt tình. Bộ phim đã đoạt giải phim được ưa thích nhất tại LHP Quốc tế Fukuoka- Nhật Bản. Đây thực sự là những vinh dự lớn lao với đạo diễn và bộ phim Đừng đốt. Trong một lần trả lời phỏng vấn mới đây, ông nói rằng: điều mà ông vui mừng nhất là bộ phim đã cho bạn bè quốc tế có một cái nhìn đầy đủ hơn về chiến tranh Việt Nam?
Đạo diễn ĐNM: Vâng, điều khá bất ngờ với tôi là khi chiếu phim ra bên ngoài đã được sự đón nhận khá nồng nhiệt của khán giả ở các nước, mặc dù họ không có những kỷ niệm về chiến tranh thời chống Mỹ cứu nước của chúng ta, nhưng họ đã đón nhận bộ phim một cách trọn vẹn. Tôi cũng rất vui mừng là thế hệ trẻ các nước, đặc biệt là thế hệ sinh viên Mỹ trẻ, những người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ ba cũng cảm nhận bộ phim một với nhiều thiện cảm và cho rằng chất nhân văn trong bộ phim làm cho họ rất xúc động. Điều này làm cho tôi rất cảm động và bất ngờ.
PV- Thưa đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim Đừng đốt là một bộ phim về đề tài chiến tranh, nhưng vẫn gây được sự xúc động với đông đảo công chúng như vậy phải chăng là do đã có hình thức làm phim đã có được sự sáng tạo?
Khi làm phim thì tôi luôn luôn tâm niệm là phải làm hết sức mình, làm không được cẩu thả và coi việc làm phim là thiêng liêng. Và bộ phim đến được với công chúng trong và ngoài nước thì phải có nội dung nhân bản, và được diễn đạt bằng hình thức sáng tạo, tìm tòi. Đó là điều mà bất cứ khi bắt tay vào làm phim nào tôi cũng cố gắng phấn đấu.
PV- Là một đạo diễn đã nhiều lần được tham dự các Liên hoan phim khu vực và quốc tế. Kinh nghiệm của ông để phim VN ngày càng có nhiều cơ hội quảng bá ngày càng rộng rãi trên sân chơi khu vực và quốc tế?
Đạo diễn ĐNM:Cơ hội thì luôn luôn có. Mình luôn luôn phải làm phim tốt. Vấn đề là mình phải làm nhiều phim hay, mang ý nghĩa sâu sắc, nói lên đời sống tâm hồn và tình cảm của người VN. Sau khi làm phim nhựa xong thì in vào DVD có phụ đề tiếng Anh và tiếng Pháp vì nhiều người muốn mua mà không có.
PV- Xin hỏi đạo diễn một câu hỏi cuối: ông có điều gì muốn tâm sự với khán giả yêu phim sau thành công của bộ phim Đừng đốt?
Sáng nay (15/3) tôi vừa có cuộc tiếp xúc xúc động với khán giả tại rạp Ngọc Khánh, trời mưa tôi tưởng ít người đến, nhưng không ngờ là trong rạp rất đông. Điều này làm tôi cảm động. Tôi đã nói lời cám ơn vì đối với người làm phim thì hạnh phúc nhất là được người xem đến xem đông, rồi lại được tặng giải thì càng hạnh phúc nữa. Cảm ơn khán giả đón nhận bộ phim này đón nhận bộ phim này.
Rõ ràng là với các nghệ sĩ thì phần thưởng lớn lao nhất vẫn là tình yêu của khán giả đối với bộ phim, cũng như đối với bản thân người nghệ sĩ.
Vâng đúng như vậy.
Xin cảm ơn NSND- đạo diễn Đặng Nhật Minh với cuộc trò chuyện này./.
- Thiên Hương t/hiện -