Khi nhiều di tích cùng kêu cứu, giải pháp số hóa nhằm bảo tồn di sản văn hóa được nghĩ tới như một trong số phương án đặc biệt cần thiết.
Thời gian qua, báo chí lên tiếng trước hàng loạt di tích, di sản đang dần mai một, xuống cấp, bị xâm hại nghiêm trọng, thậm chí có những di sản đứng trước bờ vực biến mất. Điều này thêm một lần được khẳng định tại Hội thảo Di sản văn hóa và giải pháp số hóa không gian di tích.
Tác giả Irasara Phú Trạm - người vừa nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh - khá bức xúc trước tình trạng ngôn ngữ người Chăm ngày càng biến đổi, nguy cơ mất hẳn không thể phục hồi. Còn chưa kể những công trình kiến trúc tôn giáo Chăm nhiều khi bị hiểu không đúng, mất dần bản sắc Chăm.
Nhà Tây Nguyên học Nguyên Ngọc chung nỗi niềm trước nguy cơ biến mất bản sắc văn hóa cao nguyên đất đỏ, chủ yếu do hậu quả của tăng dân số cơ học khoảng 30 năm lại đây.
Ông Tống Trung Tín, Viện Trưởng Viện Khảo cổ học đau đáu nỗi niềm các kinh đô cổ Việt Nam: Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, Huế, Thành nhà Hồ. Hiện nay, dấu tích trên mặt đất của các kinh đô này nhiều nơi hầu như không còn, có chăng chỉ vài đoạn tường thành.
Gần đây nhất, Việt Nam vui mừng khi bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám được UNESCO vinh danh trong Chương trình Ký ức Thế giới, dư luận bắt đầu dấy lên mối lo ngại di tích bị mòn, do ngày càng nhiều người tìm đến sờ bia, xoa đầu rùa.
Trong tương lai gần, người Việt Nam hoặc người nước ngoài có thể truy cập cổng thông tin điện tử chiêm ngưỡng di sản văn hóa Việt Nam được số hóa. Nhưng trước mắt, dự án số hóa không gian di tích còn cả chặng đường khó khăn phía trước.
Theo ông Mai Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin thuộc Bộ VH-TT&DL, kể từ 2002, khi Chính phủ phê duyệt dự án, đến giờ khối lượng công việc cần làm còn rất nhiều. Bước tiến mới nhất, Công ty CP Giải pháp tích hợp Vi tính Viễn thông Việt Nam (IESVN) vừa trúng thầu xây dựng cổng thông tin tổng hợp về di sản, ông Linh gọi đùa, chúng ta mới hoàn thành cái chuồng, và phải tiến hành sản xuất gà.
“Năm nay chúng tôi tiến hành số hóa các di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể ở dạng 2D và 3D. Bắt đầu số hóa từ Văn Miếu Quốc Tử Giám, sau đó đến một loạt các di sản được UNESCO công nhận: Vịnh Hạ Long, Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình”.
Ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, sử dụng công nghệ nhằm số hóa dữ liệu, rồi trình diễn 3D trên nền web các di sản, không còn là điều mới mẻ. Việt Nam tiến dần đến phương pháp hiệu quả và có sức ảnh hưởng rộng rãi này.
Đại diện của IESVN cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm khi trình diễn 3D trên nền web: sử dụng công nghệ thích hợp và vấn đề bảo vệ bản quyền cho khối dữ liệu 3D.
Tuy nhiên, đại diện của dự án quy mô này chưa thể khẳng định chính xác bao giờ công chúng mới có điều kiện tiếp xúc với kênh truyền bá, phát huy di sản này. Hội thảo Di sản văn hóa và giải pháp số hóa không gian di tích vừa tổ chức tại Hà Nội là cơ hội giao lưu và hiểu nhau hơn giữa các nhà công nghệ và các nhà nghiên cứu di sản.
“Sự phối hợp này là cần thiết, vì các nhà công nghệ là những người trẻ, họ thiếu thông tin về quá khứ, chưa thấu hiểu di sản, dù có thể họ là những người rất nhanh nhạy về công nghệ.
Ngược lại, các nhà nghiên cứu có tiếng lại ít tiếp xúc với công nghệ. Vì thế có thể coi cuộc tiếp xúc này như cuộc hôn phối giữa hai lĩnh vực. Nhưng là cuộc hôn phối hết sức khó khăn- giữa hai thế hệ, hai môi trường khác nhau,” ông Mai Linh cho biết.
Hương Miên - TienPhong