Thứ Ba, 17/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 9/8/2018 14:54'(GMT+7)

Đổi mới giáo dục bền vững

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 8/8, sau khi có ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất, đây là dự án luật sửa đổi toàn diện nên giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó sẽ thông qua dự luật khi bảo đảm chất lượng. Đây sẽ là điều kiện giúp ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia, nhà giáo dục, người dân để bổ sung, hoàn thiện dự án luật quan trọng, có ảnh hưởng đến toàn xã hội và tương lai của đất nước.

Với những sửa đổi căn bản về mục tiêu giáo dục, dự thảo luật là sự tập trung tâm huyết, trí tuệ của nhiều nhà khoa học, nhà giáo và nhân dân cả nước. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ hướng vào mục tiêu phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Cũng chính vì thế, khi được thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, là xương sống cho sự thay đổi căn bản, toàn diện GD&ĐT nước nhà, phù hợp với chủ trương mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Trước một số hạn chế còn tồn tại của ngành giáo dục, cùng với việc lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều người cũng không khỏi đặt ra những hồ nghi. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế trong ít ngày vừa qua, khi mà kết quả kỳ thi THPT quốc gia đã bộc lộ những kẽ hở, Bộ GD&ĐT một mặt quyết liệt thực hiện các biện pháp lấy lại công bằng cho thí sinh, mặt khác, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của dư luận xã hội để nghiên cứu, tìm ra những giải pháp khắc phục, thì có lẽ độ trễ về thời gian lần này là thực sự cần thiết để có những bổ sung cho một bước tiến chắc chắn hơn.

Cần phải nhận thức rõ rằng, có thêm thời gian, thì trách nhiệm của những người xây dựng dự thảo luật, trách nhiệm của người đứng đầu ngành và của toàn ngành giáo dục lại càng cần được nâng cao hơn bao giờ hết. Không chỉ tiếp tục lắng nghe các ý kiến tâm huyết mà còn cần cập nhật ngay những vấn đề đã và đang phát sinh, đặt ra trong từng ngày, từng giờ, mang hơi thở của cuộc sống, của sự nghiệp giáo dục nước nhà. Và những sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới đây cần phải chắt lọc được trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của cả xã hội.

Kể từ khi Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được công bố, hàng nghìn ý kiến tâm huyết của người dân đã được tiếp thu. Điều đó phần nào cho thấy cả cộng đồng xã hội đang cùng chung trách nhiệm vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Điều này cũng đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định ngay tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra cách đây ít ngày: "Giáo dục đã và đang được nhiều người dân quan tâm, đóng góp ý kiến. Đây phải coi là một điều may mắn". Cũng chính vì vậy, sự cẩn trọng để tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, trí tuệ của cộng đồng trong việc xây dựng dự thảo luật lần này sẽ giúp cho hành lang pháp lý của đổi mới giáo dục được một lần nữa củng cố vững chắc hơn.

Và quan trọng hơn cả, song hành với việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, ngành giáo dục và cả xã hội cần chung tay xây nên những tiền đề về mọi mặt để tạo đà cho dự thảo luật khi được thông qua sớm đi vào cuộc sống. Đó sẽ là con đường thuận lợi nhất để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT./.

Duy Văn (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất