CPI của cả nước tháng 9 tăng 1,06%
so với tháng trước. Như vậy, sau nhiều tháng chỉ duy trì mức tăng dưới
1% thì sang đến tháng 9, CPI đã bật tăng trở lại với mức tăng hơn 1%.
Nếu tính từ đầu năm đến nay thì đây là lần thứ ba, CPI tăng hơn 1%,
trước đó CPI tháng 1 tăng 1,25% và CPI tháng 2 tăng 1,32% do quy luật
thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Không giống tháng 1 và tháng 2,
CPI tháng 9 tăng cao chủ yếu do tác động tăng giá nhóm giáo dục. Ðây là
nhóm hàng tăng giá mạnh nhất trong tháng 9 với mức tăng 9,38%, trong đó
nhóm dịch vụ giáo dục tăng tới 10,66% so với tháng trước. Nguyên nhân
chủ yếu là do một số địa phương đã thực hiện điều chỉnh học phí các cấp
học bắt đầu từ tháng 9. Ðiển hình như tại TP Hồ Chí Minh, CPI của nhóm
giáo dục tăng đột biến với mức tăng 57,2%, còn tại Hà Nội, mức tăng này
là 2,2%. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sách, vở, đồ dùng học tập vào dịp khai
giảng năm học mới cũng khiến giá cả nhiều mặt hàng liên quan tăng cao.
Theo Tổng cục Thống kê, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá do học phí thì CPI
chung của cả nước chỉ tăng 0,52% so tháng trước, tương đương mức tăng
0,6% của tháng 8 nếu được loại trừ yếu tố giá dịch vụ y tế. Nếu loại trừ
yếu tố tăng giá do học phí và dịch vụ y tế trong CPI thì sau chín
tháng, CPI cả nước mới chỉ tăng 3,7% so với tháng 12-2012 và tăng 5,4%
so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, việc tăng giá của nhóm hàng
hóa và dịch vụ khác với mức tăng 1,33% cũng góp phần khiến CPI tháng 9
tăng cao. Nếu như tháng 8, nhóm hàng này chỉ tăng 0,35% thì sang đến
tháng 9 tăng tới 1,33% dưới tác động của việc quyết định áp dụng mức
lương cơ bản mới tính vào bảo hiểm y tế bắt đầu từ ngày 1-9-2013.
Có
thể nói, CPI tháng 9 tăng cao trở lại chủ yếu không phải do yếu tố cung
cầu, mà ngược lại do các quyết định điều hành giá, trong đó đáng chú ý
là quyết định tăng học phí ở một số địa phương. Nhìn lại CPI tháng 8 vừa
qua, việc tăng CPI cũng do nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao với mức
tăng 4,11%, trong đó riêng dịch vụ y tế tăng 5,09% vì một số địa phương
điều chỉnh viện phí. Như vậy, CPI hai tháng gần đây tăng phần nhiều bởi
tác động của việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công. Tuy nhiên, điều
đáng mừng là đã không xảy ra tình trạng dịch vụ y tế và giáo dục cùng
dồn dập tăng giá vào cùng một thời điểm như từng diễn ra hồi tháng
9-2012 khiến CPI tăng cao đột biến tới mức 2,2%. Bộ Tài chính cho biết,
riêng đối với dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính đã có Công văn số
3624/BTC-QLG đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo, hướng dẫn địa
phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện giãn thời gian điều
chỉnh và xây dựng tiến độ điều chỉnh hợp lý giá dịch vụ giáo dục. Trên
cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã yêu cầu các địa phương xây dựng tiến
độ điều chỉnh mức học phí năm học 2013, đồng thời giãn thời gian điều
chỉnh học phí. Mặc dù vậy, những tác động của việc tăng giá các dịch vụ
công đối với CPI chung cũng cần thận trọng xem xét để rút ra những bài
học điều hành.
Không chỉ chịu tác động bởi giá các dịch vụ công,
CPI chung còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sự điều chỉnh giá một số mặt hàng
thiết yếu như xăng, dầu, điện... Từ nay đến cuối năm, giá xăng, dầu
trong nước được coi là một ẩn số khi giá thế giới còn tiếp tục diễn biến
phức tạp, khó lường. Vì vậy, việc điều hành giá mặt hàng này cũng cần
cẩn trọng, cho dù thực hiện theo nguyên tắc thị trường nhưng vẫn phải
bảo đảm phù hợp mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên
cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong những tháng gần đây có xu
hướng tăng trở lại. Nếu như tháng 7, CPI của nhóm này tăng 0,1% thì
sang đến tháng 8 đã tăng 0,54% và sang tháng 9 tăng lên 0,65%, trong đó
cả nhóm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình đều tăng giá. Ðây
là những nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong số hàng hóa tính CPI nên
việc tăng giá trở lại những nhóm hàng này sẽ tạo sức ép tăng CPI chung,
nhất là trong điều kiện mưa bão dồn dập tại một số địa phương có thể
gây nguy cơ đứt cung hàng hóa, giá lương thực, thực phẩm biến động mạnh.
Ðặc biệt, dự báo những tháng cuối năm, theo quy luật thị trường thì CPI
của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống sẽ còn tiếp tục tăng vào các dịp lễ
lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, lạm phát chín
tháng qua ở mức 4,63% thì mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm nay khoảng
7% có thể đạt được. Tuy nhiên kết quả kiềm chế lạm phát từ đầu năm đến
nay chưa thật sự vững chắc, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố, nguy cơ có thể
khiến lạm phát cao quay trở lại, do đó, những chính sách, giải pháp
trong những tháng cuối năm cần thận trọng, linh hoạt, đặc biệt là chính
sách điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, cũng
cần bảo đảm cân đối cung cầu, duy trì thường xuyên công tác thanh tra,
kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, quản lý và bình
ổn giá tại các địa phương.
HẢI THU/NHANDAN