Các cụ xưa đúc kết rất chí lý: Của cho không bằng cách cho. Nhớ lại rất nhiều các cuộc trao giải năm qua, trong đó nhiều nhất là giải nhan sắc (hoa hậu), và chứng kiến mùa cao điểm giải thưởng hiện nay (trên thế giới là Oscar và Grammy, ở ta là Mai Vàng, Cánh Diều và sắp tới đây, giải Âm nhạc Cống hiến), mới thấy: giải trao không khó bằng... trao giải!
Hấp dẫn chẳng kém gì một bộ phim lớn hay một liveshow ca nhạc hoành tráng, lễ trao giải Oscar 2009 diễn ra trước Cánh diều đúng 1 tuần là một ví dụ cụ thể nhất cho sức hấp dẫn của một lễ trao thưởng. Mặc dù đạo diễn Lê Hoàng vẫn rất thông minh, hóm hỉnh trong phần bình luận “chen ngang,” các dự đoán giải thưởng của anh đưa ra trúng phóc, nhưng nhiều khán giả xem truyền hình trực tiếp Oscar 2009 trên VTC vẫn than phiền rằng phần “chen ngang” này (cùng với quảng cáo của nhà đài) khiến họ không được xem chương trình trao giải trọn vẹn (chuyện rất hiếm, nếu không nói là chưa hề xảy ra với các chương trình truyền hình trực tiếp trao giải lâu nay ở ta, khi người xem thậm chí còn chạy qua kênh khác, đến khi nào chuẩn bị nghe công bố giải mới “bấm” về).
Các lễ công bố và trao giải thưởng nghệ thuật thu hút công chúng bởi ba điều: kết quả giải thưởng, sự tôn vinh những người đoạt giải và phần đáp lễ của những người chiến thắng. Nếu như kết quả mang lại uy tín cho giải thưởng, thì hai yếu tố sau mới là điều quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của những lễ trao giải, nó có thể khiến khán giả ngồi hai tiếng đồng hồ dán mắt lên sân khấu nếu xem trực tiếp hoặc tivi nếu ngồi tại nhà thay vì chỉ cần liếc qua danh sách giải thưởng được cập nhật ngay tức khắc trên các trang web...
Công chúng bị choáng ngợp trước sự tôn vinh nghệ thuật trân trọng bao nhiêu, lại càng thích thú trước sự đáp lễ chân thành, cởi mở của các ngôi sao trong đời thực (thay vì chỉ thấy trên màn ảnh, trên sân khấu hay trên tạp chí) bấy nhiêu, dư âm của Oscar 2009 trong lòng khán giả cả thế giới là như vậy.
Nhưng tìm sự trân trọng tôn vinh, sự đáp lễ chân thành cởi mở trong các lễ trao giải ở ta, sao mà khó thế!
Lễ trao giải Cánh Diều 2008 còn “nóng hổi” trong dư luận mấy ngày qua, có lẽ là một số ít lễ trao giải chịu khó cởi mở nhất, không ngại học tập một vài “chiêu” vừa được xem ở Oscar 2009 trước đó, và vì thế nó cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Nhưng thời gian chuẩn bị gấp rút, lại lệ thuộc vào giờ làm việc của VTV (chỉ riêng chuyện này thôi đã thấy người ta “trân trọng” giải thưởng điện ảnh quốc gia như thế nào!), thế nên mới có cảnh phân biệt người lên sân khấu không được phát biểu câu nào, dù chỉ một lời cám ơn (vì sợ lố thời gian phát sóng), người đang phát biểu bị “nhắc khéo” hết giờ, thậm chí giải "Biên kịch xuất sắc nhất phim truyện nhựa," một hạng mục khá quan trọng, người chiến thắng chỉ được nhắc đến tên và ống kính truyền hình chỉ kịp lia gương mặt “vị” này khi đang ngồi dưới hàng ghế khán giả!
Mà nào có phải chỉ thời gian của VTV mới làm “méo mặt” Cánh Diều. Cả những vị được trân trọng mời tới để xướng tên và trao các giải thưởng cũng khiến cả đạo diễn chương trình lẫn khán giả cùng “mặt méo”. Ngay trước khi lễ diễn ra, Ban tổ chức Cánh Diều năm nay đã phải nhắc nhở những khách mời lên trao giải bằng... một bảng thông báo dài, có đoạn: “Mong người công bố có thể tìm những lời dẫn sinh động, hài hước nhưng không lủng củng, rườm rà, dài dòng, thông tin quá nhiều, vì thời lượng chương trình sẽ bị dài và làm cho không khí trao giải tẻ nhạt”. Thế nhưng nhắc thế vẫn... thiếu.
Vì thời gian như vàng ngọc, giá được những lời tôn vinh trân trọng như Meryl Streep nhận được trong đêm Oscar 2009 (ống kính quay gương mặt ngôi sao này lúc đó tràn đầy sung sướng và mãn nguyện, nhận được những lời ấy thì có tuột tượng vàng Oscar cũng thỏa lòng!), hay ít nhất như Nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh nhận được từ diễn viên, Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh khi tôn vinh nghệ sĩ đoạt giải Thành tựu, thì đã đi một nhẽ. Đằng này, không ít vị khách mời chẳng những không quan tâm tới những nghệ sĩ ở hạng mục mình tôn vinh, lại dành thời gian để làm duyên, pha trò, thậm chí tranh thủ “PR” cho mình một cách “thiếu duyên”, nào là đáng lẽ tôi đi diễn show ở nước ngoài vì “bể show” nên mới tới đây trao giải, nào là tôi sắp đi đóng phim ở Hollywood.v,v.
Lại cũng có khách mời trót say sưa quên mất lời dặn dò của Ban tổ chức, nói hơi nhiều, liền bị người cùng giới thiệu với mình cho “đo ván” ngay trên sân khấu khi bảo rằng “khán giả không muốn nghe mình nói dài đâu”!
Một trong những cảnh khán giả ngán ngẩm nhất khi dự khán những đêm chung kết thi hoa hậu, mà năm nào và gần như ở cuộc nào cũng lặp lại, là việc các khách mời lên đeo dải băng và đội vương miện cho người đẹp thì băng đeo luôn bị... ngược và vương miện thì thường hay... rơi! Cần biết là, các người đẹp bắt buộc phải luyện tập thâu đêm cho lễ đăng quang này, thậm chí còn phải đóng cả cảnh “giả đăng quang” để đêm đăng quang trở nên hoàn hảo trong mắt khán giả, nhưng chẳng vị khách mời nào chịu “tập luyện” trước trách nhiệm và vinh dự của mình. Cảnh các vị khách mời lúng ta lúng túng bên cạnh người đẹp với dải băng mà kết quả là thường xuyên đeo ngược, đến đội vương miện cũng ngược, xô lệch, thậm chí rơi... gần như trong cuộc thi hoa hậu nào cũng có!
Lại nói về sự đáp lễ của những người chiến thắng, ở nhà hát Kodak hay Cung văn hóa Hữu Nghị cũng sẽ vẫn là những lời cám ơn. Nhưng nhiều khán giả không thể quên được gương mặt xúc động kèm theo câu nói đầu tiên khi biết mình giành được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất, ngay tại nhà hát Kodak : “Bố ơi! Bố ở đâu, huýt sáo lên cho con biết cả nhà mình đang ngồi ở đâu trong khán phòng đi”... Cầm tượng vàng trong tay và chân thành tâm sự: “Nếu bảo tôi chưa bao giờ chuẩn bị cho bài phát biểu này là nói dối. Tôi nhớ lúc đó mình mới 8 tuổi, đứng trước gương trong phòng tắm, cầm trong tay chai nước gội đầu...”. Đó là Kate Winslet, nữ diễn viên ngoài 30 tuổi, nhưng lúc đó, giống như một đứa bé.
Không biết có phải vì văn hóa phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, tinh thần tự chủ nên mỗi nghệ sĩ khi lên nhận giải đều muốn thể hiện mình một cách đậm đà nhất, riêng biệt nhất, và khán giả thì rất thích thú với điều này. Nhiều người kịch liệt phản đối những lời cảm ơn, nhưng trong khoảnh khắc vinh quang, rất khó để người ta không nói điều này. Vấn đề là lời cảm ơn ấy được biểu cảm ra sao để mang lại hiệu quả.
Trong lễ trao giải Cánh Diều vừa qua, màn cám ơn “lộn xộn nhất” của Kathy Uyên (đoạt giải Nữ diễn viên phụ) hóa ra lại là màn phát biểu dễ thương nhất. Cô cảm ơn bạn bè, người thân, êkíp làm phim, rồi chuyển lại cảm ơn người thân lần nữa, rồi “Xin lỗi, chắc tôi nói tiếng Mỹ thì hơn...”, rồi vất vả nặn ra từng chữ, ghép cho thành câu bằng thứ tiếng “thật khó” bằng hàng chục chữ “and”. Đang nói, cô lại quay qua hỏi: “Hết giờ rồi hả?” (chắc đạo diễn Nguyễn Chánh Tín đứng kế bên nhắc nhở nhỏ - vì chương trình truyền hình trực tiếp). Anh xua tay, ra dấu, cô sung sướng: “Ồ, chưa hết, vậy nói tiếp”... Khán giả cười rần, thích thú vỗ tay sự hồn nhiên, tự nhiên hiếm có trong những buổi lễ quá mang không khí trịnh trọng thế này.
Trong đêm trao giải Oscar, tất cả những người có tên trong đề cử đều được đề nghị chuẩn bị trước bài phát biểu (nhiều người sợ trong giờ phút xúc động quá dễ quên, nên viết sẵn ra giấy, đút túi). Tất cả các nghệ sĩ, từ những người đã vài lần nâng tượng vàng, đều hết sức tôn trọng và trân trọng điều này, bởi họ biết, đó cũng chính là sự tôn trọng và trân trọng giải thưởng cũng như các đồng nghiệp.
Nhưng ở ta, nhiều nghệ sĩ không quan tâm đến điều ấy. Chứng kiến cảnh các sao ẵm xong giải mình là đi, mặc kệ những hàng ghế trống trong khi nhiều đồng nghiệp còn chưa tới lượt lên sân khấu trong lễ trao giải Mai Vàng vừa rồi, khán giả đi từ ngạc nhiên đến đau lòng. Tại lễ trao giải Cống hiến hai năm trước, phải tới khi nghe Ban tổ chức thông báo chắc chắn mình được giải, một ngôi sao mới chịu tới dự! Khán giả cũng không ít lần ngẩn người vì những giải xướng lên không có người lên nhận, mà người trong cuộc thừa biết, chẳng có “lý do đặc biệt” gì như ban tổ chức buộc lòng phải công bố...
Hóa ra, ngay cả nghệ thuật trao và nhận giải thưởng ở ta vẫn còn thiếu nhiều... nghệ thuật lắm./.
Theo Thủy Phạm - Đỗ Duy (Vietnam+)