(TG) - Sáng 18-8, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội
Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức trao giải cuộc thi sáng tác văn học nghệ
thuật chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật phản ánh cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn
1930 - 1975.
Tới tham dự buổi lễ trao giải thưởng có đồng chí Hữu Thỉnh, Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đồng chí Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; đại diện Ban Tuyên giáo TW; chủ tịch các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cùng đông đảo các tác giả có tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi lần này đã về dự.
Theo quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án khuyến khích sáng tác và công bố tác phẩm Văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 - 1975”, cuộc thi được phát động từ ngày 01/01/2013 đến nay chia làm hai đợt tổng kết: Đợt 1 các Hội như Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam; Đợt 2 gồm các Hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Với sự tham gia của 08 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, hàng trăm tác phẩm ở nhiều thể loại, loại hình khác nhau đã gửi về dự thi. Đến nay, Ban tổ chức đã tổ chức chấm sơ khảo và chung khảo theo đúng quy chế của cuộc thi.
Theo đó, Ban tổ chức đã trao 03 giải Nhất cho tiểu thuyết "Trong cơn lốc xoáy" của tác giả Trầm Hương, kịch "Nhiệm vụ hoàn thành" của tác giả Xuân Đức, kịch múa "Khoảnh khắc bất tử" (Kịch bản: Nguyễn Thị Tuyết Minh, Tổng đạo diễn: NSND Phạm Anh Phương). Ngoài ra, còn có 13 giải B, 26 giải C, tặng thưởng cho 38 tác phẩm ở nhiều lĩnh vực: văn học (tiểu thuyết, trường ca, hồi kí), điện ảnh (kịch bản phim truyện nhựa, kịch bản phim truyền hình dài tập, kịch bản phim tài liệu một tập và nhiều tập, kịch bản phim hoạt hình), sân khấu (kịch bản kịch nói, dân ca, chèo, tuồng, cải lương, rối, xiếc), múa (kịch múa, tổ khúc thơ múa, thơ múa), hội họa (hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc và sách lí luận phê bình mỹ thuật), âm nhạc (khúc nhạc, thanh nhạc), sân khấu (kịch bản kịch nói, dân ca, chèo, tuồng, cải lương, rối, xiếc)...
Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chất lượng cao về hai cuộc kháng chiến giai đoạn 1930 – 1975 nhằm lựa chọn được những tác phẩm Văn học nghệ thuật, phản ánh sâu sắc nhất cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 – 1975; giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, nâng cao nhận thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng với nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta trong thời kì mới; trên cơ sở kết quả cuộc thi sáng tác của từng Hội chuyên ngành Trung ương, Liên hiệp VHNT Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính có kế hoạch lựa chọn tác phẩm được giải thưởng xuất bản, làm phim, dàn dựng vở diễn, trưng bày triển lãm… để phục vụ cho những ngày lễ lớn năm 2015 và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016) và phục vụ mục đích tuyên truyền, chính trị lâu dài.
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết trao giải, đồng chí Hữu Thỉnh vui mừng thông báo các kết quả đã đạt được thông qua cuộc thi lần này: “Các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam đã chủ động tổ chức các trại sáng tác, đưa văn nghệ sỹ đi thực tế, tổ chức hội thảo chuyên đề về đề tài Văn học nghệ thuật với cách mạng và kháng chiến. Một số Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố phối hợp với Hội cựu chiến binh, các lão thành cách mạng mời báo cáo viên đến nói chuyện với văn nghệ sỹ hiểu sâu hơn về truyền thống cách mạng tại địa phương. Một điều đáng ghi nhận trong cuộc thi này, ngoài văn nghệ sỹ là hội viên các hội tham gia còn có một số các tác giả cao tuổi, có vốn sống, gắn bó với cách mạng và kháng chiến cũng tích cực tham gia gửi tác phẩm dự thi hoặc kể lại – dưới dạng hồi kí, hồi ức cho các nhà văn ghi; cung cấp ảnh tư liệu, chuyện kể cho văn nghệ sỹ.”
|
Đồng chí Hữu Thỉnh thông báo tổng kết cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật
về hai cuộc kháng chiến giai đoạn 1930 - 1975 (Ảnh: TA) |
Một số tác phẩm tiêu biểu trong số các tác phẩm đoạt giải thưởng như: trường ca "Bão không đến từ biển" (Trần Anh Thái), phim truyện điện ảnh "Mưa đỏ" (Chu Lai), Hợp xướng "Đội du kích Hoàng Ngân" (Ngô Quốc Tính), kịch nói Người Hà Nội của tác giả Phạm Văn Quý, tác phẩm sơn mài "Mẹ và người lính" (Trịnh Hoàng Tân), tự truyện Anh vệ quốc đoàn của tác giả Nông Viết Toại...
Tuy nhiên cuộc thi vẫn còn một số hạn chế được chỉ ra như: do thời gian tổ chức cuộc thi ngắn (1 năm rưỡi), thông tin chưa đến được với các hội viên ở vùng sâu, vùng xa nên số lượng tác phẩm chưa nhiều; những tác phẩm lớn như trường ca, tiểu thuyết, hồi ký (văn học), giao hưởng (âm nhạc), các tác phẩm sơn dầu, sơ mài khổ lớn (mỹ thuật), kịch bản sân khấu, điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị đầu tư từ 2 đến 3 năm, phải là những tác giả có vốn sống phong phú… nên những tác phẩm gửi đến nhiều tác phẩm chưa thật sự được đầu tư có chiều sâu; ảnh tư liệu đã quá lâu nên chất lượng ảnh không cao, phải phục hồi kĩ thuật; một số tác phẩm, chủ yếu là của những tác giả trẻ viết về mảng đề tài này còn hời hợt, thiếu chiều sâu về vốn hiểu biết lịch sử; tác phẩm tham gia của các tác giả trẻ còn ít./.
Nhật Minh