Tối 7/6, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và trao giải thưởng Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 5.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chúc mừng các tác giả có tác phẩm đạt giải và khẳng định: Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" rất có ý nghĩa khi chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tôn vinh những tấm gương “người tốt, việc tốt” vào đúng dịp kỷ niệm 66 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc - ngày Truyền thống Thi đua yêu nước (11/6/1948 - 11/6/2014) và 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đó là những gương sáng của cựu chiến binh, thương binh phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, đi tìm hài cốt liệt sĩ, giúp đỡ đồng đội và các nạn nhân sau chiến tranh. Đó cũng là những cán bộ, sĩ quan tiêu biểu, lập nhiều thành tích, chiến công trong bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Cuộc thi lần thứ 5, bên cạnh hình ảnh cao quý Bộ đội Cụ Hồ, cũng xuất hiện nhiều tấm gương là các nhà khoa học, kỹ sư, thầy thuốc, giám đốc doanh nghiệp...tận tâm cống hiến cho ngành và rất quan tâm làm việc nghĩa, việc thiện.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong rằng, trong phản ánh các “tấm gương bình dị mà cao quý”, người viết phải cần tiếp tục bảo đảm tính trung thực, khai thác sâu vào những suy nghĩ, hành động và việc làm vì nước, vì dân. Bên cạnh đó, cần chú trọng nêu gương, biểu dương những tấm gương, việc làm có thể phổ biến rộng rãi và nhân rộng trong đời sống xã hội; có thêm những hình thức phong phú hơn để quảng bá gương “người tốt, việc tốt”, góp phần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên của mọi người.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã trao giải Nhất cho tác giả Phan Tiến Dũng với các tác phẩm “Người sưu tầm hàng trăm tư liệu quý về Hoàng, Trường Sa”. Tác phẩm viết về anh Trần Thắng - một Việt kiều đang làm việc, định cư tại Hoa Kỳ, nhưng luôn hướng về quê hương và đã dày công sưu tầm hơn 150 tấm bản đồ, 3 cuốn Atlas tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 9 giải Khuyến khích cho tác giả có những tác phẩm đạt giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 5.
Cũng trong chương trình giao lưu, các đại biểu đã giao lưu và nghe đại diện một số tấm gương bình dị mà cao quý chia sẻ về những việc làm của họ như: Chị Đinh Thị Xoa - vợ liệt sĩ Trung úy Đinh Văn Nam (Y sĩ Hải đội 3, Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân đã bất chấp nguy hiểm, kịp thời hành động dũng cảm cứu tàu. Sự hy sinh của anh Nam thể hiện sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”). Chi Xoa đã vượt lên được nỗi đau, chăm sóc gia đình, nuôi con chu đáo.
Trung úy Hoàng Văn Đông (Tiểu đoàn Thông tin 610, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) đã cùng đồng đội dũng cảm tham gia chữa cháy, cứu tài sản của nhân dân ngày 11/12/2013 tại khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội. Lúc đó, anh đã không nghĩ gì đến sự nguy hiểm của mình mà chỉ nghĩ đến người dân và tài sản để cứu.
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hệ thống chỉ huy và điều khiển (Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội) đã nghiên cứu và xây dựng thành công cũng như làm chủ hoàn toàn hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lệnh (85 tuổi, ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) người đã có gần 30 năm đạp xe, bỏ tiền "túi" từ lương hưu ít ỏi của mình đi tìm hàng nghìn mộ liệt sĩ và xác minh thân nhân gia đình liệt sĩ. Công việc tốn công sức, kinh phí, nhưng ông luôn khẳng định, mình lại được rất nhiều. Trong đó, hạnh phúc hơn cả là khi nhận được tình cảm của thân nhân liệt sĩ, đồng chí, đồng đội. Còn sức ông còn đi để làm yên lòng các liệt sĩ và người thân của họ.
Chương trình nhằm kỷ niệm 66 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; giới thiệu, tôn vinh các tấm gương bình dị mà cao quý, nhất là những người lính đã và đang phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ./.
TTX