Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế Trần Đắc Phu khẳng định có thể
cho trẻ tiêm vắcxin Quinvaxem miễn phí trong tiêm chủng mở rộng nếu cháu
chưa được tiêm đủ mũi vắcxin phối hợp 5 trong 1 dịch vụ theo lịch tiêm
chủng.
Điều cần lưu ý là các bà mẹ cần mang theo phiếu hoặc sổ tiêm chủng của
con mình để cán bộ y tế biết được trẻ đã tiêm những vắcxin gì và có chỉ
định tiêm đúng cho trẻ.
Trẻ không phải tiêm lại từ đầu khi quay sang vắcxin Quinvaxem
Cục Y tế dự phòng nêu rõ lịch tiêm chủng 3 mũi vắcxin phối hợp 5 trong 1
(Quinvaxem) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm
phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib là 2, 3 và 4 tháng tuổi.
Nếu trẻ đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắcxin cách đây 4-5 tháng thì cần được tiêm
càng sớm càng tốt mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Chú ý khoảng
cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần (1 tháng).
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cán bộ y tế cần thực hiện đúng quy trình
tiêm chủng, thực hành tiêm chủng an toàn và đặc biệt khám sàng lọc và tư
vấn đầy đủ trước khi tiêm chủng.
Các bậc cha mẹ cũng cần biết những việc cần thực hiện và phối hợp với
cán bộ y tế khi đưa con đi tiêm chủng, biết cách chăm sóc và theo dõi
trẻ sau tiêm chủng.
Cụ thể, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của
con mình như đang ốm, sốt hoặc tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với
những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan
rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác.
Các gia đình nên đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa
điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán
bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.
Cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng, chú ý theo dõi chăm sóc trẻ trong 1-2 ngày đầu sau tiêm chủng.
Các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm
phát hiện một số dấu hiệu bất thường như khóc thét, tím tái, khó thở, bú
ít, li bì… và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết
trên thực tế, vắcxin là một trong những loại sinh phẩm được kiểm
tra nghiêm ngặt nhất về tính an toàn. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý với các
bà mẹ, vắcxin cũng như thuốc, không có loại vắcxin nào là tuyệt đối an
toàn.
Cán bộ tiêm chủng tại tất cả các tuyến đều được đào tạo, tập
huấn những kiến thức về an toàn tiêm chủng và xử lý ban đầu
đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm. 100% các trạm y tế xã
phường đều sẵn có thuốc xử trí sốc.
Các trường hợp phản ứng ngay tại thời điểm tiêm chủng thì trẻ cần được xử trí tại cơ sở y tế gần nhất.
Điều quan trọng nhất là các bà mẹ cần cho trẻ ở lại trạm y tế sau tiêm
30 phút để cán bộ y tế theo dõi về tình trạng sức khỏe, dị ứng, phản ứng
quá mẫn, sốc...
Cụ thể, cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có
các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như phát ban, sốt cao (>39°C),
co giật, quấy khóc kéo dài, khó thở, tím tái, li bì, lơ mơ, bú kém, bỏ
bú.... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu cha mẹ không yên tâm về phản ứng của con sau khi tiêm chủng có thể
trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc
trẻ.
Các phản ứng nặng có thể qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.
Các bà mẹ cần chú trọng theo dõi sức khỏe của con mình sau khi tiêm
chủng liên tục ít nhất trong 24 giờ sau khi tiêm…/.
(TTXVN)