Những ngày gần đây, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, câu chuyện về việc làm sao có được mũi tiêm dịch vụ Pentaxim cho trẻ đang trở thành vấn đề “nóng.”
Nhiều gia đình, đang tìm mọi cách để đăng ký cho con tiêm được mũi vắcxin dịch vụ khi số lượng vắcxin có hạn trong khi nhu cầu của người dân thì quá lớn.
Năm 2016: Không có cam kết nào khác ngoài 40.000 liều
Tiến sỹ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, với số lượng hơn 12.000 liều Pentaxim hiện tại và thêm 29.000 liều sắp tới, Hà Nội vẫn mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu của người dân.
Ông Cảm nhấn mạnh thông tin trên trong cuộc họp cung cấp thông tin với báo chí về vắcxin do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội.
Vị giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, ước tính nhu cầu trong năm 2016 của người dân thành phố tiêm loại vắcxin này lên đến khoảng từ 100.000-120.000 liều.
Ước tính của Cục Quản lý Dược, thị trường Việt Nam mỗi năm nhập khoảng 200.000-300.000 liều vắcxin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1, trong khi nhu cầu thực tế vào khoảng 600.000 đến một triệu liều; chừng 4,5 triệu liều Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Về vấn đề cung ứng vắcxin dịch vụ hiện tại và trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Quản lý Dược ông Trương Quốc Cường cho biết: “Nhà sản xuất nói là họ đã cố hết sức có thể, theo thông báo mới nhất đến đầu năm 2016 chỉ có 40.000 liều và hiện tại chúng tôi không thể có cam kết nào khác. Vừa qua, để có được 200.000 liều văcxin như vừa qua, chúng tôi đã phải mất đến một năm, qua rất nhiều lần đàm phán. Nhà sản xuất nói họ đã rất cố gắng, co kéo, điều phối từ các thị trường khác.”
Vì thế, ông Cường khuyến cáo, người dân phải rất linh hoạt, không nên chờ đợi, khi có dịch vụ có nhu cầu có thể tiêm, còn khi không có cần cho trẻ đi tiêm chủng mở rộng, vắcxin luôn sẵn sàng để bảo vệ trẻ trước các bệnh lý nguy hiểm.
90% trẻ được tiêm Quinvaxem mỗi năm
Theo thống kê của ngành y tế, tại Việt Nam trong một năm có khoảng 4,5 triệu liều vắcxin Quinvaxem được tiêm cho trẻ còn lại dưới 10% là trẻ tiêm vắcxin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1.
Ông Phu cũng bày tỏ quan ngại về miễn dịch cộng đồng kém nếu không tổ chức tiêm tốt vắcxin vô bào (Pentaxim) và khẳng định tiêm chủng mở rộng vẫn là ưu tiên hàng đầu. “Không thể chỉ vì vài trăm nghìn liều vắcxin dịch vụ mà khiến toàn dân quay lưng lại với Quinvaxem vì như thế chắc chắn dịch bùng phát.
Chưa kể, có những lô vắcxin dịch vụ công ty sản xuất kiểm nghiệm cho thấy chỉ tiêu miễn dịch không đáp ứng. Các chuyên gia cũng khẳng định vắcxin vô bào miễn dịch kém hơn vắcxin toàn tế bào."
Hiện trên thị trường chỉ khan hiếm 2 vắcxin là Pentaxim và 6 trong 1, nhưng không phải là vì thế mà trẻ không được tiêm vắcxin. Thời gian gần đây khi khan hiếm vắcxin dịch vụ thì các điểm tiêm chủng dịch vụ cũng đã tiêm vắcxin Quinvaxem và đã tiêm được một số lượng lớn.
Chẳng hạn như ngay trong giai đoạn khan hiếm vắcxin dịch vụ, tổ chức tiêm Quinvaxem ở điểm dịch vụ riêng tại Hà Nội đã đạt trên 50.000 liều. Điển hình như, từ 10/3 theo chỉ đạo của Bộ Y tế , một điểm tiêm của Hà Nội là Trung tâm Y tế Dự phòng đến nay đã tiêm miễn phí 22.000 mũi Quinvaxem.
Theo thống kê của Bộ Y tế, những năm gần đây tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam luôn đạt trên 90% và có thể những người không tiêm chủng không mắc bệnh nhưng khi miễn dịch cộng đồng giảm xuống 60% thì dịch bệnh sẽ bùng phát. Khi dịch bệnh bùng phát thì những người chưa tiêm chủng sẽ chắc chắn mắc bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo, không có vắcxin dịch vụ, người dân nên lựa chọn tiêm vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bởi Quinvaxem có thành phần tương tự như Pentaxim. Mỗi năm nước ta có 1,7 triệu trẻ sinh ra; 90% trong số này đang được tiêm Quinvaxem.
Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế phân tích, Quinvaxem chỉ khác Pentaxim ở chỗ tỷ lệ gặp phản ứng phụ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… còn tỷ lệ phản ứng nặng của 2 loại này là tương đương nhau./.
Theo VietNam+