(TG) - Trẻ em mong muốn được bảo vệ khỏi bạo lực học đường, ảnh hưởng của mạng xã hội và cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng sống là ý kiến kiến nghị của đại diện 80 trẻ em đến từ 24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi Gặp gỡ giữa Lãnh đạo Thành phố và trẻ em nhân kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới (20/11), diễn ra ngày 18/11.
Em Mai Hải Yến, học sinh Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết, quận 6 cho rằng hiện nay nhiều bạn chưa được trang bị các kỹ năng phòng, chống xâm hại, kỹ năng sử dụng mạng xã hội đã khiến cho một số kẻ xấu lợi dụng gây hại. Do đó, Hải Yến mong rằng Thành phố cần xây dựng thêm nhiều thư viện, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để trẻ em có thể tham gia giao lưu cũng như bổ sung kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình.
Em Đồng Vân Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Trung Lập, huyện Củ Chi đưa đến buổi gặp gỡ câu chuyện từ chính hai người bạn học của mình. Vân Anh cho biết, em rất buồn khi mới đây hai bạn học cùng lớp đã phải nghỉ học do bố mẹ ly hôn, gia đình khó khăn không đủ kinh tế để tiếp tục theo học. “Con hy vọng các cô chú lãnh đạo có những chính sách hỗ trợ để hai bạn của con cũng như các bạn khác có hoàn cảnh tương tự tiếp tục được đến trường”, Vân Anh mong mỏi.
Ngoài ra, 80 em đại diện cho trẻ em từ 24 quận, huyện của Thành phố cũng nêu ra những vấn đề được các em quan tâm hiện nay như: tăng thêm các tiết học thực hành, tiết học trải nghiệm, giảm bớt bạo lực học đường, xâm hại tình dục, xây dựng hệ thống xe buýt thân thiện…
Đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của các em, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, những ý kiến đã thể hiện được chiều sâu trong suy nghĩ của các em và đây cũng chính là những vấn đề mà lãnh đạo Thành phố đang trăn trở. Từ những ý kiến này, các sở, ban, ngành sẽ có sự tham mưu cho lãnh đạo Thành phố để đưa ra những điều chỉnh, quyết sách phù hợp trong thời gian tới nhằm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thân thiện với trẻ em, đảm bảo mọi trẻ em sinh sống trên địa bàn, kể cả trẻ nhập cư đều được cư xử, bảo vệ như nhau.
Cũng trong buổi gặp gỡ, với sự hỗ trợ từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố báo cáo phân tích tình hình trẻ em năm 2017 với những nội dung phân tích xoay quanh bốn vấn đề chính: giáo dục, sức khỏe, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia của trẻ em.
Theo báo cáo phân tích, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 1,5 triệu trẻ em từ 0 đến 16 tuổi, trong đó có hơn 67.000 trẻ em sống trong các hộ nghèo về thu nhập. Do đó, đa phần trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với gánh nặng kép ngày một gia tăng đó là suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì.
Ở khía cạnh giáo dục, hiện nay chất lượng của bậc học mầm non, nhất là mầm non ngoài công lập đang gây ra nhiều quan ngại không đảm bảo an toàn cũng như sự phát triển của trẻ em. Số lượng trẻ em không được đến trường như trẻ em nghèo, trẻ nhập cư, khuyết tật, người dân tộc cũng không nhỏ. Ở nội dung quyền được bảo vệ, có đến hơn 50% học sinh được khảo sát từng bị bắt nạt ở trường học. Xâm hại tình dục là hình thức phổ biến nhất trong số các hình thức bạo lực với trẻ em. Ngoài ra, trẻ em cũng chưa được tham gia quyết định hoặc đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến cá nhân trong gia đình, nhà trường, xã hội…
Báo cáo phân tích tình hình trẻ em cũng khuyến nghị Thành phố cần tiếp tục tăng cường năng lực của các cấp để bảo vệ quyền trẻ em, trong đó tập trung vào trẻ dễ bị tổn thương và chưa được quan tâm. Thành phố cũng cần ưu tiên các nguồn lực để phát triển chương trình, chính sách thân thiện với trẻ em./.
PBN