Đề xuất cho phép lao động nữ lựa chọn tuổi nghỉ hưu
Tuổi nghỉ hưu của nữ giới là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đánh giá, phụ nữ không chỉ là người chăm lo mái ấm gia đình mà còn cùng nam giới xây dựng, làm giàu cho đất nước, vì thế, phải có chiến lược cụ thể để nâng cao vai trò, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Đặc biệt, trong quy hoạch, đào tạo, các cơ quan chức năng cần đề bạt, cân nhắc, không nên tính đến độ tuổi để phụ nữ có cơ hội làm cán bộ chủ chốt ở độ tuổi như nam.
“Nếu vẫn giữ độ tuổi nghỉ hưu chênh lệch giữa nam và nữ là 5 tuổi, cách tính lương, nâng quân hàm phải thay đổi để làm sao khi nghỉ hưu, hai giới bằng nhau. Ví dụ, nếu như nam chuyên viên chính 3 năm lên lương một lần, cấp hàm 3 năm lên một cấp thì nữ chỉ cần 2,5 năm. Như vậy, tới tuổi nghỉ hưu, nữ giới mới hưởng cuộc sống bằng nam giới được,” đại biểu Trương Minh Hoàng nêu vấn đề.
Đồng quan điểm, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho rằng trong Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có sự khác biệt, dẫn đến hệ lụy là cơ hội được đề bạt, đào tạo, thăng tiến của nữ giới bị cản trở. Đại biểu đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, làm rõ hơn vấn đề này.
Chia sẻ với đại biểu Dao về việc quy định của pháp luật chưa tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ muốn tiếp tục cống hiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) giải thích vấn đề này có tính lịch sử, bởi trước đây Bộ luật Lao động cho phép phụ nữ được nghỉ sớm hơn, chính vì vậy thời gian nghỉ hưu của nữ giới kéo dài hơn. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến nhiều bất cập. Để giải quyết hài hòa vấn đề, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ sửa đổi Bộ luật Lao động trong đó quy định nam và nữ nghỉ hưu bằng tuổi nhau, nhưng phụ nữ được lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi quy định (trong khoảng từ 55-60 tuổi).
Giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị
Quan tâm đến việc tỷ lệ cán bộ nữ tham gia bộ máy lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị còn khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra, một số đại biểu chỉ rõ thời gian qua, nhận thức về vấn đề này có chuyển biến, hệ thống văn bản được ban hành nhiều nhưng hiệu quả thấp. Nguyên nhân là do nhận thức, hành động chưa đồng hành. Đặc biệt là quá trình tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, thậm chí còn hình thức.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu thực tế có nơi quy hoạch cơ cấu nữ vào bộ máy lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân nhưng chỉ đảm bảo tỷ lệ nữ, chưa gắn với vị trí nên bầu không trúng. Nhiều lãnh đạo các cấp, khi xét duyệt đề bạt bổ nhiệm không chú trọng, không quan tâm, không tạo điều kiện cho nữ. Thực tế, có đoàn đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ không có đại biểu nữ; có những ngành, đoàn thể, ban cán sự, ban thường vụ, sở, ngành lãnh đạo cũng không có nữ. Vì thế 16/22 chỉ tiêu chiến lược đề ra chưa đạt...
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cũng chỉ rõ cơ hội để phụ nữ trúng cử tại bầu cử Quốc hội khóa XIV thấp hơn nam khi hơn 1/3 số tỉnh/thành không bố trí đủ 35% nữ ứng cử viên trong danh sách bầu cử theo quy định của Luật; phụ nữ gánh cơ cấu kết hợp (dưới 40 tuổi, người dân tộc thiểu số, ngoài Đảng) nhiều hơn nam. Khi phân tích cho thấy cứ thêm một cơ cấu thì tỷ lệ trúng cử giảm bớt 10%. Do vậy, tỷ lệ trúng cử tại bầu cử Quốc hội khóa XIV của nam là 68,4% trong khi nữ chỉ là 39,2%.
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị hằng năm Quốc hội dành thời gian thảo luận kèm theo cơ chế giải trình, thực hiện trách nhiệm liên quan đến bình đẳng giới, gắn với sự tiến bộ của phụ nữ. Cụ thể như, sau bầu cử vừa qua, các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có thể làm rõ hơn việc ứng cử viên đại biểu Quốc hội hiệp thương ở vòng ba cao nhưng đạt tỷ lệ thấp so với bầu, chắc chắn rất ý nghĩa cho việc thực hiện các mục tiêu về giới, bởi, việc giới thiệu, hiệp thương, xét đơn vị bầu cũng có xu hướng bất lợi cao cho nữ.
Bảo đảm bình đẳng trong cách tính lương hưu
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về chính sách pháp luật với lao động nữ chưa phù hợp, gây bất bình đẳng về thu nhập khi lao động nữ tới tuổi nghỉ hưu. Đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho biết Điều 56, Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như nam, dẫn đến số lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với nam giới và so với người có cùng số năm đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu trong năm 2017, nhất là người có tới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội. “Cách tính như vậy chưa đảm bảo bình đẳng trong tổng thể nguyên tắc chung về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới,” đại biểu Ngàn Phương Loan chỉ rõ.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) nhấn mạnh quy định như trong Luật Bảo hiểm xã hội về cách tính lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 gây thiệt thòi cho lao động nữ. Đánh giá cao trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét phương án về lộ trình cách tính lương hưu đối với lao động nữ khi có ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên đại biểu đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định vì thời điểm có hiệu lực của quy định này chỉ còn gần hai tháng nữa. Mục tiêu lớn nhất là bảo đảm quyền lợi chính đáng của lao động nữ, không tạo ra bức xúc trong xã hội; cải thiện tình hình quan hệ lao động vào những tháng cuối năm, tránh phản ứng chính sách.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đã sớm phát hiện, khảo sát, đánh giá tác động và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng Chín. Hiện nay, Chính phủ đã xem xét tại Phiên họp thường kỳ tháng 10, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đề xuất của Chính phủ theo hướng vừa đảm bảo thực thi pháp luật, phù hợp với nguyên tắc đóng-hưởng, quan tâm vấn đề bình đẳng giới, thực hiện theo lộ trình, không gây bức xúc trong xã hội.
Cẩn trọng trong đánh giá số lao động bị sa thải trong doanh nghiệp FDI
Quan tâm đến tình trạng bất bình đẳng giới trong lao động, việc làm, nhiều đại biểu cho rằng mặc dù việc thực hiện chỉ tiêu này hàng năm đều đạt và vượt nhưng chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định, thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp.
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh dẫn chứng 70% lao động nữ thường làm việc trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 41,1% lao động nữ làm công việc giản đơn. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo thấp hơn nam. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở lao động nữ cao hơn nam. Thu nhập bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn 10,7% so với lao động nam. Mặt khác, tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ ở tuổi 35 trở lên đang là vấn đề nổi lên trên thị trường lao động hiện nay. Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có giải pháp can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt lao động nữ.
Đại biểu Ngàn Phương Loan nêu thực tế hiện nay có nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn vùng núi, vùng biên giới sang nước ngoài làm thuê bất hợp pháp và hệ lụy của vấn đề này là cảnh phụ nữ phải sống tha phương; nhiều phụ nữ bị lừa đảo, trở thành nạn nhân trong các vụ buôn bán người. Dù biết những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao nhưng nhiều phụ nữ vẫn phải xuất cảnh trái phép và tình trạng này hàng năm giảm không đáng kể bởi những nguyên nhân khác nhau, trong đó, có nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, công việc chưa ổn định. Mặc dù đã có nhiều lớp tập huấn, đề án, chính sách quan tâm đến lao động, việc làm của phụ nữ nhưng vẫn còn nhiều trở ngại đối với lao động nữ ở nông thôn.
Đại biểu cho rằng để phụ nữ, nhất là phụ nữ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo yên tâm lao động sản xuất, cần có giải pháp cụ thể ví dụ như đào tạo nghề, gắn với nhu cầu lao động, việc làm, thu nhập ở địa phương.
Làm rõ thêm các nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định quan điểm của Chính phủ là sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu, tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác bình đẳng giới; chú trọng tạo công ăn việc làm thúc đẩy phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn tham gia vào hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, các lĩnh vực lao động phi chính thức có hiệu quả, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Liên quan đến vấn đề sa thải lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là phụ nữ sau 35 tuổi, Bộ trưởng hội Đào Ngọc Dung cho rằng đây là vấn đề lớn cần hết sức cẩn trọng trong đánh giá. Trong phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng Chín, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vấn đề này; Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát. Thủ tướng Chính phủ cũng dành thời gian để đối thoại với công nhân, trực tiếp thị sát khu nhà ở, kiểm tra đánh giá tình hình.
Bộ trưởng phân tích đến nay, khu vực FDI có khoảng 2,6 triệu người lao động; 3,9 triệu người đóng bảo hiểm xã hội, một lực lượng lao động rất quan trọng. FDI không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có nhiều đổi mới, chăm lo cho người lao động. Tuy nhiên, một số nơi vừa qua có việc chưa tốt. Chính phủ đã tiến hành kiểm tra những vấn đề này, thậm chí xử phạt những doanh nghiệp này. Những nơi tiếp tục diễn ra phải có những giải pháp can thiệp về mặt chính quyền.
Bộ trưởng nêu rõ con số giải quyết bảo hiểm thất nghiệp của chín tháng đầu năm 2017 là 523.888 người trong đó nữ là 293.681 người. Điều này cho thấy có tình trạng việc làm của lao động nữ ở một số doanh nghiệp, khu công nghiệp thiếu ốn định, điều kiện chưa đảm bảo, song không có tình trạng các doanh nghiệp FDI đồng loạt sa thải nữ công nhân hay 80% nữ công nhân ở doanh nghiệp FDI bị "sa thải" như một số đại biểu và báo chí nêu.
Đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm, bởi qua làm việc với Chủ tịch Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women) và báo cáo của Tổ chức Lao động Liên hợp quốc (ILO) cho thấy Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động vào Việt Nam, nhân lực nữ đang có nguy cơ mất dần thị phần. Nguy cơ mất việc rất cao đối với các ngành nghề thâm dụng lao động cao, như dệt may, giày da do máy móc thay thế tới 85% lao động.
Đáng chú ý, tỷ lệ nữ trong các ngành này theo dự báo xấu nhất có thể lên tới 70-80% sau năm 2025. Điều này đặt ra vấn đề phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn và khu vực phi chính thức. Đây là ba khu vực chiếm nhiều nhất trong lĩnh vực này, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan
Cũng trong phiên làm việc, nhiều đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phụ nữ; ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ Quốc hội đề nghị Chính phủ sẽ tiếp thu và quan tâm hơn về các giải pháp tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và trong xây dựng pháp luật; quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bố trí hợp lý hơn ngân sách, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; chú ý hơn công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bình đẳng giới.
Trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, ý kiến các đại biểu Quốc hội, ngay sao phiên họp, Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc thực hiện các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bình đẳng giới trong thời gian tới. Nội dung này sẽ tiếp tục được báo cáo tại Quốc hội trong các phiên họp sau.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì, theo dõi việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, thông tin, văn hóa, kể cả các chính sách trong gia đình... Với trách nhiệm chung, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và nghiên cứu việc xem xét, tổng kết việc thực hiện Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý.
Riêng về vấn đề lương hưu của lao động nữ thực hiện từ 1/1/2018 ở các doanh nghiệp, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, rất cần thực hiện theo đúng quy trình. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.
Phúc Hằng-Phan Phương (TTXVN)