Thứ Sáu, 29/11/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 4/3/2009 22:28'(GMT+7)

Trên 40% công nhân mất việc ở KCN Hải Dương

 7 giờ 30 phút, cổng vào khu công nghiệp Phúc Điền (Hải Dương) không còn cảnh công nhân hối hả nhận ca làm việc. Nhiều tháng qua, 23 doanh nghiệp trong khu công nghiệp này, chủ yếu sản xuất mặt hàng linh kiện điện tử, không nhận được nhiều hợp đồng. Vì vậy các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân công, giảm ca để giảm lỗ.

Khi đủ việc, Khu công nghiệp Phúc Điền thu hút trên 7.000 lao động, nhưng hiện tại, khu công nghiệp chỉ đảm bảo khoảng 4.500 lao động có việc làm. Số công nhân thất nghiệp chịu chung cảnh về quê; một số có may mắn xin được việc làm tại các Khu công nghiệp khác.

Ông Trần Phi Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Quang cho biết, đa số công nhân mất việc thuộc diện hết hợp đồng lao động hoặc lao động thời vụ nên họ không được nhận trợ cấp hoặc hỗ trợ khó khăn. Số công nhân bị mất việc làm nhưng còn hợp đồng lao động được hưởng 70% lương, nhưng không quá 6 tháng theo Luật lao động.

Khoảng nửa năm trước, thu nhập bình quân của công nhân tại nhà máy thép chất lượng cao Đông Bang, khu Công nghiệp Đại An, vào khoảng 2,3-2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng nay, khoản thu nhập này chỉ còn là 1,5 triệu đồng. Theo Ban Quản lý khu công nghiệp Đại An, trước khi xảy ra khủng hoảng, khu công nghiệp này đã thu hút trên 9.000 lao động, nay số công nhân mất việc làm chiếm trên 40%.

Cá biệt, Công ty SUMIDENSO Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử ôtô, đã cắt giảm tới 60% công nhân. May  mắn hơn so với đồng nghiệp, chị Trần Thị Hòa cùng em gái không bị nghỉ việc trong dịp này, nhưng chịu cảnh sống lay lắt chờ việc làm. Hiện thu nhập của cả hai chị em chỉ đủ trả tiền thuê nhà và sinh hoạt tằn tiện. Tiền gửi về giúp gia đình hầu như không có.

Anh Nguyễn Thế Huy, một công nhân đang làm việc tại nhà máy Đông Bang không thuộc 1/3 số công nhân bị cắt giảm việc làm, nhưng công việc cho anh chỉ đủ làm trong nửa tháng. Giảm ngày công cũng đồng nghĩa thu nhập của anh chỉ bằng một nửa ngày trước.

Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nhiều lao động bị mất việc làm ở các doanh nghiệp tính chuyện quay về quê hương, tần tảo, chắt chiu trên mảnh ruộng, mảnh vườn của mình. Cũng có người tìm đường tới các thành phố lớn, nhập vào đội quân lao động vụ việc ở đây. Cả hai con đường mà người lao động đi đều cần có sự giúp đỡ kịp thời của Nhà nước: Với nông thôn, có thể là việc cho vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ. Với người về thành phố, phải chăng cần có chính sách thông thoáng hơn để tạo chỗ ăn ở ban đầu, cũng như sự hướng dẫn, đùm bọc của các đoàn thể, từ Công đoàn đến Mặt trận Tổ Quốc nơi đường phố./.

TG-VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất