Phụ nữ Việt Nam có đóng góp to lớn vào thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ chiếm 50,2% tỷ trọng lao động trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, phụ nữ cũng khẳng định vị thế của mình với tỷ lệ tham gia lao động là 51,8%. Trong lĩnh vực chính trị, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu châu Á về tỷ lệ đại biểu nữ Quốc hội. Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là điểm sáng về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề mới nảy sinh như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phụ nữ còn nhiều bất cập trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để thúc đẩy các cơ hội cho phụ nữ phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 1/12/2009 về Chương trình Hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát biểu khai mạc Hội nghị Triển khai Chương trình Hành động, Thứ trưởng Bộ Lao động- TBXH Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh, mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đến năm 2020, nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực.
Trình bày nội dung Chương trình Hành động, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động- TBXH nêu rõ 7 nhóm giải pháp thực hiện. Theo đó nhấn mạnh đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị, ông Phạm Ngọc Tiến cho biết, cái khó nhất khi thực hiện Chương trình là việc nhận thức về công tác phụ nữ và pháp luật bình đẳng giới vẫn còn hạn chế ở nhiều cấp cán bộ lãnh đạo. Theo ông Tiến, việc giáo dục pháp luật về bình đẳng giới cần bắt đầu từ giáo dục trẻ em, để tạo ý thức từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Bộ Lao động-TBXH được giao nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra và tổng hợp việc triển khai thực hiện Chương trình Hành động, báo cáo Chính phủ./.
VOVNews