Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 4/11/2014 20:53'(GMT+7)

Triển khai hiệu quả nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở cơ sở giáo dục

Ngày 03/11/2014, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực tổ chức Tọa đàm về một số giải pháp hiệu quả đã được thực hiện ở cơ sở giáo dục trong việc triển khai Nghị quyết 29, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tham dự buổi tọa đàm có GS. TS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS. TSKH. Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS. TSKH. Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực; TS. Đặng Xuân Hoan, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Tổng Thư ký; Ông Trần Đình Châu, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực; đại diện Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đến từ các cơ sở giáo dục từ cấp học mầm non đến cấp học trung học phổ thông của các tỉnh, thành như Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đã trình bày một số mô hình, giải pháp có hiệu quả đã được thực hiện tại các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29. Giải pháp thứ nhất là các cơ sở giáo dục quán triệt đến từng giáo viên, lãnh đạo bộ môn, phụ huynh học sinh toàn bộ Nghị quyết 29, từ đó đã làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định đến chất lượng của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Giải pháp thứ hai là đổi mới chất lượng đội ngũ giáo viên, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo viên như việc yêu cầu giáo viên sử dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến (sử dụng bản đồ tư duy, bàn tay nặn bột); tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn cấp trường và liên trường; tập huấn cho cán bộ giáo viên phương pháp giảng dạy tích hợp; đổi mới vai trò tự học, tự đổi mới của giáo viên; nâng cao sự tự đổi mới của giáo viên thông qua việc bồi dưỡng năng lực của học sinh,… Giải pháp thứ ba là đổi mới nội dung và hình thức dạy học như giảng dạy theo chuyên đề lồng ghép với thăm quan thực tế, trải nghiệm sáng tạo; chuyển hình thức dạy học từ cung cấp kiến thức sang dạy cách tư duy, phản biện; tổ chức các câu lạc bộ học thuật,… Hầu hết các trường đã rất sáng tạo trong công tác giảng dạy và tổ chức các hoạt động, khắc phục các khó khăn để dần nâng cao chất lượng giáo dục. Giải pháp thư tư là đổi mới tài liệu, giáo án theo hướng giảm bớt khối lượng, lựa chọn các nội dung phù hợp với địa phương, các đối tượng trên cơ sở đảm bảo nội dung theo quy định. Giải pháp thứ năm là thay đổi cách đánh giá đối với học sinh, thực hiện tốt việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT về việc “Ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học” thay việc cho điểm số bằng việc nhận xét học sinh. Giải pháp thứ sáu là xây dựng môi trường giáo dục thân thiện. Các trường đã khắc phục khó khăn về diện tích cũng như cơ sở vật chất để xây dựng các khu vui chơi, các khu thực hành, học tập thực tế cho học sinh. Giải pháp thứ bảy là các trường đã làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút được sự đóng góp chia sẻ khó khăn của phụ huynh học sinh, đặc biệt là các trường ở vùng khó khăn.

 Bên cạnh các giải pháp hiệu quả được các cơ sở đã áp dụng, các đại biểu cũng đề cập đến một số khó khăn ảnh hưởng tới tiến độ cũng như chất lượng, hiệu quả việc triển khai Nghị quyết như giáo viên các trường đang gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy tích hợp, các giáo viên hiện nay đang được đào tạo chuyên sâu về một môn học, nếu giảng dạy tích hợp họ cần phải có thời gian, cần được đào tạo lại phải đọc rất nhiều các môn học liên quan. Để các trường tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo hiệu quả và mục tiêu đề ra, kinh phí cho việc tổ chức là rất lớn, các trường khó có thể thực hiện được. Các trường cũng băn khoăn về việc học lệch ở trung học phổ thông với phương án thi tốt nghiệp 4 môn sẽ thực hiện trong năm học 2015 (qua khảo sát, đã có trường chỉ có 4/513 em chọn môn Lịch sử là môn dự thi tốt nghiệp). Các đại biểu cũng khẳng định rằng sau một năm triển khai Nghị quyết 29, nhiều vấn đề của giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, đang đi đúng định hướng của Đảng, các trường đã thực sự chủ động, sáng tạo trong triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên để Nghị quyết 29 đi vào cuộc sống sớm, hiệu quả, các đại biểu cho rằng các trường cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai các nội dung của Nghị quyết, chuẩn bị các điều kiện, đặc biệt là chú trọng tới đội ngũ giáo viên. Ở tầm vĩ mô cần chỉ cho các trường thấy là cần phải làm như thế nào và có những đánh giá, dự báo các khó khăn mà các cơ sở có thể gặp, có các giải pháp khắc để khắc phục những khó khăn đó trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường thông tin những kết quả, những mô hình tốt của ngành giáo dục tới xã hội một cách kịp thời và chính xác.

Kết quả của Tọa đàm là những bài học kinh nghiệm quý báu từ cơ sở để xây dựng kế hoạch hành động xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông, cộng đồng và mỗi cá nhân trong việc nhanh chóng đưa Nghị quyết 29 vào cuộc sống.

Ngô Thanh Long

 Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề-Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất