Thứ Hai, 9/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Hai, 5/4/2021 8:43'(GMT+7)

Triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới

VỀ MỤC TIÊU, HỆ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG CÁC VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG 

Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu các mục tiêu đến 2045, 2030 và 2025 với mục tiêu tổng quát và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Theo đó,  Báo cáo Chính trị xác định mục tiêu tổng quát với 7 nội dung: ” Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa[1]. Đồng thời, xác định 3 mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:

Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Căn cứ theo các mục tiêu cụ thể này, các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 được xác định theo 3 nhóm về kinh tế, xã hội và môi trường, theo đó về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5-7%/năm. GDP bình quân đầu người khoảng 4.700- 5000 USD; đóng góp của năng xuất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng xuất xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 25% GDP; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Về xã hội: Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên một vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình khoảng 74,5% tuổi; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Về môi trường: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, nông thôn là 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%[2].

Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030, xác định 7 nội dung lớn của mục tiêu tổng quát : ”….Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, nhấn mạnh đến năm 2030, Việt Nam có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… không ngừng nâng cao mọi mặt đời sống của người dân. Đồng thời, cũng đưa ra 3 nhóm chỉ tiêu gồm: 7 chỉ tiêu về kinh tế; 4 chỉ tiêu về xã hội và 5 chỉ tiêu về môi trường.

Việc xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, hệ thống các chỉ tiêu trên có một số điểm đáng lưu ý:

Một là, các mục tiêu cơ bản  đã rõ ràng, cụ thể, có tính kế thừa, hợp lý hơn giữa nhóm chỉ tiêu về kinh tế và nhóm chỉ tiêu về xã hội và môi trường, phản ánh được đặc điểm, trình độ phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, luôn coi trọng các điều kiện đảm bảo.

Hai là, mục tiêu, chỉ tiêu đã mang tính động lực, thể hiện được mục tiêu phấn đấu và hướng kết quả người dân được thụ hưởng. Phản ánh được thành quả phát triển của đất nước theo các mốc sự kiện lịch sử, nhưng vẫn phù hợp với xu thế, chuẩn mực chung của thế giới về phân loại quốc gia, thu nhập, có thể đo lường được.

Ba là, cơ cấu các chỉ tiêu đã có xu  hướng giảm, năm 2025 khoảng 19 tiêu chí,  năm 2030 còn 17 chỉ tiêu, từng bước phản ánh được mức độ hiện đại của nền kinh tế, như các chỉ tiêu về TFP, chỉ tiêu về kinh tế số…Từng bước xác định, thể hiện gắn bó hữu cơ giữa các nhóm chỉ tiêu về phát triển, phản ánh khái quát tình hình phát triển trong từng giai đoạn 2025, 2030 và tầm nhìn 2045. Nhóm chỉ tiêu về chất lượng phát triển của nền kinh tế, liên quan đến tính bao trùm, tính bền vững của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân. Nhóm chỉ tiêu về động lực phát triển, tập trung vào các vấn đề thể chế phát triển, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, chất lượng đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đã chú ý tới nhóm chỉ tiêu về động lực phát triển, bám sát các khâu đột phá trong từng giai đoạn 2030, 2045.

Bốn là, từng bước tách dần các chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội chung hướng tới mục tiêu phát triển trong từng thời kỳ với chỉ tiêu phục vụ quản lý, điều hành của Nhà nước, như các cân lớn cần đạt, các chỉ tiêu về tăng tổng tích lũy tài sản khoảng 27-28% GDP; duy trì tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng không thấp hơn 73% GDP; tổng đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; tỷ lệ huy động nguồn ngân sách nhiệm kỳ khóa XIII đạt khoảng 15-16% GDP; nợ công 60% GDP…

Năm là, đã từng bước chuyển trọng tâm xác định tiêu chi theo hướng đo lường tăng trưởng kinh tế và thu nhập, sang chất lượng cuộc sống, mức độ hạnh phúc của người dân, lấy người dân làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau. Chẳng hạn, bên cạnh việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng GDP và GDP theo đầu người, Việt Nam cũng đưa ra các chỉ tiêu theo lộ trình nhằm phấn đấu giảm bất bình đẳng về thu nhập, về chất lượng giáo dục, y tế, tác hại về môi trường, điều này thực chất là sự phản ánh tính ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn gắn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế với các chính sách xã hội, gắn ngay từ đầu, trong từng bước đi, từng chính sách phát triển.

BỐI CẢNH, NGUYÊN TẮC VÀ ĐỊNH HƯỚNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TỐT CÁC CHỈ TIÊU, PHỤC VỤ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC Ở VIỆT NAM THỜI GIAN TỚI

Bối cảnh mới của đất nước đặt ra nhiều thời cơ và thách thức trong việc thực hiện các chỉ tiêu, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước 2025 đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, từng giai đoạn thực hiện tốt, sẽ là tiền đề để thực hiện các mục tiêu của giai đoạn tiếp theo và trước hết mục tiêu là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025.

Các nhân tố bên ngoài tác động đến việc thực hiện các chỉ tiêu trong từng giai đoạn, trước hết là một số xu thế lớn của thế giới đang nổi lên hiện nay về hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển đi kèm theo là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cùng với sự điều chỉnh chiến lược, chính sách ở nhiều quốc gia; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Một số nhân tố tác động tới tăng trưởng kinh tế, như Covid-19, các liên kết kinh tế khu vực bị ảnh hưởng bới liên kết kinh tế toàn cầu; xu hướng đa cực, nhiều trung tâm kinh tế làm xuất hiện nhiều nền kinh tế mới nổi; nhiều mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đi đối với việc gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các thách thức về biến đổi khi hậu, suy thoái môi trường, thiên tai dịch bệnh… là những thách thức, thời cơ đan xen đối với mỗi quốc gia trong quá trình phát triển.

Ở trong nước, thuận lợi căn bản chính là cơ đồ, vị thế, uy tín và tiềm lực của đất nước sau 35 năm đổi mới, tình hình chính trị và xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường…Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức lớn; một số khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục. Độ mở của nền kinh tế lớn làm cho những tác động bất lợi từ bên ngoài diễn ra nhanh và mạnh hơn. Một số vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội, ảnh hưởng tới việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo, như già hóa dân số, chênh lệch giầu nghèo, thiên tai dịch bệnh, đặc biệt là những diễn biến phức tạp của đại địch Covid-19 trên thế giới và trong nước hiện nay.

Các nguyên tắc trong thực hiện hệ chỉ tiêu phù hợp với thực tiễn Việt Nam

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, cần xác định đúng đắn một số nguyên tắc cơ bản sau:

(1) Quán triệt đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo được nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng; xử lý đúng đắn 10 mối quan hệ lớn trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đây là các nguyên tắc chung, bao trùm chi phối toàn bộ sự phát triển của đất nước hiện nay và giai đoạn tiếp theo.

 (2) Đảm bảo tính nhất quán, đồng bộgắn kết chặt chẽ giữa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữa phát triển bên trong và tranh thủ bên ngoài, trong đó giữ ổn định, phát triển bên trong có vai trò quyết định.

(3) Luôn xác định các hướng ưu tiên, khâu đột phá trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, phục vụ mục tiêu phát triển, nhất là trong điều kiện có những tác động bất lợi từ bên ngoài. Đây là cơ sở để tạo đột biến trong phát triển.

Định hướng một số giải pháp cơ bản trong thời gian tới

Một là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thuận lợi và khó khăn, nội dung cơ bản các văn kiện Đại hội, nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm biện pháp cụ thể thực hiện các chỉ tiêu ngay sau Đại hội Đảng, cũng như sớm kiện toàn các cơ quan trong hệ thống chính trị của nhiệm kỳ mới. Mục tiêu, hệ chỉ tiêu cần đạt trong mỗi giai đoạn cần phải quán triệt sâu rộng, thiết thực, hiệu quả tới tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân, các cấp, các ngành trong cả nước. Lòng tin, sự kỳ vọng vào một giai đoạn mới, khát vọng phát triển là một động lực quan trọng để biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hành động cách mạng cụ thể. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phải dựa trên kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, có lộ trình, điều kiện đảm bảo và rõ trách nhiệm. Vì thế yêu cầu kiện toàn bộ máy lãnh đạo, các cơ quan trong hệ thống chính trị ngay từ đầu nhiệm kỳ là hết sức quan trọng để tổ chức thực hiện.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị xã hội của các cơ quan công quyền, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số trong điều kiện mới. Thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khi được hoàn thiện có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, giải phóng sức sản xuất xã hội, phát huy hiệu quả các đột phá chiến lược, các giải pháp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, xây dựng đội ngũ cán bộ công quyền chuyên nghiệp; đổi mới mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền, từng bước cụ thể hóa các mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số đứng trong nhóm 50 và môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới.

Ba là, tiếp tục thúc đẩy đi vào chiều sâu việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện mới. Cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lầ thứ tư ở Việt Nam phải được thực hiện quyết liệt, thực chất. Mô hình tăng trưởng phải hướng tới năng xuất, sức cạnh tranh dựa trên khoa học và công nghệ. Do vậy, đẩy nhanh phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới. Cần cơ cấu lại đầu tư theo các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên, nhất là các chỉ tiêu có tính động lực, phản ánh chất lượng tăng trưởng. Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia hiện đại, đảm bảo hiệu  quả hoạt động, năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bốn là, trong điều kiện mới, việc thực hiện các chỉ tiêu phục vụ mục tiêu phát triển phụ thuộc rất nhiều vào khoa học, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực, các lĩnh vực văn hóa, xã hội con người. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế, có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đó là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn, lý luận chính trị. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, quản lý xã hội. Tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, gắn đào tạo với sử dụng, đặc biệt là những lĩnh vực, mục tiêu đất nước ưu tiên..Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn trong gia đình, nhà trường và xã hội. Nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe cho người dân. Phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong thực hiện các chỉ tiêu phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Việc giảm dần các chỉ tiêu pháp lệnh trong thiết kế mô hình phát triển là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, điều này cũng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Do đó vai trò lãnh đạo, định hướng của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các cấp ủy Đảng căn cứ theo chủ trương chung, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp phải có chương trình hành động cụ thể, nâng cao hiệu quả quản trị công, xây dựng bộ máy công quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả; huy động các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực ngoài ngân sách. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu, các mục tiêu cũng như xử lý kịp thời các vấn đề đặt ra trong thực tiễn./.

PGS.TS Phạm Văn Linh
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

    

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB CTQGST.H. 2021. Tr 112

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB CTQGST.H. 2021. Tr 114

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất