Thứ Bảy, 12/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 30/8/2011 16:48'(GMT+7)

Trò chơi nguy hiểm

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra

Như vậy, sau thời gian im hơi lặng tiếng, tin tức về ông Thaksin lại xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, minh chứng những đồn đoán cho rằng ông Thaksin vẫn còn tham vọng trở lại Thái Lan nắm quyền điều hành. Tuy khẳng định không can dự vào chính trường nhưng ông lại đến Nhật Bản để thảo luận về việc khắc phục hậu quả thảm họa kép, củng cố quan hệ thương mại giữa Tokyo và Bangkok. Các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Nhật Bản của ông Thaksin chứng tỏ ông rất khao khát đánh bóng hình ảnh, cũng như muốn thể hiện tính hợp pháp trong các hoạt động của mình trên sân khấu chính trị quốc tế. Do có quá nhiều phản đối, chuyến công du lẽ ra phải được thực hiện trước chuyến thăm Nhật Bản là Campuchia bị buộc phải hủy bỏ.

Dư luận và phe đối lập khó chấp nhận việc ông Thaksin thăm Campuchia và gặp Thủ tướng Hunsen trước bất kỳ phái đoàn chính thức nào của chính phủ Thái Lan. Reuters nhận định, những động thái của ông Thaksin đang gây khó khăn cho những nỗ lực của chính phủ mới nhằm thu phục sự tín nhiệm của người dân trong chính sách dân túy. Sự nghiệp chính trị của bà Yingluck cũng sẽ gặp nhiều rủi ro vì anh trai của mình. Những ngày qua, báo chí Thái Lan đang gia tăng áp lực cho Thủ tướng Thái khi đặt nghi vấn về việc bà Yingluck đang tạo điều kiện thuận lợi để đưa ông Thaksin trở lại Thái Lan.

Chuyên gia nghiên cứu chính trị Thái Lan Michael Montesano ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng ông Thaksin đã hành động quá nóng vội, hấp tấp khi thực hiện một “trò chơi chính trị hết sức nguy hiểm”. Việc ông Thaksin sốt sắng thực hiện các chuyến thăm nước ngoài có thể là một nỗ lực nhằm xây dựng lại hình ảnh và gửi thông điệp tới người dân Thái Lan rằng ông là người vô tội và ông không bị cộng đồng quốc tế kết án. Điều này có thể làm giảm áp lực phản đối nếu ông muốn quay trở về Thái Lan. Nhưng nếu ông Thaksin đi quá giới hạn và vẫn tiếp tục tìm cách tác động đến cách điều hành đất nước của Thủ tướng Yingluck sẽ dẫn đến sự xung đột chính trị mới. Hậu quả, chính phủ của bà Yingluck có thể sớm bị sụp đổ. Điều này đã từng xảy ra trong bài học năm 2008, khi em rể của ông Thaksin, ông Somchai, đắc cử thủ tướng. Dưới sức ép của làn sóng bạo động từ phe áo vàng, ông Somchai, người được cho là chịu nhiều sự tác động của ông Thaksin bị buộc phải từ chức.

Có thể thấy dù đã 6 năm phải sống lưu vong, tác động của ông Thaksin lên chính trường Thái vẫn không suy giảm. Ảnh hưởng của ông Thaksin vẫn bao trùm lên toàn bộ quá trình bầu cử tại Thái Lan vừa qua. Tuy nhiên, khát vọng quay trở lại con đường chính trị của vị cựu thủ tướng từng được mệnh danh là “người hùng” trong quá khứ này quá lớn, tới mức khiến ông dường như quên mất những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với xứ Chùa Vàng, quốc gia đang rất cần hòa giải và ổn định dân tộc sau nhiều biến động chính trị.

(Theo: Thanh Hằng/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất