Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 24/5/2010 21:53'(GMT+7)

Trọng tài viên - Ưu tiên người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo tại Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo tại Quốc hội

Chiều 24/5 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trọng tài thương mại.

Dự thảo Luật Trọng tài Thương mại gồm 13 chương. Việc ban hành Luật Trọng tài Thương mại là cần thiết, nhằm thay thế những quy định không còn phù hợp của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003, tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp thương mại một cách nhanh chóng, đơn giản và bảo đảm bí mật kinh doanh, góp phần tạo sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, các thương nhân nước ngoài.

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Trọng tài Thương mại, các đại biểu tập trung vào những vấn đề như: Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài; Quản lý Nhà nước về trọng tài; Phạm vi trách nhiệm, tiêu chuẩn của trọng tài viên.

Trung tâm Trọng tài - nơi đào tạo, bồi dưỡng Trọng tài viên

Đại biểu Võ Thị Thuý Loan (đoàn Tiền Giang), Lê Văn Tâm (đoàn Cần Thơ) cho rằng: Trong dự thảo Luật nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài Thương mại giải quyết cả các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Không nên phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự, trừ một số tranh chấp liên quan đến các quyền nhân thân, quan hệ hôn nhân và gia đình, thừa kế, phá sản, bất động sản.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Việt Hưng (đoàn Hoà Bình) nêu ý kiến: Theo Luật mẫu về Trọng tài Thương mại Quốc tế của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế thì phạm vi điều chỉnh cũng chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài giải quyết cả các tranh chấp về dân sự mà chỉ giới hạn thẩm quyền của Trọng tài Thương mại giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005.

Trong dự thảo Luật Trọng tài Thương mại, cần quy định rõ sự quản lý Nhà nước về trọng tài. Đó là ý kiến của đại biểu Cao Ngọc Xuyên (đoàn Bạc Liêu). Đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn chức năng của Bộ Tư pháp và bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về trọng tài của cơ quan tư pháp địa phương giúp Bộ Tư pháp quản lý hoạt động trọng tài trên địa bàn. Ngoài ra, Bộ Tư pháp không nên kiêm nhiệm chức năng bồi dưỡng, đào tạo trọng tài viên mà giao cho các Trung tâm trọng tài hoặc Hiệp hội trọng tài.

Chia sẻ về quan điểm này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP HCM) nêu ý kiến: Không nên quy định chức năng tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên cho Bộ Tư pháp mà Bộ Tư pháp chỉ thực hiện chức năng “hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng Trọng tài viên”. Việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên giao cho Trung tâm trọng tài. Quy định như vậy vừa phù hợp với thực tiễn hoạt động của Trọng tài vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và tính chất của Tổ chức trọng tài. Các Trung tâm trọng tài, Hiệp hội trọng tài là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức này được toàn quyền tự chủ trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên cho tổ chức mình.

Không nên đặt ra tiêu chuẩn “cứng nhắc” đối với Trọng tài viên

Trong dự thảo Luật Trọng tài Thương mại có đề cập đến việc trọng tài viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài; phải qua lớp bồi dưỡng đào tạo Trọng tài viên; trường hợp Trọng tài viên không có bằng đại học Luật thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài; tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật và thương mại đối với Trọng tài viên; tiêu chuẩn đạo đức của Trọng tài viên…

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) cho rằng: Dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chuẩn cơ bản để một người có thể trở thành Trọng tài viên. Đối với những tiêu chuẩn khác thì nên để các Trung tâm trọng tài quy định để bảo đảm tính cạnh tranh và linh hoạt của mỗi Trung tâm trọng tài.

Đại biểu Võ Thị Thuý Loan (đoàn Tiền Giang), Trần Việt Hưng (đoàn Hòa Bình) cũng cho rằng: Hoạt động trọng tài có tính đặc thù là các tranh chấp xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể có những lĩnh vực rất mới, không phải ai cũng có trình độ và có am hiểu sâu. Trong khi đó những người được các bên chọn để giải quyết tranh chấp cho họ phải là những người có uy tín, có kinh nghiệm chuyên sâu đối với lĩnh vực mà các bên tranh chấp yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ có thể không có trình độ đại học nhưng lại là những người được thừa nhận có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có trình độ chuyên môn cao trong một lĩnh vực cụ thể được Trung tâm trọng tài và các bên lựa chọn làm Trọng tài viên. Đây là những trường hợp đặc biệt, vì vậy Luật này cũng cần quy định cho phép họ được chọn làm Trọng tài viên, không nên đưa ra yêu cầu “cứng nhắc” đối với Trọng tài viên

Trọng tài viên là người do các bên lựa chọn để giải quyết vụ tranh chấp. Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, trọng tài viên một mặt phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, mặt khác phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm công bằng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Sáng mai (25/5), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất