(TCTG)- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, việc đổi mới kiểm tra đánh giá cần đặt trọng tâm vào giáo dục và kiểm tra kỹ năng sử dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống cụ thể, thực tế của học sinh, nhằm tăng tính thực tiễn, kích thích lòng say mê học tập của người học. Một trong những mục tiêu quan trọng cần đạt được là xây dựng "xã hội học tập suốt đời," theo đó giáo dục chính qui phải dạy cho học sinh cách tự học, làm cho học sinh thích học, biết cách học
Ngày 6/8, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên năm 2012-2013, nhằm tổng kết năm học 2011-2012 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2012-2013 gắn liền với mục tiêu xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh hơn nữa sự góp sức của toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, đại diện các vụ, lãnh đạo các sở, ngành của 63 tỉnh thành cùng hơn 200 đại biểu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường đã tham dự hội nghị.
Thành tích nổi bậc của năm học vừa qua là bậc giáo dục trung học thực hiện tốt chương trình và kế hoạch giáo dục, thực hiện tốt việc tinh giảm nội dung dạy học, dạy học 2 buổi/ngày được chú trọng, tiếp tục cải tiến giáo dục ngoại ngữ, không ngừng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Năm học 2011-2012 cả nước có 25% trường trung học cơ sở và 14% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Mạng lưới giáo dục thường xuyên ngày càng được củng cố, phát triển về quy mô và hoạt động có hiệu quả với nhiều chức năng, nhiệm vụ. Chất lượng dạy và học được chú trọng nâng cao từ việc trang bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị giáo dục đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về chuyên môn và phương pháp giáo dục. Công tác quản lý, chỉ đạo từ Bộ đến địa phương đổi mới kịp thời và sát hợp với thực tiễn. Ngành giáo dục thực hiện tốt việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành. Công tác xây dựng xã hội học tập luôn được duy trì và thực hiện nghiêm túc.
Cả nước hiện có hơn 700 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, huyện (chiếm hơn 91% tổng số huyện thị) và gần 11.000 trung tâm học tập cộng đồng, tăng gần 140 trung tâm. Năm học vừa qua, cả nước đã đầu tư xây dựng mới thêm hơn 330 phòng học kiên cố (trung bình 5 phòng/trung tâm), mua sắm hơn 1.100 máy vi tính (trung bình 1 máy/trung tâm).
Nhiều tỉnh đã kết nối 100% Internet cho trung tâm giáo dục thường xuyên như Hòa Bình, Quảng Trị, Đắk Nông... Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học được tăng cường và có hiệu quả hơn trước. Hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên đã chuyển dịch theo hướng đa chức năng. Cụ thể là mỗi huyện có một trung tâm thực hiện đồng thời nhiều chức năng, đa dạng hóa nội dung học tập, trong đó 283 trung tâm giáo dục thường xuyên và 359 trung tâm có chức năng ghép.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, việc đổi mới kiểm tra đánh giá cần đặt trọng tâm vào giáo dục và kiểm tra kỹ năng sử dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống cụ thể, thực tế của học sinh, nhằm tăng tính thực tiễn, kích thích lòng say mê học tập của người học. Một trong những mục tiêu quan trọng cần đạt được là xây dựng "xã hội học tập suốt đời," theo đó giáo dục chính qui phải dạy cho học sinh cách tự học, làm cho học sinh thích học, biết cách học.
Giáo dục không chính qui phải đáp ứng nhu cầu học tập phong phú, đa dạng cho nhiều người học. Một trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng phải đảm nhiệm nhiều chức năng, nhiệm vụ, mở rộng giáo dục cả dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp hay tổ chức ôn luyện thi đại học, tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi học tập về các vấn đề văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật...
Hội nghị đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Nguyễn Vinh Hiển và có kế hoạch tích cực triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên ở địa phương. Cụ thể là tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, tăng cường đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, “trường học thân thiện - học sinh tích cực,” hướng tới giáo dục mở, nhà trường mở, chú trọng hơn nữa trong việc đổi mới kiểm tra đánh giá đối với giáo dục trung học. Phát động, chủ động nghiên cứu khoa học toàn ngành trong đó chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về phương pháp nghiên cứu khoa học./.
TH tổng hợp