Thứ Tư, 11/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 29/5/2023 14:22'(GMT+7)

"Trọng" và "dụng"

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Mừng quá ông ạ, tỉnh mình vừa ra văn bản “chiêu hiền, đãi sỹ”, thu hút nhân tài về làm việc. Thấy bảo chế độ lương, đãi ngộ sẽ tốt hơn. Hy vọng bộ mặt tỉnh nhà vài năm nữa thay đổi, tôi với ông ngồi thưởng thức chén trà cũng thấy vui!

- Phải đợi thực tế để xem thế nào, nói vậy chứ đôi khi làm không vậy!

- Thì cứ phải có chủ trương, chính sách, rồi mới chiêu dụ được nhân lực chất lượng chứ ông. Thế đã là “Nói đi đôi với làm rồi còn gì". Lãnh đạo tỉnh lên truyền hình phát biểu, kêu gọi. Các cơ quan, đoàn thể đều có kế hoạch tuyển dụng, thu hút. Giờ chỉ đợi tin vui bay về. Tự hào là tỉnh nhà cũng nhiều chuyên gia, kỹ sư lành nghề, sinh viên, học sinh du học đang bôn ba khắp nơi cả… Giờ tụ được về quê hương góp sức chẳng là hỉ sự hay sao?

- Nói thật, tôi mới chỉ mừng nửa thôi. Chính sách, chủ trương suy cho cùng cũng mới chỉ là vế “trọng”, còn vế “dụng” ý là khi nhân tài về, ta “dùng” như thế nào mới là chuyện phải bàn. Đâu chỉ là vấn đề cơ chế đãi ngộ, mà còn là chuyện nguồn nhân lực chất lượng ấy sẽ “chạy” ra sao. Chứ tuyển tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư về để ngồi bàn giấy, để bưng nước, pha trà, để chạy đi photo văn bản này, sửa chữa cái máy in kia, “vâng vâng, dạ dạ”… thì e rằng, phần lớn các em, các cháu lại “quay xe” đi ông ạ.

Câu chuyện bàn trà của hai ông bạn già, hóa ra lại không “gói gọn” ở tỉnh nhà, mà âu cũng là chuyện của bất kỳ địa phương, cơ sở, ban, ngành nào. Vì “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nên “trọng dụng người tài” luôn được xác định là công việc quan trọng đặc biệt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài

Thế nên, mới nói, “trọng” nhân tài thể hiện cái tâm của người làm lãnh đạo, còn việc “dụng” sao cho “khéo” lại thể hiện cái tầm. Từ chỗ “khéo lựa chọn” để tìm cho được người tài, mà tài thật, chứ không phải tài “chém gió”, tài nịnh nọt, xun xoe; đến chỗ “khéo phân phối” cốt sao đặt người tài vào đúng lĩnh vực chuyên môn, sở trường, tránh đặt chéo ngoe, khéo mà thành “bảo thợ rèn đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao”; và “chốt hạ” lại ở “khéo dùng” để khỏi lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nói “khéo dùng” ở đây là muốn nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện cũng như môi trường thuận lợi nhất để có thể nuôi dưỡng, chăm sóc, bồi đắp, phát triển và hoàn thiện các năng lực và phẩm chất của người tài. “Khéo dùng” còn đòi hỏi người  lãnh đạo phải công tâm, trân trọng tài năng, phải biết lắng nghe những phản biện, tranh luận, thậm chí cả “trung ngôn nghịch nhĩ”. Có thế, người tài mới phát huy hết tâm sức, trí lực để cống hiến, phụng sự cho đất nước, phục vụ nhân dân.

Chứ còn, đâu đó, ở địa phương này, hùng hồn tuyên bố “trọng dụng người tài” nghe rõ “kêu”, nhưng khi “có trong tay” lại nảy “bệnh” hẹp hòi, định kiến, đố kị, bè phái để thể hiện uy quyền, đe nẹt. Trước mặt, ra vẻ “lắng nghe” ý kiến người tài góp ý rất dân chủ, rồi lại “sổ toẹt” quay lưng, cốt chỉ dùng người “phe mình”, “phái mình”, cơ hội, xu nịnh, ngoan ngoãn, dễ bảo nhưng bất tài. Cứ vậy, nên người tài đến lại đi như “lá rụng mùa thu” mà thôi!

Ngẫm ra, “trọng” nhưng phải “dụng” người tài là vì thế!

Song Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất