Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 10/3/2023 13:42'(GMT+7)

Quy rõ trách nhiệm người ban hành "văn bản trên trời"

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Nhiều người dân và ngành y tế hẳn vẫn đang vui vì những vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho công tác đấu thầu, mua sắm bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư phục vụ khám, chữa bệnh đã được tháo gỡ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP. Điều đó cho thấy, Chính phủ rất quan tâm, cầu thị lắng nghe, tiếp thu và kịp thời điều chỉnh văn bản chỉ đạo, điều hành cho phù hợp với thực tế thông qua góp ý của người dân, dư luận. Trái lại, vẫn còn tình trạng bộ, ngành, địa phương thờ ơ và trông chờ, ỷ lại vào chỉ đạo của trên trong tiếp thu, sửa đổi quy định tréo ngoe tại văn bản do chính các cơ quan, đơn vị này ban hành.

Văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế, chỉ một chi tiết "có sạn" cũng có thể gây tác hại vô cùng lớn. Nó gây ra nhiều phản ứng tiêu cực, xáo trộn trong đời sống xã hội; làm lãng phí tiền của của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; ảnh hưởng tới ý thức tuân thủ và thực hiện pháp luật của người dân. Nhưng sâu xa và nguy hiểm hơn, nó làm xói mòn niềm tin của người dân vào trình độ, năng lực, hiệu quả điều hành của chính quyền và sự lãnh đạo của Đảng.

Đáng tiếc là hằng năm vẫn có không ít văn bản như thế này được ban hành. Nguyên nhân vì đâu, làm thế nào để hạn chế?

Trước hết, nó cho thấy việc thực hiện không nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan. Đồng thời phản ánh trình độ, năng lực yếu kém của một bộ phận cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cùng thói làm việc vô trách nhiệm, máy móc, không sâu sát thực tế theo kiểu “đút chân gầm bàn ban hành chính sách”.

Cùng với đó còn là sự dễ dãi, hời hợt của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đáng trách hơn, khi người dân, dư luận lên tiếng phản ánh lại chậm kiểm tra, thiếu cầu thị, không chủ động báo cáo, đề xuất sửa đổi, tháo gỡ.

Nguyên nhân nữa khiến thực trạng này còn tồn tại là rất ít thấy cơ quan, cá nhân liên quan bị xử lý trách nhiệm dù đã có quy định về việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Để không còn những văn bản “trên trời” gây khó khăn, làm phiền người dân thì quá trình xây dựng, thẩm định, cán bộ và cơ quan thực hiện phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời phải công khai, minh bạch, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân và tổ chức liên quan, chịu tác động; quy rõ trách nhiệm đối với cán bộ tham mưu, thẩm định, thẩm tra, trình ban hành, thông qua văn bản. Từ đó có cơ sở biểu dương cá nhân, cơ quan làm tốt việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xác định rõ tính chất, mức độ và xử lý nghiêm cá nhân, cơ quan để xảy ra sai phạm trong các khâu theo đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng nhắc nhở, phê bình chung chung. Khi phát hiện bất cập hoặc có ý kiến của người dân, dư luận cần chủ động, kịp thời xử lý, nhất là với những văn bản trái pháp luật về nội dung ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội./.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất