Để mỗi hội thi không rơi vào hình thức, lãng phí, thực sự là sân chơi, diễn đàn bổ ích cho cán bộ, đảng viên, quần chúng thì nhất thiết cấp có thẩm quyền phải tính toán thật kỹ mục đích, ý nghĩa của mỗi hoạt động này. Cơ quan chức năng chỉ nên tổ chức ngày hội tranh tài khi thực sự cần thiết, ở những thời điểm phù hợp, chứ không nên vận hành tràn lan ở mọi cấp, mọi ngành.
Hằng năm, trên phạm vi cả nước thường diễn ra nhiều cuộc thi, hội thi (viết chung là hội thi) với đủ các loại hình, quy mô, cách thức. Từ hội thi cấp cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh, rồi cấp toàn ngành, toàn quốc; từ thi trực tiếp đến thi trực tuyến, thi viết, thi thuyết trình...
Không khó để nhận thấy, những hội thi mang tính kỳ cuộc, “đến hẹn lại lên” ấy diễn ra với tần suất dày đặc, quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng rộng, số người tham gia thường là năm sau cao hơn năm trước.
Tất nhiên, mục đích, ý nghĩa tốt đẹp mà những hội thi mang lại là điều không thể bàn cãi. Thế nhưng, xung quanh chuyện tổ chức, vận hành thì vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở. Có hội thi tổ chức rầm rộ, quy mô hoành tráng, kinh phí đầu tư lớn, nhưng cuối cùng thì cái đạt được vẫn chỉ là việc "điểm thêm" một sự kiện hoạt động để rồi "khi xong xuôi tất cả lại về".
Đáng bàn là hầu hết hội thi đều tiêu tốn những khoản kinh phí khá
lớn. Trong khi, chính hoạt động này đang gây ra nhiều lãng phí không
đáng có cả về mặt thời gian, tiền bạc và con người. Ban chỉ đạo, ban tổ
chức thì mất thời gian chuẩn bị, huy động nhân lực, vật lực, kinh phí
nhằm bảo đảm sự vận hành đạt hiệu quả. Thí sinh tham gia thì buộc phải
tạm gác việc chuyên môn, đầu tư thời gian, trí tuệ, công sức luyện tập,
bồi dưỡng phương pháp và kinh nghiệm dự thi. Thậm chí, có nơi do tâm lý
“kém miếng khó chịu” mà thuê thầy giỏi, chuyên gia hay về hướng dẫn, bồi
dưỡng, tìm mọi cách "nuôi gà chọi" hoặc "thuê gà chọi" hòng đi săn
giải, giật giải... Cũng bởi thế, nhiều hội thi hiện nay không còn giữ
được ý nghĩa cổ vũ, khích lệ phong trào mà đã bị thương mại hóa, trở
thành “đấu trường” để cạnh tranh lẫn nhau.
Tốn kém và lãng phí là vậy, nhưng thành công và ý nghĩa của nhiều hội
thi cũng chỉ dừng lại ở sự "tự đánh giá" của những người làm công tác
chỉ đạo và tổ chức; hay được minh chứng ở những giải thưởng, chứng nhận
và sự vinh danh trong thoáng chốc dành cho các thí sinh. Nhiều kết quả,
sản phẩm của hội thi dù được đầu tư công phu, tốn kém nhưng hoàn toàn
không có giá trị sử dụng trên thực tế, đành phải xếp gọn vào các ngăn
lưu trữ, trưng bày.
Để mỗi hội thi không rơi vào hình thức, lãng phí, thực sự là sân
chơi, diễn đàn bổ ích cho cán bộ, đảng viên, quần chúng thì nhất thiết
cấp có thẩm quyền phải tính toán thật kỹ mục đích, ý nghĩa của mỗi hoạt
động này. Cơ quan chức năng chỉ nên tổ chức ngày hội tranh tài khi thực
sự cần thiết, ở những thời điểm phù hợp, chứ không nên vận hành tràn lan
ở mọi cấp, mọi ngành. Đặc biệt, phải bằng mọi giá khắc phục được thực
trạng do có quá nhiều hội thi mà gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả và
mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của từng cơ quan, đơn vị,
địa phương...
Thực tế cho thấy, kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức các hội thi là không hề nhỏ. Bởi thế, nhiều cán bộ, đảng viên cho
rằng: Nếu quyết liệt "tinh giản hội thi" và hạn chế sự lãng phí trong
công tác tổ chức thì chắc chắn Trung ương và cơ quan chức năng liên quan
sẽ tiết kiệm được một nguồn kinh phí rất lớn phục vụ công cuộc phát
triển đất nước, hoặc chi cho các hoạt động có ý nghĩa thiết thực hơn./.
MINH MẠNH (qdnd.vn)