Ninh Thuận là nơi đồng bào Chăm tập trung đông nhất cả nước, là nơi còn
lưu giữ khá đậm nét và đa dạng bản sắc văn hóa cộng đồng người Chăm.
Từ ngày 23/7 - 30/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ
chức trưng bày chuyên đề “Làng nghề truyền thống người Chăm Ninh Thuận”
nhằm giới thiệu tới công chúng những nét tiêu biểu của làng nghề truyền
thống người Chăm Ninh Thuận.
Ninh Thuận là nơi đồng bào Chăm tập trung đông nhất cả nước, là nơi còn
lưu giữ khá đậm nét và đa dạng bản sắc văn hóa cộng đồng người Chăm.
Nghề truyền thống của người Chăm được biết đến rất nhiều nhưng đã mai
một dần, hiện nay chỉ còn nghề làm gốm, nghề dệt và một số làng làm nghề
thuốc Nam được người Chăm giữ gìn và phát triển.
Với 29 hình ảnh và 184 hiện vật cùng nhiều tài liệu khoa học, chuyên đề
đã giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống
tiêu biểu của người phụ nữ Chăm tỉnh Ninh Thuận, qua đó làm nổi bật vị
trí và vai trò của người phụ nữ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị
văn hóa truyền thống dân tộc Chăm.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Nam bộ, cho biết trong văn
hóa truyền thống của dân tộc Chăm, người phụ nữ đóng một vai trò quan
trọng trong gia đình, dòng tộc, trong đời sống lao động sản xuất. Nền
văn hóa đó bao gồm các nghề truyền thống được người phụ nữ Chăm giữ gìn
và trao truyền bao đời nay. Những người phụ nữ Chăm vẫn luôn nắm vai trò
thiết yếu trong việc điều hành sản xuất của các làng nghề, là nhân tố
chính để tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc.
Thông qua trưng bày chuyên đề, Ban tổ chức mong muốn sẽ giới thiệu đôi
nét về làng nghề truyền thống của người Chăm trong tổng thể văn hóa Chăm
tới đông đảo tầng lớp nhân dân thành phố, du khách trong nước cũng như
bạn bè quốc tế./.
(TTXVN)