Thời gian gần đây, một số sự vụ liên quan "đạo văn" bị phát giác và công bố trên báo chí đã thu hút sự chú ý của dư luận. Trên thực tế, nếu sau khi bị phát giác đã có tác giả buộc phải xin từ chức thì với nhiều sự vụ còn lại, nếu không rơi vào im lặng thì cũng được giải thích là kế thừa, sưu tầm! Trong tiếng Việt, sưu tầm, kế thừa, đạo văn là những khái niệm dùng chỉ các công việc hoàn toàn khác nhau.
Riêng về mặt tinh thần, "đạo văn" liên quan trực tiếp tới đạo đức của tác giả và tất nhiên, không mang ý nghĩa lành mạnh. Vậy mà vẫn có người vẫn lẫn lộn (cố tình lẫn lộn?) giữa sưu tầm, kế thừa với đạo văn, để rồi một số khuất tất trong một số bài báo, một số công trình nghiên cứu vẫn tồn tại?
Xưa nay, việc sưu tầm tài liệu phục vụ cho một công việc biên khảo, một chủ đề nghiên cứu vốn là thao tác rất bình thường, tác giả nghiêm túc, bao giờ cũng cẩn trọng ghi chú nguồn gốc tư liệu, từ tên tuổi tác giả, tên tác phẩm, tới thời điểm xuất bản, địa điểm sưu tầm... Trong công trình nghiên cứu, việc ghi chú rõ nguồn gốc tài liệu trở thành một nguyên tắc bắt buộc, sẽ là phi khoa học nếu một tác giả không đưa trích dẫn vào trong ngoặc kép hoặc không ghi chú xuất xứ. Nguyên tắc này chi phối cả việc dẫn lại các danh ngôn, những câu triết lý sâu sắc, ngắn gọn... của một tác giả cụ thể, nhất là những câu nói của người nổi tiếng như triết gia, chính khách, trí thức, nghệ sĩ. Thậm chí, một phương ngôn, một thành ngữ, tục ngữ... là tài sản tinh thần của một cộng đồng nào đó cũng cần được ghi chú tỉ mỉ, cẩn trọng. Nếu như có thể coi việc sưu tầm tài liệu là công việc ít nhiều dễ phân định, thì vấn đề kế thừa lại khá phức tạp, đôi lúc có người quy việc kế thừa về một khái niệm rất uyển chuyển, là... chịu ảnh hưởng! Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, việc chịu ảnh hưởng thể hiện khá rõ qua sự gần gũi giữa các nhà khoa học, nhà văn trong xu hướng nghiên cứu hoặc sáng tác, cách thức đặt vấn đề, phương thức tiếp cận đối tượng, sử dụng hệ thống lý thuyết công cụ,... Và sự gần gũi này dù sâu sắc đến đâu thì kết quả nghiên cứu hoặc tác phẩm của tác giả cụ thể vẫn giữ vai trò quyết định. Như vậy, đồng nhất các khái niệm sưu tầm, kế thừa với "đạo văn" chỉ là ngụy biện, bất chấp thực tế về nội hàm cũng như về sự vận hành; sưu tầm và kế thừa mang bản chất hoàn toàn đối lập với "đạo văn". Bởi bất luận thế nào thì "đạo văn" bao giờ cũng là hành vi phi đạo đức, bởi lấy tài sản tinh thần của người khác làm tài sản của mình là không thể chấp nhận. Ðáng tiếc là, trong đời sống học thuật và sáng tác văn chương ở Việt Nam gần đây, có tác giả không chỉ "đạo" một bài thơ, "đạo" một truyện ngắn để công bố, mà còn "đạo" cả công trình khoa học để in thành sách rồi phát hành công khai.
Nghiên cứu khoa học, sáng tác nghệ thuật là công việc của trí tuệ, không chỉ liên quan tài năng, mà còn liên quan đạo đức của người tiến hành công việc. Vì thế, mỗi tác giả cần phải xây dựng tinh thần lương thiện trí thức trở thành bộ phận cấu thành nên phẩm cách văn hóa của bản thân mình, từ đó góp phần vào quá trình nâng cao ý nghĩa, vai trò của khoa học, nghệ thuật đối với xã hội - con người./.
Nguyễn Hòa
(Nguồn: Nhân Dân)