Ông Đàm Văn Bông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu điều này giữa cuộc họp phiên tháng 6 của UBND tỉnh, trước rất nhiều đại diện của sở, ban, ngành trong tỉnh. Khi ông nói, đại diện của cơ quan tham mưu đã phải tròn mắt lắng nghe, bởi những dẫn chứng ông Chủ tịch đưa ra đều... đúng.
Cụ thể như, ông Bông cho rằng: Nếu gọi người dân “trông chờ” “ỷ lại” thì “ai” là những người đã hiến hàng trăm, hàng nghìn mét vuông đất để mở đường giao thông xây dựng nông thôn mới? “Ai” là người đóng góp hàng vạn ngày công để tạo sự khởi sắc từ đầu làng đến ngõ xóm...?
Ông Bông đặt ra hàng loạt câu hỏi để đi đến một kết luận không thể nào đúng hơn: Đó là người dân. Người dân hiến đất, góp công chứ các cán bộ ở đây đã có ai làm việc đó? Vậy nên đừng nói người dân “trông chờ”, “ỷ lại”, mà hãy nhìn vào chính mình.
Nhận xét của ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tại cuộc họp phiên được đánh giá “gãi đúng chỗ ngứa”, khi mà lâu nay, những biểu hiện khác nhau của căn bệnh “ỷ lại” đã “cháy âm ỉ” trong một bộ phận cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, gây bức xúc trong cộng đồng.
Chẳng nói đâu xa, chỉ trong nửa năm nay, người dân Hà Giang đã nhiều lần sửng sốt khi chứng kiến hàng loạt cán bộ trong tỉnh “ỷ” vào chức năng, nhiệm vụ được xã hội phân công để làm những điều trái khoáy. Đơn cử như việc hai chiến sĩ công an tỉnh sử dụng xe ô tô của đơn vị để chở gỗ quý. Hoặc, hai cán bộ hạt kiểm lâm Quản Bạ tiếp tay cho lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ nghiến đã bị công an bắt giữ. Hoặc việc 13 cán bộ công an, kiểm sát, tài chính, thậm chí có cả nguyên Chủ tịch UBND huyện Quang Bình đã “ỷ” vào công việc của mình để giúp các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa nguồn gốc cho 50 chiếc xe mô tô phân khối lớn...
Những sự việc bị phát hiện, bắt giữ tuy mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”, nhưng phần nào nói lên thực trạng đáng buồn. Tại một cuộc họp bàn về công tác bảo vệ rừng, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chua xót thừa nhận, đây là nỗi đau của địa phương. Bởi, không chỉ lâm tặc là những đầu nậu gỗ, mà còn có cả một số cán bộ công an, kiểm lâm, cán bộ thôn xã...
Và tai hại hơn, căn bệnh “ỷ lại” này không những không dừng lại mà còn có dấu hiệu cho thấy tốc độ lây lan, khi giữa thành phố Hà Giang gần đây xuất hiện hàng loạt ngôi nhà làm bằng gỗ quý của nhiều cán bộ cấp tỉnh, trong số này có cả ngôi nhà sàn được làm trên đất lúa.
Trước sự gia tăng số lượng nhà sàn một cách nhanh chóng, những người dân trực tính đã lắc đầu: Giữa lúc lãnh đạo tỉnh kêu gọi người dân bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng thì những ngôi nhà xa hoa ấy, muốn hay không, lại là minh chứng cho điều ngược lại.
Vậy nên, sau khi nghe Chủ tịch Bông “điểm mặt” ai ỷ lại, người dân cũng vẫn còn hy vọng, rằng khi đã bắt đúng bệnh, lãnh đạo địa phương sẽ bốc đúng thuốc để khép lại những dư âm buồn.