Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, trẻ em ngày càng được Ðảng, Nhà nước, xã hội và gia đình quan tâm, chăm sóc tốt hơn.
Trẻ em được chăm lo toàn diện về sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí, phát triển năng khiếu. Những trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, giúp đỡ để vươn lên trong cuộc sống. Trẻ khuyết tật được chăm sóc dưới nhiều hình thức, nhiều chương trình được triển khai hiệu quả như: phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật nụ cười, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học.
Tuy nhiên, xã hội càng phát triển, thì tình trạng trẻ em lang thang, vi phạm pháp luật, bị lạm dụng, xâm hại, bạo lực... lại có chiều hướng gia tăng. Do áp lực kinh tế, nhiều em phải làm việc xa gia đình, chủ yếu đi làm thuê cho các gia đình, nhà hàng, quán bar, có nguy cơ cao bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại và lạm dụng tình dục. Bạo lực ở học đường gần đây có xu hướng tăng, trở thành mối lo ngại cho gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội thụ hưởng các dịch vụ xã hội, thiếu các điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm. Do vậy, tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ học ở các vùng nghèo, vùng khó khăn còn rất cao.
Một bộ phận trẻ em khuyết tật vẫn chưa tiếp cận được giáo dục, chỉnh hình phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe và nhiều em vẫn sống trong cảnh nghèo khổ, nhất là nhóm trẻ em khuyết tật dạng thiểu năng trí tuệ, nghe, nhìn và mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh tim bẩm sinh, máu trắng... Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, cả nước hiện có hơn bốn triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em nghèo thuộc nhiều vùng, miền chưa được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Tất cả các em đều rất cần sự quan tâm giúp đỡ của gia đình và xã hội.
Ðể trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xóa đi mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể ở trung ương và các địa phương cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi, để các em được vui chơi và học tập. Việc thăm hỏi, tặng quà vào các ngày lễ, Tết, là sự động viên về tinh thần rất lớn đối với các em. Cùng với chính quyền và các cơ quan chức năng, rất mong mọi người trong xã hội có chung một tấm lòng nối vòng tay nhân ái, ủng hộ, giúp đỡ bằng nhiều hình thức như: tiền mặt, hiện vật, nhận đào tạo, đỡ đầu, cấp học bổng, hỗ trợ trang thiết bị học tập, sinh hoạt, vui chơi... để các em có hoàn cảnh khó khăn vơi đi nỗi đau, giảm bớt khó khăn và sự mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống.
NGỌC HIỀN (TP Hồ Chí Minh)
Nguồn Nhân Dân