Thứ Sáu, 4/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 7/10/2010 13:58'(GMT+7)

Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ- mái ấm của đồng bào Khmer

Trong cái nắng vàng rực rỡ của tháng 9, mặc dù đã chuẩn bị đến giờ nghỉ của ca học buổi sáng, thầy Hiệu trưởng Thạch Tịnh vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm quan cơ ngơi của Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ. Theo tay thầy chỉ, đây là khu nhà hiệu bộ của các thầy cô làm việc, kia là khu nhà học - thí nghiệm, rồi ký túc xá, nhà ăn và thư viện…tất cả tạo thành một khu liên hợp học đường với kiến trúc Khmer độc đáo. Ngay từ đầu giờ sáng, mọi người cũng đã rất háo hức và bất ngờ khi được ông Võ Thanh Hùng, Trưởng phòng văn hóa – văn nghệ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Sóc Trăng giới thiệu, khi vào thăm trường mọi người còn có cơ hội được chiêm ngưỡng chùa Khleang, một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở Sóc Trăng được xây dựng vào giữa thế kỷ 16. Chùa có bức tượng Phật ngồi trên đài sen cao 6,8 m đặt ở chính điện. Chùa Khleang đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Ngôi chùa và khu nhà học của Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ nằm kế bên như bổ trợ cho nhau với những nét kiến trúc đặc sắc của văn hóa Khmer. Chùa nằm trên một khoảnh đất rộng, không gian thông thoáng, chung quanh có nhiều cây xanh, tỏa bóng mát xuống khắp mặt sân, nhiều nhất vẫn là cây thốt nốt, dưới mỗi gốc cây có đặt những băng ghế đá dùng để nghỉ chân, tạo cho du khách một cảm giác hết sức thoải mái, mát mẻ sau khi tham quan mệt nhọc, nhất là cho các học viên của trường có những nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi, hoặc ôn luyện bài vở.

Vẫn theo lời của thầy hiệu trưởng Thạch Tịnh, ngay sau khi Chính phủ đồng ý cho tỉnh Sóc Trăng được thành lập Trường Bổ túc văn hoá Pali Trung cấp Nam bộ, tỉnh đã tiến hành giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng có ngay phương án, kế hoạch, trong đó trực tiếp quản lý, với nhiệm vụ vừa dạy bổ túc văn hoá, từ cấp I đến cấp III, vừa dạy chữ Pali và chữ Khmer nhằm đào tạo cán bộ người dân tộc Khmer trong khu vực đồng bằng Nam bộ. Với sự quan tâm của các cấp các ngành,Trường Bổ túc văn hoá Pali Trung cấp Nam bộ ngoài những quyền lợi được hưởng các chế độ như trường phổ thông dân tộc nội trú khác còn có những sự ủng hộ động viên vừa tinh thần, vừa là vật chất từ mọi nguồn, nhất là từ phía tỉnh Sóc Trăng. Từ chỗ chỉ có 4 phòng học, 1 phòng làm việc và 36 phòng ký túc xá từ những ngày đầu thành lập, đến nay trường đã có 44 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó dân tộc Khmer có 35 người. Đối với tăng sinh, từ khi mới thành lập cho đến nay trường đã mở được 16 khóa, tiếp nhận 823 học viên, từ lớp 6 đến 12.

Học viên của nhà trường được trang bị máy tính và tiếp cận
với internet (Ảnh: K.V)

Với nhiệm vụ đào tạo văn hóa cho các học viên là người Khmer, nội dung chương trình học tập của trường là dạy bổ túc văn hóa đến lớp 12. Thêm vào đó là dạy tiếng Việt và trình độ trung cấp tiếng Pali. Những học viên được nhận vào trường hầu như đã đạt đến trình độ văn hóa hết lớp 5. Hàng năm nhà trường tuyển sinh học viên là người Khmer thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực Tây Nam bộ. Đa số học sinh ở đây thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách.

Thầy giáo Thạch Ha, một giáo viên gắn bó có thâm niên với trường cho biết, mấy năm gần đây, số lượng học viên luôn tăng, tuy nhiên năm 2010 này trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh là 40, nhưng hiện nay mới được trên một nửa. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân do phong tục tập quán và đường sá xa xôi nên nhiều học viên đã ngại xa gia đình không muốn tới trường.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, học viên, nhà trường vẫn không ngừng nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả đào tạo. Trong số trên ba trăm học viên tốt nghiệp ra trường đã có 36 học viên tham gia giảng dạy ở 3 cấp là tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ngoài ra còn có 69 học viên tham gia công tác ở các cơ quan ban ngành như: Y tế, Báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình, Công an, Du lịch, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, Ban Dân vận. Nhà trường cũng có mười học viên đi du học ở các nước Myanmar, Thái Lan và 18 học viên đang theo học ở các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh.

Ban Giám hiệu nhà trường làm việc với Đoàn công tác Ban Tuyên giáo
Trung ương (Ảnh: K.V)

Luôn được sự quan tâm, chăm lo, đầu tư từ các cấp, các ngành trung ương tới địa phương, nhà trường được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng kiên cố, trên tổng diện tích hơn 5 ha, bao gồm các hạng mục chính: Nhà học thí nghiệm, nhà hiệu bộ, ký túc xá 3 tầng, nhà ăn, đường nội bộ… Sau hơn 2 năm khởi công xây dựng, mới đây trường đã được đưa vào sử dụng góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi và an tâm học tập cho các học viên là người Khmer. Sư Danh Nhân học viên của nhà trường đã xúc động nói, chúng tôi rất mừng vì trường đã khánh thành. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã xây dựng trường. Chúng tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt để ra trường góp sức bé nhỏ của mình vào dựng xây đất nước.

Có thể khẳng định, Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ chính là địa chỉ đầu tiên ở Nam bộ đào tạo các sư sãi, thanh niên người Khmer, góp phần đáng kể vào quá trình nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực cán bộ dân tộc cho các tỉnh, thành khu vực Nam bộ, đồng thời khắc phục được tình trạng sư sãi Khmer muốn học Trung cấp Pali phải sang Campuchia. Qua đây cũng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam./.

Theo CPV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất