Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 5/1/2011 20:45'(GMT+7)

Trưởng đại diện UNESCO: Tôi yêu tất cả các di sản của Việt Nam

Bà Ca-thơ-rin trong tà áo dài Việt Nam.

Bà Ca-thơ-rin trong tà áo dài Việt Nam.

Là người gắn bó với nhiều di tích của Việt Nam được công nhận là Di sản thế giới, bà Ca-thơ-rin cho biết, trong quãng thời gian làm việc ở Việt Nam, bà đã đi rất nhiều vùng miền của đất nước này như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Hà Giang và bà cũng may mắn được đến thăm tất cả các Di sản văn hóa thế giới mà Việt Nam có. Theo bà Ca-thơ-rin, các di sản ở Việt Nam rất đặc biệt. Đó là sự liên kết giữa vật chất-tâm linh và lịch sử. “Khi có mặt tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, tôi có thể tưởng tượng ra những quyền lực sức mạnh, quyền năng đã tồn tại và hiện diện ở địa điểm đó trong suốt 1000 năm cũng như những quyết định mà người ta đã đưa ra. Những quyết định đó làm đổi thay lịch sử của cả đất nước. Tương tự, khi đến Phong Nha-Kẻ Bàng, ngoài ngắm cảnh đẹp, người ta còn biết thêm rằng, trong thời chiến, những hang động ở nơi đây đã biến thành những bệnh viện dã chiến, chăm sóc và cứu sống các thương binh”. Bà Ca-thơ-rin cho rằng, khi đến thăm các di sản ở Việt Nam, người ta không chỉ đến đó, mà còn phải cảm nhận, giao tiếp, liên hệ với di sản. “Các di sản ở Việt Nam là sự hội tụ, tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Vì thế, thật là khó để nói tôi yêu nhất cái nào. Đúng hơn là tôi yêu tất cả”, bà Ca-thơ-rin chia sẻ.

Năm 2010, cùng với 82 bia đá ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám được ghi danh vào Di sản tư liệu thế giới, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Hội Gióng tiếp tục vinh danh với việc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa đại diện của nhân loại và Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Năm 2010 đã trở thành năm thành công của di sản Việt Nam, đặc biệt là di sản Hà Nội. Bà Ca-thơ-rin nhấn mạnh, UNESCO theo dõi rất sát sao sự phát triển của Hà Nội trong một thời gian dài, đặc biệt kể từ khi UNESCO trao cho Hà Nội danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" tới việc công nhận Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là di sản đúng vào dịp đất nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hiện nay, UNESCO vẫn còn một dự án đang thực hiện liên quan tới Hoàng thành Thăng Long với nguồn kinh phí tài trợ của Nhật Bản. Tuy nhiên, sự công nhận như vậy kéo theo cả vấn đề trách nhiệm vì như vậy những di sản đó đã trở thành di sản của thế giới”.

Nhấn mạnh việc UNESCO sẽ đồng hành với Việt Nam trong việc bảo tồn các di sản, bà Ca-thơ-rin cho rằng, UNESCO rất sẵn sàng giúp Việt Nam trong vấn đề quản lý di sản, đặt trọng tâm vào việc vừa phát triển du lịch, vừa bảo vệ được di sản. Vấn đề hàng đầu là làm sao cho những người dân ở địa phương có di sản đó được hưởng lợi từ việc di sản được công nhận. Phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng để người dân bảo tồn, giữ gìn phong tục, tập quán, bảo vệ hệ sinh thái vùng di sản mà UNESCO đã công nhận. UNESCO đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, báo cáo thường kỳ về tình trạng di sản.

Tuy nhiên bà Ca-thơ-rin cũng thừa nhận, hiện nay ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới vẫn còn hiện tượng trùng tu theo kiểu “đập đi xây mới” các di tích và đã bị báo chí cho rằng thiếu quy chuẩn quốc gia trong bảo tồn. “Chuẩn trong bảo tồn di sản có chuẩn quốc tế và chuẩn quốc gia. Nhưng rất tiếc là một số người không tuân thủ chuẩn đó. Tôi nghĩ, trách nhiệm của các nhà báo là phải vạch ra những trường hợp đó cho công luận biết. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xác lập bộ Quy chuẩn bảo tồn văn hóa ở Việt Nam. Hy vọng, bộ quy tắc và những quy chế đó sẽ được tuân thủ”, bà Ca-thơ-rin nhấn mạnh./.

(Linh Oanh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất