Thứ Năm, 28/11/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 10/3/2014 21:43'(GMT+7)

Muốn hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân thì chính sách bảo hiểm y tế phải thực sự hấp dẫn

Công bằng và thống nhất – nguyên tắc giúp Nhật Bản thực hiện thành công bảo hiểm y tế toàn dân

Mới đây, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm với các chuyên gia đến từ Nhật Bản - quốc gia sớm thành công trong việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân để trao đổi về những kinh nghiệm của đất nước này. Năm 1922, Nhật Bản bắt đầu có Luật Bảo hiểm y tế và thực hiện chương trình bảo hiểm y tế dành cho người lao động. Ở thời điểm đó, tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế mới chỉ đạt 3% dân số. Năm 1938, chương trình bảo hiểm y tế dựa trên cộng đồng được xây dựng. Và mặc dù trải qua chiến tranh, nhưng cả hai chương trình bảo hiểm y tế của Nhà nước dành cho người lao động và bảo hiểm y tế dựa trên cộng đồng đều có bước tiến lớn với việc đạt tỷ lệ bao phủ tới 70% dân số. Sau khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ Nhật Bản đã phát động chương trình bảo hiểm y tế toàn dân theo hướng dân chủ hơn, dựa trên nguyên tắc của sự công bằng và thống nhất. Theo đó, khung phí bảo hiểm, giá dịch vụ và các dịch vụ y tế đều nằm trong chương trình bảo hiểm y tế toàn dân, tức là bất cứ ai có bảo hiểm y tế thì đều nhận được cùng các dịch vụ y tế giống nhau. Trước khi có chương trình này, Nhật Bản có rất nhiều chương trình bảo hiểm y tế khác nhau và mỗi chương trình đó lại có các tiêu chí, điều kiện để cung cấp dịch vụ khác nhau.

Việc thực hiện chương trình bảo hiểm y tế toàn dân với nguyên tắc công bằng và thống nhất đã tạo điều kiện để Nhật Bản thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân với những đặc điểm nổi bật là: dựa trên nguồn thu từ phí bảo hiểm y tế nhiều hơn là chi trả từ tiền túi của người dân và thu thuế; nhóm dân cư dễ bị tổn thương được nhận bảo trợ xã hội mà không cần phải trả tiền túi; dịch vụ y tế được các bệnh viện, phòng khám công và tư cung cấp, trong đó, bệnh viện tư nhân chiếm đến 80% tổng số bệnh viện và 60% tổng số giường bệnh... Theo Nghị sỹ Nhật Bản, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ châu Á về Dân số và Phát triển Keizo Takemi, nguyên tắc công bằng và thống nhất chính là một trong những động lực quan trọng để Nhật Bản đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân sau 39 năm.

Chính sách bảo hiểm y tế phải thực sự hấp dẫn

Nguyên tắc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân của Nhật Bản có lẽ cũng khá gần gũi với nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, góp phần xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển của nước ta. Thực tế cho thấy, qua 20 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, nhất là sau gần 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Bảo hiểm y tế đã và đang từng bước thay thế cơ chế bao cấp trong khám, chữa, bệnh bằng việc Nhà nước tăng đầu tư ngân sách để hỗ trợ cho người dân, đồng thời huy động nguồn lực từ xã hội, người dân và cộng đồng tham gia bảo hiểm y tế. Người tham gia bảo hiểm y tế đã được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh, kỹ thuật y tế hiện đại, chất lượng hơn, được cung ứng thuốc khám, chữa bệnh, kể cả thuốc mới, hiệu quả. Hàng triệu lượt người đã vượt qua ốm đau và các căn bệnh mãn tính, nan y, hiểm nghèo nhờ có bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện, góp phần giảm mức chi trả từ tiền túi của người bệnh cho công tác chăm sóc sức khỏe.

Câu hỏi đặt ra là, với tính chất ưu việt và hiệu quả đã được chứng minh trong thực tiễn như vậy, tại sao việc hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân của nước ta lại vẫn là thách thức lớn?

Theo các đại biểu tham dự Tọa đàm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta chưa đủ mạnh để tạo đà đẩy nhanh lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Bởi lẽ, nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản thì cùng với nguyên tắc công bằng và thống nhất, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, Nhật Bản sớm thực hiện thành công mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân còn nhờ các điều kiện kèm theo như: thu nhập gấp đôi trong vòng 10 năm và thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo; các trụ cột an sinh xã hội đồng bộ; sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân... Trong khi đó, hiện nay, thu nhập nước ta vẫn ở mức thấp, mới đạt 2.000 USD/người/năm, năm 2020, dự kiến mức thu nhập là 3.000 USD/người/năm (vẫn thấp hơn thu nhập người dân Nhật Bản vào năm 1961 – thời điểm hoàn thành bảo hiểm y tế toàn dân). Mặt khác, tỷ lệ người nghèo ở nước ta vẫn từ 7,6% – 7,8%, cận nghèo 4% – 5%, tức là tỷ lệ hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Chưa kể, nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân ở mức độ hạn chế do tăng trưởng kinh tế  hiện đang giảm so với 10 năm trước đây...

Thực tế, sự phát triển KT-XH, nguồn lực đầu tư của Nhà nước có thể là một trong những rào cản khiến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân khó đạt được. Tuy nhiên, còn có những rào cản khác từ chính chính sách và việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Theo Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, sau 4 năm thi hành Luật Bảo hiểm y tế, chúng ta vẫn chưa xây dựng được cơ chế khuyến khích việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình nên chỉ người ốm mới mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế chưa được công khai, minh bạch. Chưa quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước và chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở địa phương. Tổ chức, quy hoạch hệ thống y tế chưa hợp lý, đầu tư nâng cấp y tế tuyến dưới chưa đủ mạnh; bộ máy làm công tác y tế ở tuyến huyện còn phân tán; bộ máy làm công tác bảo hiểm y tế chưa đáp ứng với nhiệm vụ mang tính chuyên nghiệp cao, phức tạp, giám định chi phí quỹ bảo hiểm y tế cho hàng nghìn loại bệnh, loại thuốc khác nhau nhưng lại thiếu công cụ chuẩn mực để phục vụ giám định trong điều kiện các bệnh viện thực hiện tự chủ và xã hội hóa để tăng nguồn thu. Chưa ban hành cơ chế điều hành quỹ bảo hiểm y tế theo hướng bảo đảm an toàn nhưng linh hoạt để đáp ứng kịp thời quyền lợi của người tham gia, phù hợp tính chất quỹ ngắn hạn và xử lý phần kết dư hàng năm hợp lý. Chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát chống lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế; chưa quy định phân tuyến chuyển tuyến kỹ thuật hợp lý; chưa có giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến xã, huyện...

Ai có thể bảo đảm rằng, những cái chưa này không làm cho 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế hiện nay thấy băn khoăn, thấy chẳng mặn mà gì với bảo hiểm y tế?

Việt Nam đã có bước đi khá dài trong lộ trình thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Nhưng rõ ràng, muốn đạt được mục tiêu này thì chính sách bảo hiểm y tế phải thực sự hấp dẫn. Phải làm cho mọi người dân đều thấy rõ tính chất ưu việt và hiệu quả của việc tham gia bảo hiểm y tế để tự nguyện tham gia, tự nguyện chia sẻ với cộng đồng và được cộng đồng chia sẻ lại khi bản thân không may bị ốm đau, bệnh tật. Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới cần khắc phục bằng được những cái chưa đã được chỉ rõ trong Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH. Đồng thời, cần cụ thể hóa các yêu cầu của QH trong Nghị quyết Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Trong đó có những yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao tính hấp dẫn của bảo hiểm y tế như, trước năm 2018, hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả, phù hợp với mức đóng và điều kiện KT-XH, thực hiện các biện pháp để bảo đảm thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương, triển khai mở rộng mô hình bác sỹ gia đình tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, hoàn thành việc liên thông hệ thống phần mềm công nghệ thông tin giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh nhằm cải tiến thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương và chuyển chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế...

Hoàng Ngọc
Theo Báo Đại biểu Nhân dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất