Cần quy định cụ thể một cơ quan đầu mối có trách nhiệm quản lý công tác an toàn thực phẩm
Lâu nay, 3 Bộ cùng tham gia quản lý VSATTP là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn với mặt hàng nông sản thực phẩm và Bộ Công thương liên quan đến mặt hàng thực phẩm nhập khẩu và chế biến, đóng gói sẵn. Nhiều ý kiến thảo luận trong tiến trình xây dựng Dự thảo Luật ATTP cũng đã nêu vấn đề quy định rõ “trách nhiệm quản lý đầu mối thuộc về ai”. Tại buổi thảo luận tổ, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (ĐB Thái Nguyên) cho rằng hiện có nhiều ngành tham gia quản lý an toàn thực phẩm nhưng mỗi ngành có phạm vi nhất định, vì thế dẫn đến tình trạng trách nhiệm lại chưa rõ, “Luật phải nói rõ được cái này thì mới quản lý được và đây là khâu khó nhất”.
Nhiều đại biểu băn khoăn không có một “tư lệnh” đúng nghĩa để quản lý và chịu trách nhiệm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) phát biểu: “Vấn đề lớn nhất là trách nhiệm trong quản lý nhà nước về VSATTP, luật chưa giải quyết được. Đọc tất cả các điều thì toàn nói chung chung, trách nhiệm không rõ ràng, không biết nắm ai”. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, liên quan tới quản lý VSATTP có ba nhóm gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất. Ông Thuận cho rằng, để quản lý có hiệu quả, luật phải có các quy định cụ thể về trách nhiệm của từng nhóm. “Cơ quan quản lý nhà nước thì quy định rõ Bộ Y tế phải làm gì và chịu trách nhiệm gì, Bộ Công thương làm gì và chịu trách nhiệm gì”... GS, Bác sĩ Trần Đông A (TPHCM) ví von: “Thịt sống thuộc trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, thịt chín thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, vậy loại thịt tái (thực phẩm chế biến bán thành phẩm) thì thuộc trách nhiệm quản lý của bộ nào”.
Theo nhiều đại biểu này, luật cần quy định rõ một đầu mối là Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ để thống nhất hành động và dễ truy trách nhiệm. Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) góp ý: “Phải phân định rõ các quá trình, công đoạn để có quy định và gắn trách nhiệm của từng cơ quan quản lý, không thể để luật nói Chính phủ thống nhất quản lý rồi phân cho các bộ. Ông nào cũng chịu trách nhiệm, cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm cả”. Ông Phát cho rằng phân công rõ trách nhiệm từng bộ nhưng luật phải quy định một “ông” là tổng chỉ huy và đề xuất: “Bộ Y tế là cơ quan tổng chỉ huy”. Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng của QH Lê Quang Bình chung quan điểm: “Thống nhất là để Bộ Y tế làm đầu mối giúp Chính phủ”.
Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), ngành y tế đang rất thiếu người nên nếu giao đầu mối về cho ngành y sẽ rất nặng cho ngành, họ chỉ có thể kiểm tra theo chiến dịch. Bà Khánh gợi ý: Nên chăng đầu mối quản lý nên để ngành Nông nghiệp?
Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đặt vấn đề, "liệu có nên giao cho Bộ KHCN, họ có một bộ phận làm về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hoặc có thể lập một ủy ban quốc gia quản lý vấn đề này vì an toàn thực phẩm còn liên quan đến giống nòi".
Còn ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lại đề xuất, nên chăng có một Ủy ban quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức theo ngành dọc và trực thuộc Bộ Y tế, làm cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chung và có thẩm quyền điều phối, kiểm tra tất cả các khâu thuộc sự quản lý của các bộ ngành khác? Uỷ ban này sẽ là nơi chịu trách nhiệm trực tiếp và cuối cùng.
Chế tài phải đủ sức răn đe, xử lý phải thống nhất
Những vấn đề bức xúc về VSATTP, theo các đại biểu, nguyên nhân quan trọng là pháp luật chưa nghiêm và nguồn nhân lực, vật lực vẫn còn quá thiếu. Luật cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà không nhất thiết phải chờ hậu quả xảy ra rồi xử lý. Theo đó, phải xác định được khâu nào là “thiếu an toàn nhất” trong chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu dùng để có thuốc “đặc trị” ngay từ khi thảo luận dự Luật này.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình (đại biểu tỉnh Long An) cho biết trong những năm gần đây các cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh nhưng chỉ dừng ở mức xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự. Ông lý giải, luật quy định người nào chế biến, cung cấp, buôn bán thực phẩm “mà biết rằng có thể gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, gây chết người thì mới bị xử lý hình sự”. Và như vậy, dĩ nhiên “những trường hợp mình bắt được thì người ta nói tôi đâu có ý thức được là sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây chết cho người khác, như vậy không xử lý hình sự được”.
ĐB Huỳnh Thành Lập (TPHCM) nhận định “Chưa thấy luật nêu cụ thể về việc kiểm tra, giám sát và chế tài đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trên rau xanh. Mà nếu có chế tài thì trung ương chỉ nên định khung, giao cho địa phương quy định mức phạt cụ thể, chứ nếu mức phạt như tại TPHCM bằng với tại Hà Giang chẳng hạn, thì e không đủ sức răn đe”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng chế tài vẫn còn nương nhẹ, chưa chỉ ra được bất cập nhất hiện nay để điều chỉnh, kiến nghị xử lý thật nghiêm cơ sở sản xuất, nuôi trồng vi phạm chứ không nên chế tài với người tiêu dùng, bởi có thể do dân chưa hiểu biết hoặc vì nghèo khó mà mua phải thực phẩm không an toàn.
ĐB Nguyễn Huy Cận, Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) đề nghị siết chặt quản lý các bếp ăn tập thể cho công nhân, học sinh, sinh viên. Ông Cận nói: “Cần có chế tài đối với người đứng đầu thiếu trách nhiệm, để nhà thầu dịch vụ ăn uống tự tung tự tác. Yêu cầu quan trọng là nhà thầu phải công khai nguồn gốc cung cấp thực phẩm”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Đăng Vang nhìn nhận, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP mỏng như hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến việc kiểm tra, xử lý không theo kịp thực tế, thiếu đầy đủ. Cả nước hiện nay mới chỉ có 12 thanh tra viên về ATTP ở Trung ương, còn ở địa phương mới làm bán chuyên trách. Trong khi đó, lực lượng cần và đủ phải khoảng trên 5.000 người. Nhiều đại biểu cho rằng, đã đến lúc phải đào tạo những chuyên gia thực sự về ATTP và đầu tư trang thiết bị cần thiết cho họ làm việc”. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nêu: “Không nên tiếc biên chế đối với đội ngũ quản lý, giám sát ATTP, nếu cần thì tinh giản chỗ khác để bố trí đủ người làm công việc này”. Ông Lịch thiên về xu hướng phân cấp mạnh cho địa phương.
Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, kinh phí đầu tư cho quản lý ATTP ở nước ta còn quá thấp. Cụ thể, từ 2004-2008 nguồn kinh phí chỉ là 329 tỉ đồng, bình quân 780đ/người/năm, chỉ bằng 1/19 so với Thái Lan và 1/136 so với Hoa Kỳ.
Luận cần điều chỉnh hành vi tuyên truyền sai về chất lượng thực phẩm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, người dân không có đầy đủ thông tin về chất lượng thực phẩm, ông đề xuất Luật cần điều chỉnh hành vi tuyên truyền sai về chất lượng thực phẩm, trong đó có quảng cáo sai, nói quá mức công dụng của thực phẩm.
Luật cũng quy định về thực phẩm chức năng. Theo điều 12 dự thảo luật, thực phẩm chức năng phải đáp ứng các điều kiện như "có thông tin và số liệu khoa học chính thống chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố; Thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về công dụng của sản phẩm do các tổ chức được Bộ Y tế chỉ định thực hiện...".
Cho rằng quy định chưa rõ ràng, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) nêu, nên có cơ chế kiểm soát nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng. Hiện nay, nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng làm người dân có cảm giác đây là một loại “thuốc tiên”. Bà Hà cũng cho rằng Luật nên có thêm quy định là nội dung quảng cáo về thực phẩm chức năng chỉ được phát đúng những thông tin đã đăng ký, tránh gây hiểu nhầm cho dân chúng.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật đã đề nghị bổ sung thêm một số nội dung: Cần quy định kiểm nghiệm về chỉ tiêu dinh dưỡng, an toàn về vi sinh vật, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... và chứng cứ khoa học xác minh “chức năng” của thực phẩm đó.
Dự luật lần này đưa ra các quy định rất chặt chẽ về điều kiện bày bán thực phẩm, thức ăn đường phố như phải xa cống rãnh, bãi rác và các nguồn gây ô nhiễm khác, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải được rửa sạch, khử trùng trước khi sử dụng; có phương tiện che nắng, mưa, bụi bẩn và côn trùng; có đủ nước sạch dùng cho việc chế biến và vệ sinh ăn uống...Tuy nhiên, đại biểu Lê Quang Bình cho rằng các quy định này khó đi vào cuộc sống. Đại biểu Trần Việt Hưng đồng tình, và cho rằng: “Tốt nhất là cấm hẳn thức ăn đường phố".
ĐB Phan Xuân Dũng (Thừa Thiên - Huế) trăn trở: “ATTP phụ thuộc vào trình độ phát triển và văn hóa của từng quốc gia. Tuy nhiên nếu không khéo thì chúng ta sẽ gây khó cho sản xuất thực phẩm trong nước, tạo điều kiện cho hàng nước ngoài tràn vào, vì vậy chúng ta cần có những quy chuẩn quốc gia riêng để vừa có thực phẩm sạch để sử dụng vừa bảo đảm được sản xuất trong nước”.
Đại biểu cũng thể hiện mong muốn của cử tri là Luật phải bao quát, điều chỉnh được các vấn đề bức xúc hiện nay, cho rằng những quy định của Luật là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quá trình soạn thảo và thực thi nếu không khéo léo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thực phẩm trong nước, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận nhân dân.
Theo lịch trình, dự thảo Luật an toàn thực phẩm sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường ngày 26-11 trước khi xem xét thông qua vào kỳ họp sau (giữa năm 2010).
TG