Tăng lãi suất cơ bản, nâng hạn mức chỉ định thầu, chấm dứt bán chứng khoán trước ngày T+4, triển khai kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở y tế... là những quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày mai (1-12-2009).
Kể từ ngày 1-12, sau 11 tháng duy trì ở mức 7% /năm, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất cơ bản lên mức 8% /năm Lãi suất tái cấp vốn cũng được tăng từ 7% lên 8% /năm, và lãi suất chiết khấu tăng từ 5% lên 6%/năm.
Cũng từ ngày 1-12, tất cả các công ty chứng khoán phải chấm dứt việc cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4, hoặc cho khách hàng vay chứng khoán để bán.
Theo văn bản do Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng ký, quy định trên nhằm đảm bảo tính công bằng, công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, trong khi chờ Bộ Tài chính chính thức ban hành các văn bản hướng dẫn mới về giao dịch chứng khoán.
Trên lĩnh vực y tế - nước sạch, thông tư "Hướng dẫn thực hiện kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe" sẽ có hiệu lực từ ngày mai.
TS. Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng gánh nặng bệnh tật và chi phí bệnh viện do bệnh nhân phải nằm viện lâu và phải sử dụng kháng sinh quá mức.
Theo ông Mục, thông tư chỉ định trách nhiệm tới tất cả các đơn vị chăm sóc sức khỏe, cán bộ y, bác sĩ và những cơ quan tổ chức cung cấp dịch vụ y tế nhằm giảm bớt lây nhiễm bệnh viện tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân tại Việt Nam.
Và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành cũng có hiệu lực từ 1-12, thay thế Quyết định số 09/2005/QÐ-BYT ngày 13-3-2005 của Bộ trưởng Y tế.
Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng, từ màu sắc, mùi vị đến độ PH, hàm lượng clo dư, a-sen... đối với nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt thông thường không sử dụng để ăn uống trực tiếp hoặc dùng cho chế biến thực phẩm tại các cơ sở chế biến thực phẩm.
Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, kinh doanh nước sinh hoạt, bao gồm cả các cơ sở cấp nước tập trung dùng cho mục đích sinh hoạt có công suất dưới 1.000 m3/ngày đêm.
Ngoài ra, kể từ ngày 1-12, hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu sẽ nâng lên mức 5 tỷ đồng, gấp 5 lần so với quy định hiện nay.
Theo Nghị định số 85/2009/NĐ-CP thay thế Nghị định 58/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng, hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn sẽ nâng lên 6 lần, từ 500 triệu đồng lên 3 tỷ đồng; còn gói thầu mua sắm hàng hoá, hạn mức sẽ được nâng lên 2 tỷ đồng.
Để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, Nghị định nêu rõ điều kiện phải bảo đảm tính độc lập giữa các nhà thầu và nhà thầu với chủ đầu tư, cụ thể là không cùng một cơ quan trực tiếp ra quyết định thành lập, không có cổ phần hoặc vốn góp hơn 30%.
Cũng liên quan tới đầu tư công, Nghị định 83/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP cũng sẽ có hiệu lực từ 1-12.
Nghị định nêu rõ, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước kể cả các dự án thành phần, Nhà nước sẽ quản lý toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng.
Khác với Nghị định 12/2009/NĐ-CP, Nghị định 83/2009/NĐ-CP quy định, những dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên chỉ được điều chỉnh khi có 1 trong 3 trường hợp: Bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch hoạ hoặc sự kiện bất khả kháng khác; xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án hoặc khi có quy hoạch xây dựng thay đổi trực tiếp ảnh hưởng đến địa điểm, quy mô, mục tiêu của dự án.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Thông tư số 24/2009/TT-BGTVT quy định về cấp, đổi, thu hồi đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-12-2009./.
(Theo Tuổi trẻ online)