Sau khi Bộ TT&TT ban hành Thông tư 22/2009/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước, nhiều mạng di động lo ngại không dám mạnh tay cắt hàng chục triệu thuê bao đăng ký thông tin cá nhân sai và vấn đề chuẩn hóa các đại lý ủy quyền.
Báo BĐVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT để làm rõ vấn đề này.
Thưa ông, Thông tư mới có quy định về việc bắt buộc trang bị máy tính kết nối với mạng viễn thông hoặc Internet đối với một số điểm giao dịch tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao trả trước. Nhưng các mạng di động cho rằng, việc này gây ra nhiều tốn kém?
Trước khi Thông tư được ban hành thì Bộ đã lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và tất cả các doanh nghiệp đều đã nhất trí với nội dung này. Thậm chí, tinh thần ban đầu của Thông tư (tức là khi dự thảo được gửi lấy ý kiến của các doanh nghiệp) là tất cả các điểm giao dịch đều phải trang bị máy tính kết nối với mạng viễn thông hoặc Internet. Nay Thông tư 22 chính thức ban hành chỉ quy định đối với điểm giao dịch tại các quận, phường nội thành thuộc các thành phố, thị xã.
Ở nước ta hiện nay, 100% các phường nội thành, nội thị và thị trấn đều đã được kết nối Internet băng rộng và việc truy nhập mạng Internet trở nên phổ biến ở các địa phương này. Mặt khác, giá thành máy tính có cấu hình đủ để kết nối mạng với doanh nghiệp thông tin di động phục vụ cho đăng ký, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao không cao và có thể mua dễ dàng.
Trước khi ban hành quy định này, Bộ đã tính đến những khó khăn sẽ gặp phải của doanh nghiệp khi triển khai. Hơn nữa, đây cũng là cơ sở cho việc triển khai công tác kiểm tra qua mạng của cơ quan quản lý nhà nước khi đã kết nối được với mạng, cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động của doanh nghiệp thông tin di động sau này.
Thực ra, việc các doanh nghiệp kêu khó là chuyện rất bình thường, bởi tâm lý của doanh nghiệp luôn không muốn bị quản lý, trong khi cơ quan quản lý thì lại muốn quản lý chặt. Như vậy, quy định trên của Thông tư mới đã dung hoà được giữa ý chí của cơ quan quản lý nhà nước và mong muốn của doanh nghiệp thông tin di động.
Theo Thông tư 22, từ ngày 1/1/2010, các thuê bao di động trả trước không đăng ký thông tin theo quy định hoặc cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị chấm dứt hoạt động. Các doanh nghiệp thông tin di động lo ngại nếu làm như vậy thì rất khó triển khai vì có thể sẽ phải cắt hàng chục triệu thuê bao. Vậy quy định này có khả thi?
Thông tư mới cũng đã quy định rất cụ thể đối với việc cho phép đăng ký lại thông tin. Nếu như trước đây các chủ thuê bao lấy tên của người khác để đăng ký thông tin thuê bao thì bây giờ hoàn toàn có thể đăng ký lại. Còn thời gian rất dài là từ giờ cho đến hết tháng 12/2009 để làm việc này. Nghĩa là thời gian gần 5 tháng đủ để cho các chủ thuê bao di động trả trước này đăng ký thông tin thuê bao nếu muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Dư luận báo chí đã nói nhiều đến nhu cầu sử dụng dịch vụ di động trả trước của mỗi cá nhân, tình trạng khuyến mãi của các doanh nghiệp, số thuê bao “ảo”... nên việc quy định thời điểm 1/1/2010 thể hiện quyết tâm của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu quản lý đã đặt ra.
Việc chấm dứt hoạt động đối với các thuê bao không đăng ký hoặc đăng ký thông tin không chính xác từ 1/1/2010 có lộ trình không?
Như tôi đã nói, thời gian từ giờ cho đến hết tháng 12/2009 để thực hiện việc các thuê bao di động trả trước đăng ký lại thông tin cá nhân nếu thông tin đã đăng ký chưa chính xác chính là lộ trình. Theo tôi, lộ trình này là đủ để thực hiện và đủ để đảm bảo các quyền lợi của người sử dụng.
Thế còn đối với quy định mỗi cá nhân chỉ được sử dụng tối đa 3 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng di động, khi áp vào các trường hợp hiện đang sử dụng hơn 3 số thì sao?
Hiện các số thuê bao di động trả trước đều chỉ đăng ký sử dụng tài khoản trong 1-2 tháng. Sau khi hết hạn sử dụng, nếu còn muốn dùng thì người dùng có thể đăng ký thông tin để sử dụng tiếp theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế thì các trường hợp dùng tới 4-5 số thuê bao trả trước của cùng một mạng chắc cũng hiếm. Còn các SIM khuyến mãi thì người dùng cũng chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn, khi hết tiền trong tài khoản là bỏ. Hơn nữa, việc quy định chỉ được sử dụng tối đa 3 số trả trước của mỗi mạng di động là để đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và công bằng tài nguyên viễn thông (kho số di động).
Một trong các mục tiêu được đặt ra khi thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước là đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. Thông tư mới không có quy định cụ thể về nội dung này nhưng mọi người đều hiểu rằng nếu Thông tư được thực hiện tốt thì chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cao, quyền lợi của doanh nghiệp và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ sẽ gắn kết nhiều hơn; người sử dụng dịch vụ giảm được nhiều “chi phí” cho việc sử dụng nhiều số thuê bao, chạy theo hay chờ đợi khuyến mãi...
Hiện chúng ta vẫn chưa có cơ sở dữ liệu về giấy chứng minh thư, vậy làm thế nào để biết được các thông tin thuê bao di động trả trước được đăng ký là chính xác hay không?
Vấn đề tính chính xác của thông tin đăng ký thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp thông tin di động và trách nhiệm của người dùng. Nói cách khác, việc quản lý sẽ theo phương pháp hậu kiểm. Các cá nhân hay doanh nghiệp nào vi phạm, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo quy định của Thông tư 22 thì việc đăng ký bắt buộc là phải theo mẫu quy định, tức là khai trên bản giấy. Các chủ thuê bao phải đến đăng ký trực tiếp tại những điểm giao dịch đã được doanh nghiệp thông tin di động uỷ quyền để cung cấp số thuê bao, chứng minh thư hoặc hộ chiếu đang còn thời hạn sử dụng và giấy giới thiệu (áp dụng cho thuê bao đại diện cho cơ quan, tổ chức). Khi tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao, chủ điểm giao dịch phải kiểm tra chứng minh thư, hộ chiếu của chủ thuê bao để bảo đảm thông tin trong “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước” và thông tin trong chứng minh thư, hộ chiếu là như nhau.
Bản khai này phải được cập nhật vào máy tính (tại các điểm có trang bị máy tính) hoặc phải được lưu giữ bằng bản giấy trong thời gian tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đăng ký để phục vụ việc kiểm tra, đối soát của cơ quan quản lý. Tên, địa chỉ của chủ điểm giao dịch được uỷ quyền đã tiếp nhận, đăng ký cùng với số liệu thông tin thuê bao phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp thông tin di động chậm nhất là 48 giờ kể từ khi tiếp nhận được Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước hợp lệ, trực tiếp tại điểm giao dịch. Còn việc truyền thông tin thuê bao đăng ký giữa chủ điểm giao dịch và doanh nghiệp theo phương thức nào là do doanh nghiệp tự quy định với các chủ điểm giao dịch, Thông tư 22 không quy định.
Xin cảm ơn ông!
(Theo ICtnews)