Thứ Tư, 2/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 11/6/2010 8:8'(GMT+7)

Từ “bài tập cuối tuần” đến “đề cương ôn tập hè” ở các trường học nông thôn

Học cùng con là một cách tốt nhất để cha mẹ gần gũi con, chia sẻ những khó khăn cuả ngành giáo dục về thời gian.

Học cùng con là một cách tốt nhất để cha mẹ gần gũi con, chia sẻ những khó khăn cuả ngành giáo dục về thời gian.

Trẻ em là lứa tuổi dễ tiếp thu nhưng cũng nhanh quên. Sau mỗi tuần học tập, ngày nghỉ cuối tuần là dịp để các em được “xả hơi”, thư giãn. Tuy nhiên, nếu không lưu ý, những ngày nghỉ “xả hơi” lại là nguyên nhân khiến các em sao nhãng việc học và quên dần những kiến thức cụ thể đã được học.

Hiện nay chất lượng cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều so với thời kỳ bao cấp và những năm đất nước có chiến tranh. Phần lớn các gia đình có điều kiện đầu tư, chăm sóc đến việc học tập của con trẻ. Rất nhiều gia đình ngoài thời gian con cái học tại trường còn mời gia sư về phụ đạo, kèm cặp. Tuy nhiên, đối với các gia đình không có điều kiện, nhất là ở các vùng nông thôn, những bậc phụ huynh có chút kiến thức cơ bản vẫn tự bảo con cái học hành là chính.

Vài năm trước đây, muốn bảo ban con học, cha mẹ phải xem lại sách giáo khoa rất lâu, rất kỹ. Có người cẩn thận hơn thì mua thêm tài liệu dành cho giáo viên, bài giải mẫu về xem để căn cứ vào đó mà giảng giải cho con. Nhưng do không có kiến thức sư phạm, lại chưa nắm được phương pháp cải cách giáo dục nên nhiều bậc cha mẹ còn lúng túng.

Mấy năm trở lại đây, ở nhiều trường học vùng ngoại thành và một số khu vực nông thôn, đặc biệt là cấp tiểu học có sử dụng hình thức Bài tập cuối tuần dành cho học sinh (và cả phụ huynh) trong những ngày nghỉ cuối tuần. Đây là một phương pháp mang tính khoa học, vừa giúp học sinh (và phụ huynh) hệ thống được kiến thức đã học, khắc sâu nhận thức, vừa không nặng nề - ảnh hưởng nhiều đến thời gian “xả hơi” của các em.

Cấu trúc của một bài tập cuối tuần gồm hai phần: Tiếng việt và toán. Phần toán là các dạng nội dung đã học trong tuần, phụ huynh học sinh chỉ cần nhìn vào đó, cộng với xem lại kiến thức sách giáo khoa là có thể tự tin hơn trong việc kèm cặp cho con. Phần Tiếng việt bao gồm các mẫu câu và yêu cầu của bộ môn Tập làm văn mà trẻ đã được học trong tuần… Như vậy, nếu cha mẹ không nắm chắc phương pháp cải cách giáo dục thì qua bài tập cuối tuần cũng có thể giúp con cái nắm vững hơn nhưng kiến thức đã học. Học cùng con là một cách tốt nhất để cha mẹ gần gũi con, chia sẻ những khó khăn cuả ngành giáo dục về thời gian.

Một số nơi, ngoài bài tập cuối tuần, giáo viên còn cho học trò chuẩn bị thêm một cuốn vở ghi các yêu cầu về nhà từng ngày của thầy, cô giáo đối với từng học trò. Hết mỗi tuần, giáo viên thu lại phiếu học tập của chương trình bài tập cuối tuần để chấm điểm. Thông qua việc chấm điểm cho trẻ, thầy, cô giáo đã uốn nắn cụ thể, nắm được lực học cũng như sự tiến bộ cuả từng em trong lớp. Mặc dù theo yêu cầu mới, điểm này không được lấy để tính cho kết quả học tập cuả trò, nhưng việc thầy cô giáo chữa bài cho từng em thông qua bài tập cuối tuần đã phát huy tác dụng đáng kể. Không những thầy cô giáo nắm được sức học và theo dõi sự tiến bộ cuả các em mà học trò cũng thấy được phải cố gắng phấn đấu như thế nào để theo kịp bạn bè, và cha mẹ cũng có thể tự theo dõi quản lý được sức học của con mình.

Bài tập cuối tuần là hình thức mới, nhưng đã phát huy tác dụng như đã nêu trên, vì vậy rất nên nhân rộng ở các trường tiểu học, nhất là ở các vùng nông thôn, nơi không có điều kiện cho con trẻ học thêm hoặc mời gia sư phụ đạo. Phụ huynh cũng có thể giữ lại các phiếu học tập ấy để giúp trẻ ôn tập hè (nếu nhà trường chưa bố trí được kế hoạch ôn tập hè). Tuy nhiên việc sử dụng bài tập cuối tuần đòi hỏi thầy, cô giáo phải đầu tư thêm thời gian cho việc chấm và chữa bài. Đây là yêu cầu đặt ra đối với mỗi giáo viên về lòng yêu nghề, yêu trẻ, nhiệt tình với công việc giáo dục, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Hiện nay đang là thời điểm nghỉ hè. Trước khi học sinh nghỉ, một số trường ở khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội đã nhân rộng hình thức bài tập cuối tuần bằng việc giao cho học sinh Đề cương ôn tập hè. Cấu trúc của đề cương này gần giống bài tập cuối tuần, nhưng mở rộng hơn. Trong đó, giáo viên tính sẵn có bao nhiêu tuần trong kỳ nghỉ để ra số lượng đề cương tương ứng, mỗi đề đều có đủ các môn học cơ bản là Toán, Tiếng Việt và rèn chữ, yêu cầu mỗi tuần học trò phải hoàn thành một đề. Việc này đòi hỏi tính tự giác của các em và ý thức quan tâm, nhắc nhở của gia đình. Việc này không “lạm dụng” quá nhiều vào thời gian nghỉ ngơi của các em cũng như công việc của phụ huynh, mỗi ngày các em (và phụ huynh) có thể dành 1 giờ để ôn lại kiến thức đã học được giáo viên hệ thống trong Đề cương, tránh việc quên, gây khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức của năm tới.

Bài tập cuối tuầnĐề cương ôn tập hè là một hình thức giúp trẻ ôn luyện ở nhà rất tốt, mang tính khoa học, rất hiệu quả trong việc hệ thống những kiến thức đã học một cách ngắn gọn, thiết thực. Với phương pháp này, học sinh không cảm thấy “quá tải” thời gian học tập, đồng thời cũng giúp các bậc phụ huynh có thể chủ động nắm bắt được chương trình học để hướng dẫn, bảo ban con em học tập trong thời gian nghỉ ở nhà.

Trong khi ngành giáo dục và toàn xã hội đang yêu cầu chống dạy thêm, học thêm tràn lan; đồng thời để trẻ học mà chơi, chơi mà học; có một kỳ nghỉ hè thoải mái bổ ích mà vẫn không sao nhãng việc học, không quên kiến thức đã được tiếp thu… thiết nghĩ phương pháp nêu trên cần được nhân rộng trong các trường, nhất là với cấp tiểu học ./.

Nguyễn Thị Diệp
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cát Quế B (Hoài Đức-Hà Nội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất