Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong các phong trào, hoạt động của nhiều đơn vị, trong đó có những trường học – nơi ông gắn bó cuộc đời học sinh để trở thành người thợ cơ khí, hay nơi được vinh dự mang tên ông trong suốt sự nghiệp trồng người, phục vụ đất nước.
* Cái nôi sản sinh nhiều thế hệ công nhân ưu tú
Thành lập năm 1906, tiền thân là Trường Cơ khí Á Châu, còn gọi là Trường Bá Nghệ, đến nay Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng có bề dày hơn 100 năm trong sự nghiệp trồng người, đào tạo nhân lực phục vụ đất nước. Đây cũng là cái nôi đào tạo ra nhiều nhà yêu nước, anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngôi trường này cũng chính là nơi đã đào tạo người học sinh Cơ khí tàu biển Tôn Đức Thắng vào năm 1915 -1917. Theo tài liệu của trường, đây cũng là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã theo học ba tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Ngày 20/4/1919, người thợ cơ khí tàu biển Tôn Đức Thắng – cựu học sinh ưu tú của trường đã tham gia sự kiện kéo lá cờ phản chiến trên Chiến hạm France thuộc Hạm đội Pháp ở biển Hắc Hải ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga. Kể từ năm 1985, ngày này hàng năm trở thành ngày truyền thống nhà trường nhằm nhắc nhở các thế hệ lãnh đạo, sinh viên nhà trường tiếp tục nỗ lực vươn lên, phát huy xứng đáng truyền thống thế hệ cha anh.
Theo tư liệu của nhà trường, đây là một trong những ngôi trường dạy nghề đầu tiên ở Nam bộ được Toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập. Thực dân Pháp xây dựng trường nhằm đáp ứng yêu cầu của bộ máy thuộc địa và các xí nghiệp của người Pháp, nhưng cũng chính nơi đây đã sản sinh ra nhiều chiến sĩ cách mạng; các thế hệ học sinh trường tích cực tham gia các phong trào cách mạng.
Truyền thống yêu nước của học sinh Trường Cơ khí Á Châu đã hình thành từ sớm, tham gia các phong trào cách mạng từ cuộc kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ. Trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng, các thế hệ học sinh Cao Thắng luôn là lực lượng nòng cốt trong phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn – Gia Định, góp phần vào sự nghiệp giành độc lập, thống nhất đất nước. Trường Cao Thắng trở thành điểm hội tụ liên kết, ngọn cờ hiệu triệu, chỗ dựa cho việc hình thành các trung tâm công khai chung của học sinh Sài Gòn. Khi đất nước hòa bình, những thế hệ sinh viên học tập, trưởng thành từ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng luôn đi đầu, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan, đơn vị, nắm giữ trọng trách xây dựng và phát triển đất nước.
Để mọi sinh viên hiểu về truyền thống, tiếp bước các thế hệ cha anh, anh Lê Hiếu Để - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống trong sinh viên. Đặc biệt, ngay từ buổi đầu bước chân vào nhà trường, các tân sinh viên đã được trải nghiệm Hành trình xuyên bảo tàng đi qua các Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Qua đó, các bạn hiểu biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, Bác Tôn, hai người học sinh ưu tú đã từng học tại trường. Hay các buổi sinh hoạt Chi đoàn chủ điểm về giáo dục truyền thống, về Bác Tôn, Bác Hồ, cũng là một trong những hình thức sinh động để sinh viên thêm hiểu và tự hào về truyền thống.
Bản thân cũng là một cựu sinh viên của trường, anh Để chia sẻ: Với tôi, truyền thống vẻ vang trong các chặng đường lịch sử của nhà trường luôn nhắc nhở các thế hệ sinh viên tiếp nối, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, giỏi nghề, phục vụ đất nước.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, trong quá trình phát triển, nhà trường luôn đồng hành cùng đất nước trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; hướng tới thực hiện phương châm “Đoàn kết – Yêu nước – Giỏi nghề” mà các thế hệ lãnh đạo và sinh viên nhà trường đã thực hiện. Các thế hệ sinh viên nhà trường kế tục và phát huy xứng đáng truyền thống trường nghề, vừa giỏi lý thuyết vừa rèn luyện tay nghề, trui rèn nhiều thế hệ sinh viên có ý thức, có kỷ luật và có kỹ thuật phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
* Tự hào ngôi trường mang tên Bác Tôn
Hơn 20 năm trước, ngôi trường đại học mang tên Bác Tôn tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập với tên gọi ban đầu là Trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập và quản lý, nhằm thực hiện mục tiêu chính là đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, tay nghề cho lực lượng công nhân thành phố.
Cũng vì mục tiêu đó mà ngôi trường này được mang tên Bác Tôn – người công nhân ưu tú, người lãnh đạo đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và của công nhân thành phố nói riêng. Trong suốt quá trình phát triển, thay đổi tên và mô hình quản lý, từ Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng đến Đại học bán công Tôn Đức Thắng và nay là Đại học Tôn Đức Thắng, trong sự nghiệp trồng người nhà trường luôn gắn với tên Bác Tôn.
“Tự lực cánh sinh” ngay từ khi mới ra đời, nhưng mới bước qua tuổi 20, nhà trường đã trở thành một trong những ngôi trường có cơ sở vật chất hiện đại nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu học tập và rèn luyện của sinh viên nhà trường. Trường hiện đào tạo theo Chương trình TOP 100 với toàn bộ nội dung, chương trình, giáo trình học của trường đều nghiên cứu, ứng dụng từ các đại học trong TOP 100 thế giới. Sản phẩm đào tạo được xã hội đánh giá tốt, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau một năm đạt 99%.
Cùng với đó, công tác giáo dục truyền thống, đặc biệt là tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Tôn – vị Chủ tịch nước mà trường vinh dự được mang tên luôn được chú trọng. Vào đầu mỗi khóa học, trường tổ chức tuần lễ sinh hoạt công dân, với nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, trong đó đặc biệt là về cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tại tất cả các cơ sở của nhà trường đều có sự hiện diện của Tượng đài Bác Tôn và nơi thờ phụng Bác. Đây là một trong những cách để giới thiệu, giáo dục truyền thống để giảng viên, học viên biết được cội nguồn của nhà trường.
Tự hào được học ở ngôi trường mang tên Bác Tôn, em Phạm Nguyễn Bạch Trân, sinh viên năm thứ 4, Khoa Ngoại ngữ, chia sẻ: Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn là một tấm gương về lòng trung thành, tận tụy, đức tính khiêm tốn, giản dị, nhất là tinh thần trách nhiệm cao trong phụng sự đất nước. Học tập Bác Tôn, em luôn tự nhủ rằng, bản thân phải nỗ lực, trau dồi, chuẩn bị mọi mặt từ kiến thức, kỹ năng, để đóng góp cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: Vinh dự được mang tên Bác Tôn, suốt hơn 20 năm hình thành và phát triển, nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với danh xưng, tên gọi và uy tín của vị Chủ tịch nước kính yêu, người đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam và là bạn chiến đấu của Bác Hồ. Mục tiêu trong 20 năm kế tiếp, trường sẽ trở thành một đại học nghiên cứu thuộc top 60 trường đại học tốt nhất châu Á, trở thành một đại học hàng đầu trong top 500 trường đại học tốt nhất thế giới.
“Sản phẩm đào tạo của trường là những sinh viên có kỷ luật nghiêm, đạo đức tốt, chuyên môn giỏi và sẵn sàng phụng sự đất nước. Đúng như mong muốn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với lực lượng công nhân, nhà trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, mà còn cả ý thức, tác phong công nghiệp trong lao động” – ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Những ngôi trường vinh dự mang dấu ấn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của “người thợ cả” của giai cấp công nhân Việt Nam – Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đang từng ngày tiếp bước truyền thống, đóng góp cho sự nghiệp trồng người, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.
Theo TTXVN