Ngồi trong căn nhà nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi, chị Đào Thị Miền (thôn Bình Minh- xã Hà Mòn) tươi cười tiếp khách. Với 3 héc ta cà phê gia đình đang canh tác hằng năm cũng đem lại khoản thu nhập trên dưới 200 triệu đồng cho cả gia đình có 4 nhân khẩu. Gia đình chị vào đây lập nghiệp từ năm 1986 đến nay, giờ đã quá gắn bó với mảnh đất này. Nhà có đất sản xuất, năng suất vụ mùa thu hoạch hằng năm tương đối ổn định nên cuộc sống của gia đình tạm ổn, vấn đề bận tâm chỉ là giá cả lên xuống mỗi khi vụ thu hoạch đến.
|
Cổng chào vào xã Hà Mòn. Ảnh: QT |
Cách nhà chị Miền không xa, nhà văn hóa thôn Bình Minh mới được xây dựng khang trang, đẹp đẽ, lớp ve màu vàng ánh lên trong nắng đầu xuân, xung quanh nhà văn hóa của thôn là những rẫy cà phê cao quá đầu người đang trổ hoa kết trái. Nhà văn hóa thôn Bình Minh chỉ là một trong số 9 nhà văn hóa của 9 thôn thuộc xã Hà Mòn. Do đời sống thu nhập khấm khá nên bà con đã đồng lòng cùng góp tiền để địa phương xây dựng nhà văn hóa nhằm có chỗ sinh hoạt cộng đồng.
Từ nhà văn hóa thôn Bình Minh đi ra quốc lộ 14 khoảng chừng cây số, chợ xã Hà Mòn cũng vừa được xây dựng với số tiền đóng góp của bà con nhân dân với dự toán 2,7 tỷ đồng. Vừa giới thiệu chợ mới, chủ tịch UBND xã Hà Mòn Nguyễn Kế Trường tủm tỉm: “Chỉ cần có chính sách đúng, bà con không ngại chi phí, cơ sở hạ tầng tốt chính là giúp cho đời sống của bà con. Hà Mòn có được như hôm nay cũng nhờ sự đồng thuận của bà con và chính quyền”.
Trong thời gian ba năm, đến nay xã Hà Mòn cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là: quy hoạch giao thông, thủy lợi, điện, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, trường học, giáo dục, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội… Riêng về chỉ tiêu tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm trong lĩnh vực nông nghiệp đến nay Hà Mòn chưa đáp ứng được.
|
Bí thư Đào Anh Thư (trái) giới thiệu về nhà văn hóa thôn Bình Minh. ảnh:QT |
Kể về những tháng ngày đã trải qua khi thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới ở Hà Mòn, bí thư đảng ủy xã Đào Anh Thư hồ hởi: “Cũng khó lắm, nhưng nhờ dân đồng tình, nên mọi việc thuận lợi hơn cho chính quyền. Có thể nói được như hôm nay, Hà Mòn được hưởng: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa””.
Theo như cách nói của bí thư Đào Anh Thư, thiên thời nhờ những năm quá không có hạn hán mất mùa, nên người dân thu hoạch nông sản cũng khá, xã Hà Mòn hiện có hơn 2000 ha cà phê trên tổng diện tích 7000 ha của huyện Đắc Hà. Địa lợi ở điểm địa hình của Hà Mòn tương đối bằng phẳng, nước tưới tiêu cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong dân. Nhân hòa cũng ở điểm, đa số người dân thuộc xã Hà Mòn trước kia là bộ đội chuyển ngành, nên khi tham gia kinh tế địa phương, những cán bộ này nhanh chóng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, chăm chỉ làm ăn, nên nguồn thu từ nông sản được đảm bảo. Từ những yếu tố này, đã làm nên sức bật cho Hà Mòn hôm nay.
Trước đây, khi di chuyển một số hộ dân đồng bào dân tộc ở khu vực lòng hồ thủy điện Pley Kờ Rông. Một số bà con theo đạo đã nghe lời xúc dục của kẻ xấu, nhất định không chịu di dời ra khỏi khu vực lòng hồ. Kẻ xấu bắt đầu tung tin về chuyện Đức mẹ hiện hình, bảo với dân nếu chuyển ra khỏi vùng đất sẽ bị ốm đau, bệnh tật. Sau đó là việc truyền đạo trái phép, từ đó cái tên “tà đạo Hà Mòn” xuất hiện. Sau đó với sự quyết liệt của chính quyền, việc di dời người dân ra khỏi khu vực lòng hồ cũng đã được thực hiện, nhưng cái tên tà đạo vẫn còn đó. Chính vì lẽ đó, Hà Mòn càng quyết tâm hơn trong việc thay đổi hình ảnh, trong việc quyết tâm trở thành cánh chim đầu đàn trong 22 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của tinh Kom Tum.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kế Trường cho biết: Nhờ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên kết quả sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và chế biến; đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt tư tưởng và nhận thức của nhân dân cũng được nâng cao tương ứng, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, điều đó thể hiện trong việc nhân dân tự bỏ vốn xây dựng, chỉnh trang nhà, vườn, tích cực tham gia đóng góp và trực tiếp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, chợ, nhà văn hóa ở từng khu dân cư.
Ông Đào Anh Thư-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn khẳng định: Quan điểm của xã là lấy sức của dân để lo cho dân, đem lại lợi ích cho nhân dân nên được người dân ủng hộ. Có những việc nhà nước làm, có những việc nhân dân làm, có các việc nhà nước và nhân dân cùng làm, có việc nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ. Ông Thư dẫn chứng việc xử lý rác thải của Hà Mòn, xã đầu tư tiền mua xe chở rác, còn ở các tổ, thôn người dân tự thành lập đội vệ sinh môi trường nông thôn. Cứ đến giờ thu gom rác, người dân đem rác đưa ra xe để đem đến hố chon. Từ đó, việc vệ sinh môi trường nông thôn ở Hà Mòn đã bảo đảm xanh, sạch, đẹp.
Đến nay, Hà Mòn được xem là xã giàu nhất huyện, với thu nhập bình quân đầu người năm 2011 khoảng 35 triệu đồng/người/ năm. Ở Hà Mòn hầu hết các hộ dân đều có cà phê. Ngoài ra, những năm gần đây, bà con còn trông thêm cao su, các giống cây ngắn ngày. Hiện Hà Mòn không còn hộ đói, không có hộ nghèo; có 22,4% hộ giàu; 546 hộ khá; cả xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Sự khấm khá đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt xã Hà Mòn, tuyến đường chính dẫn vào xã đã được nhựa hóa; 100% hộ gia đình được sử dụng lưới điện quốc gia; trường lớp, nhà trẻ, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, sạch đẹp; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%... những tiêu chí đó đã góp phần đưa Hà Mòn sớm trở thành xã đầu tiên của tỉnh trở thành xã nông thôn mới.
Đánh giá bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng nông thôn mới, bí thư đảng ủy Đào Anh Thư cho biết: Đó chính là đột phá trong công tác tuyên truyền, từ việc tuyên truyền đúng, bà con thay đổi nhận thức, đồng thuận làm theo chủ trương của nhà nước, công việc thuận lợi hơn. Các hình thức tuyên truyền ở Hà Mòn cũng linh hoạt, qua hệ thống loa phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích; lồng ghép các dự án vào các buổi họp dân, các buổi sinh hoạt đoàn thể… Trong quá trình thực hiện, xã thường xuyên họp dân để lấy ý kiến, việc lấy ý kiến dân cũng trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch. Nhờ đó, lộ trình để trở thành nông thôn mới của Hà Mòn đều có những bước đi, cách làm cụ thể đến từng chi tiết. Ví như, khi bàn với dân để trở thành nông thôn mới cần phải thế nào, như đường giao thông phải làm sao, trường học, y tế phải đáp ứng tiêu chí nào, người dân hiểu ngay, từ thực tế đó giúp cho sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân thống nhất.
Đem chuyện Hà Mòn trao đổi với bí thư huyện ủy Đắk Hà Phạm Đức Hạnh được biết, huyện đã trình tỉnh các chỉ tiêu để tỉnh trình lên trung ương, tiêu chí thứ 19 về việc chuyển đổi cơ cấu lao động trong độ tuổi nếu được chấp nhận, Hà Mòn sẽ chính thức trở thành địa chỉ đỏ đầu tiên của Kom Tum trở thành xã nông thôn mới.
Chúng tôi rời Hà Mòn khi những rẫy cà phê của bà con đang được tưới bắng hệ thống tưới tiêu tự động, trong ánh nắng chói chang khuôn mặt của những người dân làm rẫy, dọn vườn vẫn ánh lên rạng rỡ. Niềm vui đến với họ không phải Hà Mòn trở thành điểm sáng, mà niềm vui nằm trong sự kỳ vọng vào vụ mùa năm tới./.
Tuấn Đạt