Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 8/2/2019 10:41'(GMT+7)

Tự tu dưỡng để xây dựng Đảng về đạo đức

Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức thành một nội dung căn bản của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức thành một nội dung căn bản của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

QUAN ĐIỂM NHẤT QUÁN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ ĐẢNG TA

Có thể khẳng định, xây dựng Đảng về đạo đức là một quan điểm nhất quán của Đảng và Bác Hồ ngay từ khi thành lập Đảng.

Trong “Đường cách mệnh” (được chuẩn bị vào những năm 1925 - 1926 và được xuất bản vào năm 1927), Bác Hồ đã viết 23 điểm về tư cách của người cách mệnh ở ngay trang đầu tiên của tác phẩm. Vấn đề tư cách, đạo đức của người cách mệnh được đặt lên hàng đầu.

Khi Đảng cầm quyền, vấn đề đạo đức của Đảng được Bác nhấn mạnh ở tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947). Bác đã nhắc tới chuẩn mực tư cách của một Đảng cách mạng.

Sau này, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (năm 1958), Bác Hồ đã giáo dục sâu sắc và toàn diện về đạo đức đối với cán bộ, đảng viên.

Bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (ngày 3-2- 1969) thể hiện rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục, rèn luyện đạo đức đối với người cách mạng.

Trong Di chúc (năm 1969), Người cũng nhấn mạnh, Đảng ta là Đảng cầm quyền, tất cả đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng về sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giữ gìn đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân.

Nhìn tổng thể có thể thấy quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta đều hết sức chú trọng việc xây dựng Đảng về đạo đức. Trước đây, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, được đặt trong việc xây dựng Đảng về lý luận, là một bộ phận của công tác tư tưởng.

Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức thành một nội dung căn bản của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng “chú trọng xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Từ đấy đến nay, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức từng bước thực hiện vào nền nếp, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, nhắc tới chuẩn mực đạo đức của Đảng, chắc chắn phải gắn liền với chuẩn mực đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuẩn mực đạo đức phải được định hình rõ để trong Đảng, ai cũng nhận thức và theo được chuẩn mực đó. “Vì Bác là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta. Bác là một tấm gương sáng về đạo đức và Bác cũng là người nêu gương”.

Năm 1960, Bác Hồ đã khái quát: Đảng ta là đạo đức, là văn minh, nhấn mạnh yếu tố đạo đức lên trên  hết.

Tổng kết quá trình lãnh đạo, rèn luyện đạo đức cách mạng của người cộng sản và từ chính cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật những chuẩn mực về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”.

“Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng”.

“Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.

Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Từ đó, có thể liên tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, vận động, tổ chức quần chúng thực hiện tốt đường lối của Đảng.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng Bác Hồ nêu ra đã rất cơ bản, nội dung hàm chứa đạo đức với tư cách là một bộ phận trong kiến trúc thượng tầng của chế độ xã hội mới chứ không chỉ là những yêu cầu sinh hoạt đời thường. Vì vậy, xây dựng Đảng về đạo đức góp phần cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: xây dựng Đảng hiện nay về đạo đức, cần quán triệt quan điểm “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: xây dựng Đảng hiện nay về đạo đức, cần quán triệt quan điểm “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, xây dựng Đảng hiện nay về đạo đức, cần quán triệt quan điểm “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Phải dựa trên những chuẩn mực đạo đức cách mạng để tăng cường xây dựng Đảng; quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, mà trước hết là chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, chống tham nhũng,  lợi dụng chức quyền để trục lợi, chống quan liêu xa rời quần chúng, vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhân dân. Chống lối sống hoang phí, buông thả trái với đạo đức truyền thống của dân tộc và phẩm hạnh của người cộng sản.

ĐỂ GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC, CẦN TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG

Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, để xây dựng Đảng về đạo đức, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là biện pháp thiết thực và hiệu quả đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những người làm lãnh đạo.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nhắc nhở: mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng là chính. Bản thân Bác cũng luôn tự tu dưỡng, bởi theo Bác “Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Đối với lời dạy của Bác đối với các lực lượng trong xã hội, Bác cũng luôn đề cao yếu tố “Tự mình”. Trong 6 điều Bác dạy lực lượng Công an nhân dân, Bác đặt ra yếu tố “tự mình” lên trên hết. “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, rồi mới đến đồng sự, Chính phủ, nhân dân, công việc và đối với địch.

Tự mình vượt lên được là điều quan trọng nhất. Tự mình không kiểm soát được mình thì những ham muốn vật chất sẽ tác động, ảnh hưởng làm cá nhân bị biến chất, thoái hóa. Tự tu dưỡng, rèn luyện, ít lòng tham muốn vật chất, dĩ công vi thượng, các cán bộ, đảng viên mới có thể vượt qua được những ham muốn tầm thường.

Thứ hai, để góp phần xây dựng Đảng về đạo đức phải đề cao giáo dục.

Trước hết, phải giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống của mỗi cá nhân từ trong gia đình, nhà trường. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, phải đề cao giáo dục đạo đức cách mạng. Bởi để có được người tốt, cán bộ tốt thì “phần nhiều do giáo dục mà nên”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đề nghị, Đảng ta phải không ngừng đổi mới giáo dục, bồi dưỡng cách mạng. Trong đó, cần xác định những chuẩn mực đạo đức trong Đảng, đưa vào chương trình bắt buộc trong hệ thống đào tạo cán bộ của Đảng.

PGS.TS Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ, mới đây nhất, trong Quyết định số 144-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.  

“Đây là vấn đề lâu dài, góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn về đạo đức. Đồng thời, có tác động làm cho nền móng đạo đức của xã hội tốt hơn lên".- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

Thứ ba, để góp phần xây dựng Đảng về đạo đức cần tăng cường trách nhiệm nêu gương như Quy định số 08 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã đề ra.

Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc tới những tấm gương của các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác “đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.

Bản thân cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên nếu đã ý thức được trách nhiệm nêu gương thì sẽ không làm điều xấu, tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước. Chính sự nêu gương ấy sẽ tạo ra một sức lan tỏa trong Đảng, ngoài xã hội. Vì vậy, chúng ta càng thấm thía và thực hiện lời Bác dạy “biểu dương những người tốt, việc tốt”. Từ đó, đẩy lùi đi cái xấu và cái tiêu cực.

Các cán bộ, đảng viên phải nêu gương từ những việc làm bình thường nhất; thực hiện tốt các quy định của Trung ương và Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, cả các bậc tiền bối cách mạng và học tập ngay từ những tấm gương của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay có uy tín cao trong Đảng và trong nhân dân.

Việc xác định và hoàn thiện chuẩn mực đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị cũng là để góp phần xây dựng Đảng về đạo đức.

Thu Hằng

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất