Thứ Bảy, 11/5/2024

Câu chuyện "Cá" và "Nước"

Làng hoa Sa Đéc thuộc xã Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (Nguồn ảnh: Internet)

Làng hoa Sa Đéc thuộc xã Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (Nguồn ảnh: Internet)

 

“Đảng với dân như cá với nước”! Bác Hồ luôn nhắc nhở: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Phải làm sao cho dân yêu, dân mến. Chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh”. Các lớp tìm hiểu về Đảng, các lớp lý luận chính trị từ vỡ lòng cho đến cao cấp đều được “dạy” những bài học như vậy. Bài học đó đâu có gì là cao xa, trái lại, rất dễ nhớ nhưng không phải lúc nào cũng được “nhớ”, cũng “làm” được. Chung quy là, do nhận thức hay thói quen “học cho có học, hoặc học để đủ chuẩn, để được quy hoạch”, học mà không thẩm thấu giá trị ẩn chứa bên trong từng câu chữ.

Thì đó, từ khi dựng nước rồi giữ nước trong quá khứ và xây dựng đất nước ngày nay đều là dựa vào sức mạnh của toàn dân. Các cuộc kháng chiến vệ quốc, những thành tựu phát triển đất nước đều là biết bao công sức, là mồ hôi, là xương máu của biết bao người dân trên mảnh đất hình chữ S này. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm vào tâm khảm của mình những ca từ mộc mạc nhưng đầy hào khí: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Anh em ơi vì nhân dân quên mình”. Đâu đó trong các công sở, thường nhìn thấy khẩu hiệu: “Của dân, do dân, vì dân” như nhằm nhắc nhở từng cán bộ, đảng viên rằng: Mình là ai và có mối quan hệ - cũng đồng thời là trách nhiệm - như thế nào với dân?

Trước khi là cán bộ, đảng viên thì mình cũng là “dân”, và rồi, hết tuổi công tác cũng sẽ trở lại thành “dân”, trở về với “dân”. Ông bà mình nói chẳng sai: “Quan nhất thời, Dân vạn đại”! Vậy thì, mình hãy là “dân” ngay lúc đang là “quan”!!! Nghĩa là, hãy suy nghĩ như người dân suy nghĩ, nói như tiếng nói của người dân, có như vậy mới đến được với dân, sống trong cái nghĩa cái tình với dân. Chúng ta đang phấn đấu hết sức để trong mọi chủ trương, quyết sách bảo đảm tinh thần: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” mà! Có như vậy, chủ trương, nghị quyết mới thật sự đi vào lòng dân và lòng dân sẽ đi vào chủ trương, nghị quyết. “Ý Đảng, lòng dân” là vậy mà.

Tuy nhiên, hàng ngày không phải thiếu những hình ảnh “ông cán” như Bác Hồ đã chỉ ra. Có thể ai đó quen theo nếp nghĩ “đi làm là ăn lương nhà nước” thì phải bảo vệ quyền lợi của nhà nước, mà đôi khi quyền lợi của nhà nước xung đột với lợi ích của người dân. Đúng ra, chúng ta đang “ăn lương của nhân dân”, nghĩa là, người dân đang “nuôi” chúng ta, và vì vậy, chúng ta phải cống hiến hết mình để “trả nợ” những người đã đổ biết bao mồ hôi để nuôi nấng chúng ta. Chỉ cần mỗi cán bộ, đảng viên hiểu đúng chữ “nợ dân”, là sẽ có suy nghĩ đúng và hành động đúng! “

Về làng”, về với dân, đâu cần “trống khua cờ mở” và đâu chỉ để tuyên truyền một chiều. Về với dân, để hiểu “dân” hơn, hiểu cả nguyện vọng chính đáng và hiểu cả những gì đang bất cập đang ẩn chứa đâu đó trong từng người dân làm chậm chân trên con đường phát triển. Về với dân, để khơi gợi khát vọng trong người dân để mỗi người không còn tự bằng lòng với chính mình. Về với dân, để truyền cảm hứng của người lãnh đạo nhằm đốt lên ngọn lửa làm cho mỗi người dân biết sống vì cộng đồng. Có một lão nông tri điền thường “ca cẩm” về cái khó, cái nghèo, sau một buổi ngồi lại, được chia sẻ, đã thốt lên rằng: “Giờ thì tôi đã hiểu chính tôi đã tự mình làm khó cho mình, làm khó cho cộng đồng - một trong nguyên nhân dẫn đến cái nghèo là do tôi”. Vậy, chúng ta chăm lo cho người dân trước hết là để người dân biết tự chăm lo cho mình, sau đó là chăm lo cho xóm làng, khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội. Bởi vì: “Mọi sự hỗ trợ của nhà nước sẽ là vô nghĩa nếu người dân không tự thay đổi chính mình”!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem các sản phẩm nông nghiệp tại Tâm Quê Hội Quán, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem các sản phẩm nông nghiệp tại Tâm Quê Hội Quán, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Nguồn: TTXVN)


 

Vậy đó, cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, đại biểu của dân về với dân đâu chỉ để nắm bắt tâm tư, tình cảm để trở về kiến nghị với cấp trên hay chuyển cho cơ quan có liên quan. Chúng ta phải biết phân tích cặn kẽ, thuyết phục cái nào thuộc về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cái nào thuộc về trách nhiệm của chính người dân. Một khi người dân nhận biết trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, gắn vận mệnh của mình với vận mệnh của cộng đồng, khi đó, chúng ta đã khơi gợi được sức mạnh vô tận của người dân. Một khi người dân có niềm tin vào cấp ủy, chính quyền, khi đó, dễ tạo ra sự đồng thuận xã hội. Một khi thấy mình thật sự được tôn trọng, khi đó, người dân sẽ sẵn sàng chung lo chuyện xóm, chuyện làng. Những mô hình “Hội quán” hay “Tổ Nhân dân tự quản” mà Đồng Tháp đang kiên trì triển khai là nhằm hướng tới sự thay đổi của người dân. Đó là những không gian sinh hoạt cộng đồng dân cư bình dị nhưng luôn tôn trọng lẫn nhau, hoà quyện với nhau giữa người dân với người dân, giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể với người dân. Sức sống mới từ xã hội sẽ đến từ chính phương châm “3 cùng”: “Cùng nhau xây dựng - Cùng nhau quản lý - Cùng nhau thụ hưởng” từ những cộng đồng tự lực, tự nguyện, tự quản.

Trên con đường phát triển của một địa phương, một đất nước, thường chúng ta chỉ “chăm bẵm” vào “vốn kinh tế” có thể đong đo đếm được, như: tài nguyên, đất đai, nguồn lực tài chính... Nhưng còn một những loại vốn vô hình, khó nhìn thấy hơn nhưng lại quan trọng hơn là “vốn văn hóa” và “vốn xã hội”. Chính “vốn văn hóa”, “vốn xã hội” tạo ra một xã hội đồng thuận, và từ sự đồng thuận đó, tạo ra niềm tin xã hội, khát vọng xã hội. Khi ấy, “vốn xã hội”, “vốn văn hóa” sẽ làm mạnh thêm cho “vốn kinh tế” và đến một thời điểm nào đó, sẽ chuyển hoá trở thành “vốn kinh tế”. Vậy, “về với dân” chính là tạo ra “nguồn vốn xã hội” để làm giàu hơn cho nguồn “vốn kinh tế”.

Một khi hiểu được như vậy, mới thấy hết được ý nghĩa của việc “về với người dân”. Khi ấy, sẽ giảm thiểu những chuyện đến với dân một cách khiên cưỡng, hình thức. Khi ấy, chữ “dân” mới thật sự mang đầy đủ giá trị trên hành trình vươn tới những giá trị tốt đẹp mà tất cả chúng ta cùng kỳ vọng./.

Mấy năm qua, Đồng Tháp luôn nằm trong nhóm đầu những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành cao nhất cả nước. Từ một tỉnh thuần nông, điều kiện tự nhiên không ưu đãi nhiều trở thành địa phương luôn được xếp vào nhóm đầu quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và cải cách hành chính.

Đồng Tháp còn “nổi tiếng” với nhiều mô hình, cách làm hay, trong đó có việc lập những hội quán - nơi gặp gỡ, tương tác và chia sẻ giữa nông dân, doanh nghiệp, nơi kết nối nông dân với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền. Mô hình Tổ nhân dân tự quản - nơi những người nông dân tự nguyện, tự quản, tự xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề, làm chủ cuộc sống. Lãnh đạo đóng vai trò khơi gợi, lắng nghe, kích hoạt để tự người dân thay đổi, quyết định, phát huy được sáng tạo.

Mô hình “Cà phê với doanh nhân - doanh nghiệp” trong khuôn viên UBND tỉnh Đồng Tháp cũng được nhiều người đánh giá cao. Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione đã tỏ ra thích thú bởi không khí thân thiện, cởi mở tại quán cà phê đặc biệt này. “Đây là mô hình thể hiện được sự cầu thị, sự chân tình của lãnh đạo địa phương khi họ biết lắng nghe, biết tiếp thu ý kiến của người dân và doanh nghiệp” - ông Ousmane Dione nhận xét.  

 Lê Minh Hoan

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

 

_____________________________________

 

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 2/2019

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất