Thứ Sáu, 6/12/2024
Lý Luận
Thứ Sáu, 27/11/2020 13:0'(GMT+7)

Tư tưởng của Ph.Ăng-ghen - nền tảng xây dựng xã hội mới

Ph.Ăngghen (1820 - 1895)

Ph.Ăngghen (1820 - 1895)

Đầu thế kỷ XX, loài người đã chứng kiến nhiều sự biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, với nhiều hình thức từ đối đầu đến hợp tác, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau quyết liệt, giành vị thế và lợi ích gây ra tình hình phức tạp tại nhiều khu vực và nhiều nước. Trong bối cảnh đó, việc thiết lập và xuất hiện mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên trên thế giới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là thắng lợi to lớn nhất của xã hội loài người. Thắng lợi đó đã khẳng định tính khoa học chân chính của chủ nghĩa Mác - Lênin, biến chủ nghĩa xã hội (CNXH) từ không tưởng thành khoa học và trở thành một thực tế sống.

Sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn động lực cho nhiều quốc gia trên thế giới và nhân loại chính thức có một hệ thống các quan điểm khoa học và thực tiễn. Trong những cống hiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin có đóng góp của Ph.Ăng-ghen - người luôn sát cánh cùng C.Mác trong xây dựng, hoàn thiện và truyền bá tư tưởng cách mạng giúp phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động nhận thức và hành động, chuyển từ trạng thái mộng tưởng sang bừng tỉnh để bước lên vũ đài chính trị với vai trò là một giai cấp cấp tiến nhất của xã hội loài người.

Phriđơrich Ăng-ghen(Friedrich Engels) sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ, trong một gia đình chủ xưởng dệt. Ông là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học nổi tiếng người Đức thế kỷ XIX, người cùng với C.Mác (Karl Marx) sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản. Sự nghiệp suốt đời của Ph.Ăngghen gắn liền, khăng khít và trở thành sự nghiệp chung với C.Mác.

Những đóng góp vĩ đại của Ph.Ăng-ghen trong hệ thống lý luận củachủ nghĩa Mác đã được khẳng định và được tôi luyện trong thựctiễn phong trào công nhân và cuộc đấu tranh xây dựng xã hộiXHCN, đòi công lý, công bằng và cải thiện cuộc sống cho giai cấp vô sản.

Với bộ óc thiên tài, trái tim nhân hậu và đức tính khiêm nhường, Ph.Ăng-ghen đã dâng hiến cho nhân loại nhiều tư tưởng, lý luận có giá trị lịch sử to lớn và có ý nghĩa soi sáng con đường xây dựng xã hội mới tiến bộ hơn - xã hội XHCN cho các dân tộc trên thế giới.

XÃ HỘI MỚI ĐÒI HỎI PHẢI CÓ TƯ TƯỞNG MỚI SOI SÁNG, DẪN ĐƯỜNG

Với ước muốn cải biến xã hội, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã xây dựng một học thuyết thực sự cách mạng, đáp ứng nhu cầu phát triển của quần chúng nhân dân, tạo ra động lực phát triển cho xã hội theo xu thế thời đại, gắn kết và giải đáp kịp thời nhưng vấn đề thực tiễn đặt ra. Học thuyết của C.Mác và Ph.Ăng-ghen là học thuyết chân chính được bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh chân thực quá trình đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Học thuyết đó quay trở lại phục vụ thực tiễn, trở thành nền tảng tư tưởng, vũ khí chiến đấu của giai cấp công nhân, tầng lớp nhân dân lao động và các đảng cộng sản, đảng công nhân.

Lý tưởng cao đẹp suốt đời của C.Mác và Ph.Ăng-ghen làgiải phòng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, không có tình trạng người bóc lột người, một xã hội mà ở đó con người có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thông qua học thuyết của mình, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã cung cấp nhận thức luận; dẫn đường, chỉ hướng cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, các đảng cộng sản cải tạo thế giới, cải tạo xã hội. Đưa loài người đến với con đường chân chính - con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Con đường đó đòi hỏi phải sử dụng thành thạo phương pháp tư duy biện chứng trong nhận thức quy luật tự nhiên để luận giải, khái quát thành tựu của khoa học tự nhiên; để giải thích quá trình phát sinh, phát triển trong giới tự nhiên; để con người nhận thức sâu sắc hơn trong khoa học xã hội và khúc triết hơn trong mối quan hệ giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản. Là người sáng lập phương pháp tư duy biện chứng, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã sử dụng để bóc trần bản chất bóc lột của giai cấp tư sản; vạch ra phương pháp chống và lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản.

Sự kết hợp giữa chủ nghĩa duy vật lịch sử với duy vật biện chứng, giữa kinh tế với chính trị trong nhận thức bản chất của xã hội tư bản, cùng với bộ óc thiên tài, Ph.Ăng-ghen đã khẳng định, trong lòng xã hội tư bản đang tồn tại nhiều yếu tố sẽ tác động và phủ định chính xã hội tư bản, đó là các quan hệ kinh tế và các yếu tố cấu thành xã hội tư bản: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Từ đó, Ph.Ăng-ghen đã khẳng định tính tất yếu khách quan của cách mạng XHCN sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa cộng sản và vạch rõ tính giai cấp của ý thức xã hội đối với giai cấp công nhân - sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thế giới.

Là người đồng sáng lập triết học Mác, Ph.Ăng-ghen bàn nhiều về nhận thức, tư duy, nhất là về tư duy lý luận, đây là nền tảng đầu tiên để hình thành một xã hội mới. Những chỉ dẫn của Ph.Ăng-ghen về tư duy lý luận không chỉ có ý nghĩa trong đấu tranh chống lại những quan điểm sai lầm, chiết trung về khả năng nhận thức của con người, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với các đảng cộng sản, đảng công nhân trên thế giới. Ph.Ăngghen cho rằng, những nguyên lý được rút ra từ tư duy chứ không phải từ thế giới bên ngoài. Do vậy, tư duy lý luận mang tính lịch sử là sản phẩm của lịch sử, ở mỗi thời đại khác nhau là khác nhau và tư duy lý luận không phải là một chân lý vĩnh viễn, không thay đổi được. Bằng những luận giải thuyết phục, khoa học, những đóng góp của Ph.Ăng-ghen có ý nghĩa to lớn đối với thành quả vĩ đại của chủ nghĩa Mác; củng cố, hoàn thiện tư duy lý luận cho các nhà mác-xít, hướng các nhà mác -xít luôn gắn lý luận với thực tiễn xã hội.

Tư duy lý luận mang tính lịch sử là sản phẩm của lịch sử, ở mỗi thời đại khác nhau là khác nhau và tư duy lý luận không phải là một chân lý vĩnh viễn, không thay đổi được.

Như vậy, trong quá trình phát triển triết học duy vật, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã mở ra một bước ngoặt căn bản trong triết học hiện đại, cung cấp cho loài người phương pháp nhận thức mới mẻ, trở thành vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới, cải biến xã hội. Thay đổi trong tư duy, nhận thức là điểm xuất phát để tiến hành xây dựng một xã hội mới được xuất hiện ngay trong lòng xã hội cũ.

Hội thảo khoa học “Giá trị tư tưởng Ph.Ăng-ghen trong thời đại ngày nay” (2015) do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức

Hội thảo khoa học “Giá trị tư tưởng Ph.Ăng-ghen trong thời đại ngày nay” (2015) do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức


CON ĐƯỜNG XÂY DỰNG XÃ HỘI MỚI Ở MỖI QUỐC GIA LÀ KHÁC NHAU

Ph.Ăng-ghen xuất thân từ một gia đình thuộc giai cấp tư sản, nhưng Ông đã dành trọn con tim, khối óc, tình cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản, hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhằm mục tiêu, lý tưởng cao đẹp. Cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen đã đem nghị lực phi thường, trí tuệ uyên bác và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân. Các ông được ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, lòng dũng cảm, nhiệt huyết của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi phẩm chất cao cả thể hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thuỷ chung, cảm động, hiếm có.

Ph.Ăng-ghen đã cùng với C.Mác dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại; đồng thời “tắm mình” vào thực tiễn phong phú, sinh động trong phong trào đấu tranh cách mạng để xây dựng nên chủ nghĩa Mác. Toàn bộ học thuyết của hai ông là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc để lại những công trình khoa học đồ sộ, hoàn chỉnh, chặt chẽ và chính xác, trong đó tính khoa học thống nhất với tính cách mạng triệt để.

Với tư cách là một lãnh tụ cộng sản, một nhà lý luận và tinh thần cách mạng triệt để, Ph.Ăng-ghen kiên trì cuộc đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ những giá trị chân chính, khoa học của chủ nghĩa Mác và đòi hỏi phải đối xử như là một khoa học. Ph.Ăng-ghen cùng C.Mác đấu tranh không mệt mỏi chống khuynh hướng phản khoa học và không tưởng trong phong trào công nhân, khuynh hướng tiểu tư sản, chủ nghĩa vô chính phủ, cải lương, tả khuynh, hữu khuynh và trào lưu phi vô sản… nhằm âm mưu chia rẽ phong trào công sản và công nhân quốc tế.

Ph.Ăng-ghen cùng C.Mác đấu tranh không mệt mỏi chống khuynh hướng phản khoa học và không tưởng trong phong trào công nhân, khuynh hướng tiểu tư sản, chủ nghĩa vô chính phủ, cải lương, tả khuynh, hữu khuynh…

Trong rất nhiều công lao của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, thì công lao lớn nhất là dạy cho giai cấp công nhân tự nhận thức được mình, có ý thức về mình, và đem khoa học thay thế cho thế giới mộng tưởng. Theo C.Mác và Ph.Ăng-ghen, CNXH không phải là điều bịa đặt, mà là mục đích cuối cùng, kết quả tất yếu của sự phát triển lực lượng sản xuất trong xã hội hiện đại. Vì lịch sử đấu tranh giai cấp là sự thay thế nền thống trị này của giai cấp xã hội này với nền thống trị khác của giai cấp xã hội khác kéo dài mãi, chừng nào những cơ sở của đấu tranh giai cấp, sự thống trị giai cấp và chế độ tư hữu vẫn chưa mất đi.

 Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác và Ph.Ăng-ghen chỉ ra sự phát triển xã hội loài người là quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Theo các ông, sự ra đời xã hội mới bắt nguồn từ tất yếu kinh tế và được thai nghén từ trong lòng xã hội cũ. Khi nghiên cứu về hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra tính tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời của CNXH, chủ nghĩa cộng sản là khách quan được bắt nguồn trực tiếp từ mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tư nhân trong lòng xã hội tư bản, được biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, mà ngày nay chính là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động.

Đồng thời, C.Mác và Ph.Ăng-ghen cũng dự báo về đặc trưng của hai giai đoạn trong hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, “Cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra”(1) vì vậy không thể tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế trong xã hội XHCN(2).

Theo C.Mác và Ph.Ăng-ghen, xã hội cộng sản chủ nghĩa chỉ xuất hiện khi con người không còn phụ thuộc có tính chất nô dịch vào sự phân công lao động của họ; không còn sự đối lập giữa lao động trí óc và lao động chân tay; lao động trở thành không những là một phương tiện để sinh sống mà bản thân nó còn là một nhu cầu bậc nhất của đời sống; sự phát triển toàn diện của các cá nhân, sức sản xuất của họ ngày càng tăng lên và tất cả các nguồn của cải xã hội đều tuôn ra dồi dào, và con người có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản...(3).

Tượng đài Các Mác và Ăngghen tại thủ đô Béc Lin (Đức)

Tượng đài Các Mác và Ăngghen tại thủ đô Béc Lin (Đức)

 

Bên cạnh những nghiên cứu cùng C.Mác, Ph.Ăng-ghen cũng có nhiều nghiên cứu độc lập, một trong những điểm nhấn sáng tạo của Ph.Ăng-ghen là tư duy biện chứng về con đường lên CNXH. Theo Ph.Ăng-ghen, quan niệm và thực tiễn quá trình kiến tạo xã hội XHCN luôn phải được bổ sung, hoàn thiện khi thực tiễn cuộc sống đặt ra những vấn đề mới. Phát triển lý luận mác-xít về thời kỳ quá độ, Ph.Ăng-ghen nêu ra luận điểm “phát triển rút ngắn” trên con đường lên CNXH ở một số nước lạc hậu.

Theo Ph.Ăng-ghen, quan niệm và thực tiễn quá trình kiến tạo xã hội XHCN luôn phải được bổ sung, hoàn thiện khi thực tiễn cuộc sống đặt ra những vấn đề mới.

Với tư duy biện chứng, cùng quá trình hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân và bộ óc thiên tài về lý luận, Ph.Ăng-ghen nhấn mạnh, các nước đi lên CNXH, nhất là các nước còn lạc hậu phải suy nghĩa thật kỹ, không được nôn nóng, không được phép kết luận vội vàng nếu muốn xây dựngCNXH theo con đường “rút ngắn”, bởi đây là vấn đề khó nhất trong tất cả các vấn đề tồn tại ở một thời kỳ mà các điều kiện không ngừng phát triển, thay đổi. Đối với các nước chưa từng trải qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, Ph.Ăng-ghen khẳng định, “không những có thể mà còn chắc chắn... rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển của mình lên xã hội XHCN và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu... phải trải qua”(4).

TƯ TƯỞNG CỦA PH.ĂNG-GHEN SOI ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin; từ khát vọng độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Sự lựa chọn con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Nguyễn Ái Quốc dựa trên cơ sở lý luận và khoa học, trên thực tiễn vận động và đòi hỏi của phong trào cách mạng Việt Nam. Từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Hồ Chí Minh đi đến kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(5). Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Hồ Chí Minh được phát triển xuyên suốt theo từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Và đến cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung và phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(6).

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu, là sợi chỉ đỏ, là đường lối chiến lược nhất quán; là bài học lớn cho cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua là minh chứng và khẳng định chắc chắn lựa chọn con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sáng suốt, duy nhất đúng đắn với vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người tìm đường, mở đường và dẫn đường cho dân tộc Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu, là sợi chỉ đỏ, là đường lối chiến lược nhất quán; là bài học lớn cho cách mạng Việt Nam; là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng CNXH, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Qua các giai đoạn cách mạng khác nhau, khuynh hướng chính trị bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tiến lên CNXH ở nước ta đã trở thành một sức mạnh vật chất to lớn, ăn sâu bám rễ trong lòng xã hội Việt Nam. Chúng ta đã khẳng định chắc chắn sự vận dụng sáng tạo luận điểm “phát triển rút ngắn” con đường đi lên CNXH của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam là đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”(7).


Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “con đường đi lên của nước ta là quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. “Đây là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp và do vậy, tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội có tính chất quá độ”(8). Tuy nhiên, phải hiểu rằng, sự “phát triển rút ngắn”, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta vẫn là quá trình lịch sử - tự nhiên. Nội dung của con đường quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam được Đảng ta xác định: “Bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”(9).

Theo đó, con đường “phát triển rút ngắn” trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa; là rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đạt được dưới chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại; là bỏ qua chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa và tình trạng áp bức, bóc lột chứ không bỏ qua những thành tựu văn minh vật chất và tinh thần mà loài người đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là những vấn đề có tính nguyên tắc cần thiết được nhận thức và vận dụng trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì bảo vệ, bổ sung học thuyết Mác - Lênin nhằm xây dựng đất nước từng bước phát triển, đặc biệt, việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Vận dụng tư tưởng về chủ nghĩa xã hội mác-xít, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì bảo vệ, bổ sung học thuyết Mác - Lênin nhằm xây dựng đất nước từng bước phát triển, đặc biệt, việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình để tập trung xây dựng và phát triển đất nước; xây dựng toàn diện nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ngày càng được hoàn thiện; tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh đạt nhiều kết quả.

Trong đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: xây dựng chế độ chính trị độc lập, có chủ quyền quốc gia; nhận thực về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được sáng tỏ; hệ thống chính trị từng bước được hoàn thiện và có bước phát triển; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảngxây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt, dân chủ XHCN ngày càng được phát huy.

Khi Việt Nam và thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Những thắng lợi vĩ đại trong 90 năm qua là minh chứng sinh động nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sức mạnh to lớn của nhân dân ta; là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện Việt Nam. Chúng ta đã, đang và sẽ kiên cường, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để làm lên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại./.

TS. Đồng Quang Thái
Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương

______________________

(1) (2) (3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.19, tr.33, 35-36, 36.

(4) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1997, t.37, tr.632, 641.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.9, tr.314.

(6) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.70, 67.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.7-8.

(9) Đảng Cộng sản Việt NamVăn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.84.

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Cơ đồ của đất nước - Từ kết quả phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam

(TG) - Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban văn kiện, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và chuẩn bị Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “ Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô gần 100 triệu dân, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” và “Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phải hết sức chú trọng tính đồng bộ, toàn diện…xây dựng đồng bộ thể chế phát triển các mục tiêu lâu dài, cơ bản và bền vững của đất nước theo hướng bảo đảm hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất