Công tác tuyên giáo đã có đóng góp đặc biệt quan trọng, song cũng là trọng trách rất khó khăn, đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo không chỉ có kiến thức, hiểu biết sâu rộng về sự nghiệp cách mạng của Ðảng, về sự phức tạp của thực tiễn đời sống xã hội; mà còn phải có trình độ tri thức tổng hợp cao, có phương thức hoạt động đa dạng, phù hợp, sự đam mê, bản lĩnh và dám dấn thân vì lý tưởng cách mạng cao cả, vì nhân dân phục vụ.
Tuy nhiên, thời gian qua, “chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận chưa cao. Chậm khắc phục có hiệu quả những hạn chế của công tác tư tưởng như thiếu sắc bén, chưa thuyết phục. Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” còn bị động, hiệu quả chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới”(1).Chính vì vậy, Đảng ta đã yêu cầu “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội”.(2)
Hiện nay, cuộccách mạng công nghiệp lần thứ tư hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, nhận thức, tư duy một cách toàn diện.Đó là cuộc cách mạng công nghiệp tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa - rôbốt. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau ở các quốc gia khác nhau,tác động mạnh mẽ, tạo ra cơ hội lớn cho sự vận động phát triển mọi mặt của đời sống xã hội; song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là đối với những người làmcông tác tuyên giáo Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Để đáp ứng được những yêu cầu mới và tiếp tục phát huy vai trò của mình trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo chúng tôi, công tác tuyên giáo của Đảng cần quan tâm và chủ động tham gia vào một số vấn đề sau:
Một là, cần hiện thực hóa được công thức 6T trong công tác tuyên giáo: Tiên phong - Trí tuệ - Trúng - Thiết thực -Thuyết phục - Tiên tiến
Tiên phong là không bao giờ được lạc hậu với thời cuộc; luôn luôn phải đi đầu, định hướng, dẫn đường cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết phát huy lợi thế và thành quả đã có, vượt qua khó khăn thách thức, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
Trí tuệ là phải nắm được đặc điểm thời đại và dân tộc, biết phân tích, thâu tóm được bản chất đích thực vấn đề đặt ra qua đó đề xuất giải pháp thiết thực, hữu hiệu để giải quyết.
Trúng là phải bao hàm được cả trên bình diện không gian và thời gian. Trên bình diện không gian là phải phản ánh đúng sự thật về sự việc, sự kiện xảy ra; trên bình diện thời gian là phải thông tin nhanh chóng, kịp thời, không bị chậm trễ, đi sau về thông tin.
Thiết thực là luôn luôn phải bám sát thực tiễn, sát hợp với thực tiễn để nắm bắt thực tiễn, phục vụ nhu cầu của thực tiễn; không nên và không được viển vông, xa rời thực tiễn.
Thuyết phục là phải nắm được tâm lý, đi vào lòng người, không áp đặt, khiên cưỡng một chiều; không ngoa ngôn và cũng không ngụy ngôn.
Tiên tiến là phải ứng dụng và sử dụng thành thạo những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của Internet, của mạng xã hội vào hoạt động, tác nghiệp của mình; biến những ưu thế tiên tiến đó thành lợi thế, thành hành trang nội tại, không thể thiếu trong “nghề” tuyên giáo.
Hai là, công tác tuyên giáo phải tham gia vào quá trình tiếp tục đổi mới tư duy
Đổi mới tư duy là yêu cầu sống còn của sự nghiệp đổi mới đất nước. Hơn thế nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản sự nhận thức thông thường, làm “đảo lộn tư duy”. Đúng như nhận định của GS. Klaus Schwab, chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: “Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Mối quan ngại của tôi là các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có thể sẽ giữ lối tư duy quá cổ hủ hoặc quá ám ảnh với việc các đột phá công nghệ sẽ thay đổi tương lai loài người như thế nào”(3).
Nhận thức rõ những cơ hội và thách thức mà cuộc cách công nghiệp lần thứ tư đưa lại cho nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, nhưng không chủ quan, nóng vội, duy ý chí” (4).
Có tư duy mới nhằm bắt kịp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam, nhất là cho giới lãnh đạo, cho đội ngũ quản lý các cấp và đội ngũ quản trị doanh nghiệp nước ta. Hơn ai hết, công tác tuyên giáo phải tham gia chủ động, tích cực vào quá trình đổi mới tư duy này.
Ba là, công tác tuyên giáo phải góp phần để đưa báo chí làm tốt sứ mạng là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, là “diễn đàn của nhân dân”
Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Tiếng nói của báo chí không chỉ phản ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy để nhân dân gửi gắm tâm tư nguyện vọng, “vũ khí” giám sát của mình đối với Đảng và Nhà nước. Từ đó, tìm ra tiếng nói chung của “ý Đảng lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng tâm hợp lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng đề ra. Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn các nhà báo: Báo chí phải phục vụ nhân dân, CNXH, đại đoàn kết dân tộc và hòa bình thế giới. Người làm báo phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Chính các tờ báo là sợi dây cơ bản, dựa vào nó phong trào cách mạng không ngừng phát triển, tổ chức tăng lên theo cả chiều rộng và chiều sâu - nhân tố làm nên thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân thì báo chí phải luôn sống trong lòng nhân dân, khách quan và trung thực chia sẻ với nhân dân về niềm hy vọng và sự lo lắng của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ đối với Đảng và chế độ. Báo chí phải kịp thời phản ánh, đánh giá các hiện tượng và sự kiện của đời sống xã hội, đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân vì sự công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Bốn là, công tác tuyên giáo phải góp phần hình thành triết lý giáo dục mới cho Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra và đòi hỏi phải thay đổi triết lý giáo dục. Theo một số chuyên gia, trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, khi kỹ thuật tiến hóa nhanh quá mà con người không theo kịp thì sẽ mất hết tự do, sẽ trở thành “nô lệ” của kỹ thuật, bị kiểm soát, bị điều khiển bởi những “ông trời” máy móc(5).
Từ nguy cơ hiện hữu đó, nền giáo dục mà hạt nhân của nó là triết lý giáo dục của mỗi quốc gia đều phải thay đổi cho tương thích và đáp ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công nghệ thông tin đang từng bước thay thế dần chức năng truyền thụ kiến thức mà trước đây người thầy giáo trực tiếp làm. Công nghệ thông tin đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Như vậy, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền giáo dục đang cần một triết lý giáo dục để định hướng cho tất cả các hoạt động giáo đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của bản chất của cách mạng lần này nhằm đào tạo ra những con người dám đột phá, sáng tạo, không lặp lại, có trách nhiệm và biết chấp nhận rủi ro trong khởi nghiệp. Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên giáo cần góp phần để hình thành một triết lý giáo dục đích thực nhằm đưa nền giáo dục Việt Nam tương thích với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Năm là, công tác tuyên giáo cần tham gia vào việc thúc đẩy “đầu tư” cho ý tưởng
Từ thực tiễn hoạt động sản xuất của các nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới đã cho thấy một sự thật, đầu tư cho ý tưởng khoa học mới là một trong những hướng đi chủ đạo để tạo ra sự bứt phá về công nghệ mới và sự sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo các chuyên gia, xã hội càng hiện đại, càng đặt vai trò nhiều hơn cho sự sáng tạo. Từ thực tế trên thế giới, để đột phá trong phát triển ở thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đến lúc, Việt Nam cũng phải thực thi đầu tư cho ý tưởng. Và ở đây, theo chúng tôi, công tác tuyên giáo có trọng trách rất lớn trong việc tạo lập và thực thi một phương thức đầu tư phát triển mới, - phương thức đầu tư cho ý tưởng khoa học- công nghệ mới.
Tin tưởng rằng, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành trong 90 năm qua, công tác tuyên giáo Đảng sẽ vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng tốt những yêu cầu mới do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra./.
PGS.TS. Ngô Đình Xây
- (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quóc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 192-193, 200.
- Phát biểu của GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới với chủ đề “Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ngày 20/01/2016. Dẫn lại theo Trí thức trẻ, tháng 4/2016.[1]
- Xem: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”..http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nghi-quyet-cua-Bo-Chinh-tri-ve-chu-dong-tham-gia-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu/376219.vgp29/09/2019.
- Xem: My Lan - Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: Nếu không theo kịp, con người sẽ mất tự do, trở thành "nô lệ" của máy móc. https://baomoi.com/ky-nguyen-tri-tue-nhan-tao-neu-khong-theo-kip-con-nguoi-se-mat-tu-do-tro-thanh-no-le-cua-may-moc/c/31524720.epi 19/07/2019.