Tập hợp lực lượng (THLL) là một khái niệm quan trọng trong quan hệ quốc tế, là một trong những nền tảng cơ sở để các quốc gia hợp tác, phối hợp, liên kết với nhau nhằm những mục đích chung. THLL có nhiều hình thức khác nhau, từ cấp độ tiểu khu vực đến toàn cầu, từ hai bên đến nhiều bên, từ chặt chẽ đến lỏng lẻo, từ chiến lược đến ngắn hạn… Có thể nói, đối với các cường quốc, THLL là cơ sở để tăng cường, thực thi quyền lực; đối với các nước vừa và nhỏ, THLL có vai trò quan trọng trong việc gia tăng vị thế, nâng cao sức mạnh quốc gia nhằm đối phó với các thách thức.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) là nơi thể hiện rõ nhất bức tranh toàn cảnh về các hình thức THLL đa dạng, đan xen, đa tầng nấc. Trong những năm gần đây, do tác động của cạnh tranh, tranh giành quyền lực nước lớn và một số nhân tố nội bộ các nước, THLL ở khu vực CA-TBD vận động theo các hướng phức tạp khác nhau, tác động nhiều chiều đến cục diện, cấu trúc khu vực cũng như mỗi quốc gia trong khu vực.
TẬP HỢP LỰC LƯỢNG Ở CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA COVID-19
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, suy thoái trầm trọng nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929 - 1933, ảnh hưởng đến đời sống hàng tỷ người trên thế giới. Đồng thời, bệnh dịch cũng đã tác động mạnh mẽ đến chính trị quốc tế, đặc biệt đẩy cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc lên tầng nấc mới. Do đó, cạnh tranh THLL do hai cường quốc này dẫn dắt trở nên gay gắt hơn. Các nước khác, đặc biệt các nước vừa và nhỏ, đứng trước các thách thức mới, buộc phải tăng cường năng lực, đồng thời đẩy mạnh THLL dưới các hình thức khác nhau nhằm tăng khả năng chống chịu trước sự bất ổn địa-chính trị. Đặc biệt, trước sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống, các hình thức THLL trên các vấn đề cũng nổi lên rõ rệt hơn.
THLL do Trung Quốc dẫn dắt
Đại dịch Covid-19 có một số tác động tiêu cực đến đối ngoại nói chung và THLL nói riêng của Trung Quốc. Về uy tín và vị thế, Trung Quốc đối mặt với cáo buộc của Mỹ và phương Tây về việc che giấu dịch. Về cạnh tranh THLL, Trung Quốc chịu sức ép rất lớn của Mỹ khi nước này lợi dụng Trung Quốc tập trung chống dịch để tăng cường THLL ở khu vực CA-TBD. Về triển khai, các sáng kiến THLL của Trung Quốc đều gặp thách thức gay gắt, trước hết là do Trung Quốc phải tập trung nguồn lực chống dịch, sau đó là do các nước (ví dụ như trong Sáng kiến Vành đai, Con đường - BRI) đều gặp khó khăn, các dự án bị ngưng trệ do bệnh dịch. Tuy nhiên, sau khi vượt qua đỉnh dịch và cơ bản khống chế được dịch bệnh, Trung Quốc nhanh chóng biến thách thức thành cơ hội đẩy mạnh THLL.
Điểm đáng chú ý nhất là Trung Quốc tập trung cải thiện hình ảnh từ quốc gia gây ra đại dịch toàn cầu trở thành hình mẫu đi đầu trong xử lý dịch trong nước và hợp tác quốc tế. Có thể thấy nỗ lực THLL của Trung Quốc thời kỳ đại dịch có một số điểm nổi bật sau đây:
1) Tích cực tranh thủ các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO); cam kết sẵn sàng cung cấp thông tin cho tổ chức này, thậm chí sẵn sàng hợp tác truy tìm nguồn gốc dịch bệnh, sẵn sàng cung cấp 2 tỷ USD trong 2 năm tới để chống đại dịch Covid-19 (trong khi Mỹ rút khỏi WHO), cùng với các nước thúc đẩy phát triển vắc-xin miễn phí cho cộng đồng.
2) Thực hiện chiến lược ngoại giao y tế, ngoại giao “khẩu trang” (corona diplomacy) trên toàn thế giới, đặc biệt là với ASEAN. Các nước ASEAN và Trung Quốc đồng ý chia sẻ thông tin về các phương pháp điều trị và kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy phát triển vắc-xin chung. Bên cạnh việc hỗ trợ các nước chống Covid-19, Trung Quốc hối thúc các nước nới lỏng các lệnh cấm đi lại, hạn chế du lịch với công dân Trung Quốc. Ngoại giao corona của Trung Quốc tỏ ra có hiệu lực không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn lan sang cả châu Âu (như Ý), Trung Đông (Iran), châu Phi.
3) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại, thậm chí là “ngoại giao chiến lang” (wolf warrior) nhằm cố gắng giảm uy tín của Mỹ và phương Tây trong công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời cải thiện, thậm chí nâng cao hình ảnh của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế, củng cố sức mạnh mềm(1). Mặc dù vậy, sự mạnh bạo của “ngoại giao chiến lang” cũng mang lại một số phản tác dụng đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Về sau, Trung Quốc cũng đang dần điều chỉnh theo hướng giảm công kích Mỹ và phương Tây hơn(2).
4) Tiếp tục tăng cường vai trò, ảnh hưởng đối với các điểm nóng như Bán đảo Triều Tiên, đồng thời giữ vững lập trường cứng rắn đối với các vấn đề cốt lõi như Đài Loan, Biển Đông: Trung Quốc tăng cường diễn tập quân sự; đưa ra tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông; phản đối khi Mỹ yêu cầu cho Đài Bắc trở lại Liên Hiệp Quốc, lên án sự ủng hộ của Mỹ và các nước dành cho Đài Loan khi Đài Loan vận động hành lang để giữ vai trò quan sát viên trong cuộc họp của Đại hội đồng y tế thế giới (WHA).
THLL do Mỹ dẫn dắt
Trái ngược với chiều hướng của Trung Quốc, trong thời gian ban đầu của dịch bệnh, THLL của Mỹ ở CA-TBD nổi lên khá mạnh mẽ, toàn diện, lan toả trên các vấn đề từ y tế, kinh tế, thương mại, công nghệ, tài chính, chính trị, quân sự và an ninh. Tuy nhiên, khi bắt đầu chịu tác động nặng nề của đại dịch, do phải tập trung đối nội, Mỹ giảm dần nỗ lực THLL ở khu vực.
Trên lĩnh vực y tế, Mỹ cùng với các nước phương Tây lên tiếng gây sức ép về việc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm làm lan rộng Covid-19 trên toàn thế giới, giấu thông tin, thao túng WHO.
Về kinh tế, Mỹ tiếp tục tìm kiếm đối tác mới, mở rộng nhóm Bộ Tứ (Quad) thành “Bộ Tứ mở rộng” (Quad-plus) để thảo luận vấn đề liên kết kinh tế, chống Covid. Với mục tiêu là dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Mỹ lên kế hoạch thành lập “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” để đối đầu với Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Mỹ kêu gọi đồng minh đưa nhiều cơ quan và công ty của Trung Quốc vào danh sách đen trừng phạt kinh tế.
Về quân sự, để ngăn Trung Quốc làm suy yếu các liên minh của Mỹ và đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi châu Á, đồng thời trong bối cảnh Trung Quốc có những hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông từ đầu năm 2020 và ngay trong thời gian đại dịch Covid-19 (như công bố khu hành chính mới, đưa tàu khảo sát vào khu vực chồng lấn của Malaysia và Philipin, diễn tập), Mỹ trấn an và đẩy mạnh hơn nữa liên minh ở khu vực, tăng cường quốc phòng (đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên thêm 20 tỷ đô la Mỹ), tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải…
Về hỗ trợ chống dịch, mặc dù là quốc gia có nhiều trường hợp mắc Covid-19 nhất thế giới, song thực tế Mỹ là một trong những quốc gia hàng đầu về hỗ trợ nhân đạo và ứng phó sức khỏe đối với đại dịch toàn cầu. Mỹ cam kết hơn 775 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 100 quốc gia để ứng phó với Covid-19, trong đó bao gồm nâng cao năng lực phòng thí nghiệm, kiểm soát dịch bệnh và ứng phó nhanh.
Có thể thấy rõ, nguyên nhân Mỹ tăng cường các THLL ở khu vực CA-TBD là do:
(1) Về đối nội, Mỹ sử dụng yếu tố Trung Quốc để đổ lỗi cho việc mất khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước và kinh tế suy thoái khi Mỹ và châu Âu đã trở thành các tâm dịch.
Đến ngày 8/10/2020 đã có hơn 216.000 người Mỹ chết vì Covid-19, gần 7,8 triệu người bị nhiễm bệnh; kinh tế suy thoái (GDP Quý II/2020 giảm sâu -31,4%, tỷ lệ người thất nghiệp 7,9% với 12,6 triệu người). Đây là những sức ép vô cùng lớn mà Tổng thống D. Trump phải đối mặt trong khi cuộc tranh cử tổng thống đang ở thời điểm rất quan trọng.
|
(2) Về đối ngoại, trong khi các nước phương Tây đang suy thoái kinh tế, vật lộn với dịch bệnh, thì Trung Quốc đã sớm thoát khỏi dịch bệnh từ tháng 3/2020, và vì vậy có điều kiện để phát triển sớm và nhanh chóng hơn. Trung Quốc cũng tranh thủ đẩy mạnh ngoại giao y tế, tăng cường THLL. Do vậy, Mỹ đẩy mạnh THLL giữa các nước phương Tây, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, chuỗi cung ứng, đầu tư… là nhằm cạnh tranh, kiềm chế đà phục hồi của Trung Quốc.
(3) Dịch bệnh Covid-19 làm lộ rõ những điểm yếu của Mỹ. Về kinh tế, chuỗi cung ứng của Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nhất là những ngành chủ chốt như y tế, chiến lược như công nghệ cao, vốn là mũi nhọn để Trung Quốc phát triển kinh tế và chiếm giữ đỉnh cao về vị thế kinh tế thế giới. Về xã hội, làn sóng chống phân biệt chủng tộc lên cao, nhiều thành phố của Mỹ rơi vào bất ổn. Về quân sự, dịch bệnh Covid-19 cho thấy ngay cả một quân đội hiện đại nhất, mạnh mẽ nhất cũng có thể bị tê liệt bởi virus.
THLL do ASEAN dẫn dắt
Dịch bệnh Covid-19 mang lại một số khó khăn cho ASEAN trong nỗ lực duy trì vai trò trung tâm. Trước hết, mỗi nước ASEAN đều gặp phải thách thức phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù tình hình dịch bệnh ở các nước khác nhau, song cơ bản các nước ASEAN đều phải chú trọng nội bộ, bao gồm việc chống dịch và đảm bảo phát triển kinh tế. Về đối ngoại, việc cả Mỹ và Trung Quốc tranh thủ gia tăng THLL trong thời gian đại dịch cũng gây thêm khó khăn cho các nước ASEAN trong nỗ lực giữ vững độc lập, tự chủ. Về kỹ thuật, hàng loạt các cuộc họp bị trì hoãn hoặc buộc phải tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Trong thời gian qua, với sự chủ động, tích cực của Việt Nam-Chủ tịch đương nhiệm củaASEAN, các hoạt động của ASEAN vẫn được tổ chức theo đúng lịch trình, bảo đảo cho ASEAN vẫn giữ vững vai trò trung tâm.ASEANcũng đã tích cực tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đối tác, THLL trong thời gian chống dịch Covid.
|
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc tại Lào về ứng phó với dịch bệnh, các nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin y tế để chuẩn bị và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Cuộc họp tại Viêng Chăn (Lào)có ý nghĩa quan trọng, thể hiện được sự tích cực và chủ động của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế ngay từ giai đoạn khi dịch mới bắt đầu lây lan.
Về hợp tác ASEAN-Mỹ, trong tháng 4 đã diễn ra hai cuộc họp trực tuyến cấp Thứ trưởng và cấp Bộ trưởng về ứng phó bệnh dịch vào ngày 1/4/2020 và ngày 23/4/2020 với một số kết quả thiết thực, cụ thể liên quan đến hỗ trợ tài chính, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Tại Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN - Mỹ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đánh giá cao nỗ lực của ASEAN ứng phó dịch Covid-19, công bố một số đề xuất như Sáng kiến tương lai y tế ASEAN - Hoa Kỳ và Mạng lưới các chuyên gia y tế ASEAN - Hoa Kỳ, hỗ trợ các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN xây dựng hạ tầng kiểm soát dịch bệnh ở khu vực...
Tiếp theo Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 với sự tham dự của lãnh đạo cả 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được tổ chức kịp thời (14/4/2020). Hội nghị còn có sự tham dự của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tư cách khách mời. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao được tổ chức theo hình thức trực tuyến để phù hợp với điều kiện hiện nay nhằm đưa ra những cam kết và quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất, khẳng định tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau ứng phó dịch bệnh của các nước ASEAN+3.
Về hợp tác ASEAN-EU, thông qua Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó với dịch bệnh vào ngày 20/3/2020, các nước ASEAN và EU khẳng định sẽ đoàn kết, tích cực đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ trong phòng ngừa dịch bệnh; nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh đối với các nước, nỗ lực duy trì trao đổi thương mại, đầu tư, tính đến các biện pháp dài hạn để khôi phục phát triển kinh tế.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 53 (AMM-53) và các Hội nghị liên quan diễn ra trong tháng 9/2020 đã đạt nhiều kết quả cụ thể, tạo nền tảng thuận lợi cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, khẳng định một ASEAN đoàn kết, thống nhất, gắn kết chặt chẽ trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đặt người dân ở vị trí trung tâm, tích cực thích ứng, triển khai các biện pháp nhằm phục hồi toàn diện sau dịch bệnh, giữ vững đà liên kết nội khối, sẵn sàng mở rộng quan hệ đối ngoại vì hòa bình và thịnh vượng.
Với sự chủ động và tích cực kết nối với các đối tác, có thể nói giữa những thách thức do đại dịch gây ra, ASEAN đã tận dụng được cơ hội quan trọng để nâng cao vai trò của Hiệp hội. Bằng các biện pháp linh hoạt, ASEAN đã tập hợp được các nước đối tác cùng chống dịch trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng.
THLL theo vấn đề
Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, THLL theo các vấn đề, đặc biệt là hợp tác Nam-Nam (bên cạnh hợp tác Bắc-Nam) tiếp tục nổi lên mạnh mẽ, tạo một mạng lưới hợp tác đa chiều và toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực y tế. Ví dụ, các THLL về hợp tác nghiên cứu vắc-xin; mạng lưới các doanh nghiệp hợp tác với nhau để tìm giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với Covid-19...
Các nước như Hàn Quốc, Úc cũng đưa ra các sáng kiến về phòng chống dịch bệnh. Úc thúc đẩy khuôn khổ hợp tác đa phương cấp khu vực như G20, ASEAN và APEC, hợp tác song phương với các nước như Trung Quốc, Nhật, Indonesia, và Ấn Độ. Hàn Quốc họp Đối thoại Seoul ở châu Phi lần thứ hai để hợp tác chống dịch. Đây là sáng kiến lớn đầu tiên của Tổng thống Moon Jae-in với châu Phi.
Trong bối cảnh các nước ở CA-TBD chuẩn bị bước vào giai đoạn mở cửa, phục hồi lại kinh tế, các THLL về kinh tế cũng nổi lên mạnh mẽ. Các quan chức cấp Bộ trưởng APEC đã tổ chức cuộc họp trực tuyến (27/5) để bàn giải pháp phục hồi kinh tế sau Covid-19.
Sự nổi lên của các THLL này phản ánh nỗ lực của thế giới tìm cách hợp tác ứng phó với Covid-19, trong khi các cơ chế chính thức toàn cầu tắc nghẽn do cạnh tranh nước lớn. Quá trình hợp tác không chỉ giữa các quốc gia, chính phủ, mà còn giữa người dân với nhau, với tinh thần đoàn kết toàn cầu khi đối mặt với thách thức, khủng hoảng chung, do đó đã tạo ra mạng lưới hợp tác đa tầng đa nấc, đa hướng và trên toàn cầu.
Lựa chọn THLL theo vấn đề vừa đảm bảo tính thích ứng, linh hoạt, hiệu quả, giải quyết đúng trọng tâm các thách thức đang nổi lên, vừa tránh sức ép chọn bên của cạnh tranh nước lớn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nước vừa và nhỏ gia tăng thêm thế và lực trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
|
ĐỐI SÁCH CỦA VIỆT NAM
Là Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA-41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đúng vào thời kỳ đại dịch, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức to lớn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, có thể khẳng định, Việt Nam không chỉ đứng vững trước những sóng gió của thời cuộc, đặc biệt là cạnh tranh nước lớn và tác động của đại dịch, mà còn hoàn thành tốt trách nhiệm quốc tế, góp phần vào việc duy trì và củng cố hòa bình, ổn định, tạo điều kiện để ASEAN nói chung, các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng nỗ lực vượt qua đại dịch. Đứng trước các thách thức khó lường, những biến chuyển phức tạp của THLL ở khu vực, Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu, nguyên tắc và phương châm khi tham gia các THLL.
Mục tiêu lớn nhất của Việt Nam khi tham gia các THLL là góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, thu hút nguồn lực phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Nguyên tắc tối cao trong quá trình cân nhắc tham gia THLL mới cũng như trong khuôn khổ các THLL đang tham gia chính là lợi ích quốc gia - dân tộc.
Phương châm tham gia THLL của Việt Nam là: 1) Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, và phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa. 2) Không để cho các nước lớn “hiểu lầm chiến lược” - tuyệt đối tránh việc tham gia THLL của một nước lớn khiến nước lớn khác hiểu rằng Việt Nam đi với nước này chống nước kia. 3) Đa dạng hóa các loại hình THLL tham gia. 4) Linh hoạt, khéo léo dùng việc tham gia THLL do nước lớn này dẫn dắt để thúc đẩy quan hệ với nước lớn kia và các THLL khác. 5) Kết hợp giữa song phương với đa phương, triệt để khai thác giá trị chiến lược của Việt Nam tại ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng ở CA-TBD.
Đối với cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc gia tăng cạnh tranh THLL, Việt Nam cân nhắc hình thức và mức độ tham gia các THLL của hai cường quốc này trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các bên, chú ý đảm bảo các phương châm và nguyên tắc đã nêu ở trên.
Với các cơ chế đa phương, ASEAN và các THLL khác
Một là, tích cực triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương,tiếp tục thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước; tận dụng và phát huy vai trò của các thể chế, các diễn đàn đa phương trong việc bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển của ta; nâng cao vị thế của đất nước và hài hòa với các lợi ích chung; tích cực phát huy vai trò trong các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM… Qua đó, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của quốc tế đối với chủ trương hợp tác, phát triển cũng như giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Hai là, đẩy mạnh duy trì đoàn kết, gắn kết trong nội khối ASEAN thông quachủ động phát huy vai trò tích cực trong “Cộng đồng chung ASEAN”; thúc đẩy đồng thuận trong ASEAN, tránh để các nước lớn lợi dụng gây chia rẽ ASEAN; có nhiều sáng kiến trong việc tăng cường đoàn kết, hợp tác nội khối; sẵn sàng phát huy vai trò lớn hơn trong những vấn đề liên quan đến lợi ích sát sườn của đất nước; ủng hộ và sẵn sàng tạo điều kiện để các nước lớn tăng cường quan hệ với ASEAN.
Ba là, cùng với các thành viên ASEAN khác giữ vững và củng cố vị trí trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực nói chung, trong các THLL lớn khác của khu vực. Tích cực tham vấn các thành viên ASEAN để đạt nguyên tắc, phương châm chung của các thành viên ASEAN trong quá trình tham gia các THLL hoặc khi xuất hiện THLL mới.
Bốn là, chủ động tích cực tham gia các cơ chế hợp tác và THLL quan trọng ở khu vực, kể cả kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa xã hội, qua đó bổ sung cho quan hệ song phương và ngược lại, lấy đa phương để đẩy song phương.
Năm là, đối với các THLL theo vấn đề, chủ động phát huy vai trò trong các vấn đề Việt Nam có lợi ích, dùng các THLL này để gia tăng vị thế trong các diễn đàn quốc tế phù hợp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam đẩy mạnh các THLL liên quan an ninh phi truyền thống như về y tế, an ninh lương thực…/.
TS. Lê Hải Bình
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Thông tin đối ngoại
______________
(1) Audrye Wong: Covid-19 and China’s information diplomacy in Southeast Asia, Brookings, 3/9/2020 (https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2020/09/03/covid-19-and-chinas-information-diplomacy-in-southeast-asia/)
(2) Trung Quốc giảm tốc ngoại giao “chiến lang”, VnExpress, 13/8/2020, (https://vnexpress.net/trung-quoc-giam-toc-ngoai-giao-chien-lang-4145725.html)